• Zalo

Nam doanh nhân rối loạn tâm thần vì căn bệnh khó nói của cánh mày râu

Tin tứcThứ Bảy, 27/07/2024 11:13:35 +07:00Google News
(VTC News) -

Không thể cương dương khi quan hệ cùng vợ kèm xuất tinh sớm, tinh thần luôn trong trạng thái lo âu, căng thẳng khiến người đàn ông phải thăm khám tâm thần.

Anh Nguyễn Văn Nam, 35 tuổi, sống tại Hà Nội, đã kết hôn 8 năm, vợ anh cũng làm kinh doanh. Gia đình nhỏ đã có một con trai 6 tuổi, khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Từ khi lập gia đình, họ sống hòa thuận. Sức khỏe sinh lý của hai vợ chồng được đánh giá là tốt và hòa hợp.

Anh Nam được biết đến là người cởi mở nhưng khá kỹ tính và cầu toàn. Anh làm kinh doanh tự do với khối lượng công việc thay đổi theo thời điểm. Gần đây, do cơ quan có một vài dự án lớn, anh thường xuyên phải làm việc quá giờ để đảm bảo tiến độ.

Một năm trở lại đây, người đàn ông gặp khó khăn trong việc duy trì sự cương cứng khi giao hợp. Anh chỉ có thể cương cứng trong khoảng 1-2 phút đầu và nhận thấy mức độ cương cứng giảm đi đáng kể so với trước kia. Tuy nhiên, anh vẫn có thể xuất tinh và có ham muốn tình dục như trước.

Việc không thể duy trì cương dương khi quan hệ khiến anh rất căng thẳng, mặc cảm với vợ và cảm thấy mình kém cỏi. Từ đó, nam doanh nhân dễ căng thẳng, bồn chồn, hay cáu gắt và mệt mỏi hơn. Vợ chồng cũng hay xảy ra xích mích, mâu thuẫn.

Anh Nam tự tìm hiểu trên mạng các phương pháp để cải thiện tình trạng này, sử dụng rượu ngâm và một số thực phẩm chức năng, nhưng không có hiệu quả. Tình trạng càng tăng, nhiều lần anh không thể cương cứng dương vật khi quan hệ tình dục và xuất tinh rất sớm, lo âu, trầm cảm cũng tăng lên, đêm ngủ kém, có đêm thức trắng.

Nam doanh nhân đi khám tại một số chuyên khoa như tim mạch, nhưng không phát hiện bất thường. Khoảng 5 tháng trước, vợ động viên anh đi khám và tư vấn chuyên khoa tâm thần. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm đánh giá, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn cương dương – rối loạn lo âu và trầm cảm.

Bệnh nhân được điều trị kết hợp thuốc, tư vấn trị liệu tâm lý và thay đổi lối sống. Sau 1 tháng điều trị, tình trạng rối loạn cương dương cải thiện, lo âu và trầm cảm cũng ổn định. 

Nam doanh nhân đi khám tâm thần vì không thể cương dương.

Nam doanh nhân đi khám tâm thần vì không thể cương dương. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sức khỏe tình dục là nền tảng của sức khỏe thể chất, tâm thần, hạnh phúc của cá nhân và cộng đồng. Rối loạn cương dương (RLCD) là một trong những rối loạn chức năng tình dục phổ biến ở nam giới, ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình.

Cương dương là hiện tượng sinh lý bình thường của nam giới ở mọi lứa tuổi. Theo Hiệp hội Y học Tình dục Thế giới, RLCD là tình trạng không có khả năng đạt và duy trì độ cương cần thiết để thực hiện giao hợp. RLCD lặp đi lặp lại gây ảnh hưởng tâm lý và căng thẳng quan hệ lứa đôi.

TS. BS. Nguyễn Thị Phương Mai, Đơn nguyên Sức khỏe Tình dục và Giới tính - Viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai cho biết, rối loạn cương dương được báo cáo ở 10-20% nam giới và là vấn đề chính của hơn 50% nam giới điều trị rối loạn chức năng tình dục.

"Tỷ lệ rối loạn cương dương tăng theo tuổi: 20% trước 30 tuổi, 25% ở độ tuổi 30-39, 40% ở độ tuổi 40-49, 60% ở độ tuổi 50-59, 80% ở độ tuổi 60-69 và 90% ở người trên 70 tuổi", bác sĩ Mai nói.

Rối loạn cương dương có thể do nguyên nhân thực thể hoặc tâm lý. Ở nam giới trẻ và trung niên, nguyên nhân thường do tâm lý như trầm cảm, lo âu, stress, lạm dụng rượu, thuốc lá.

Nguyên nhân thực thể bao gồm bệnh lý chuyển hóa và tim mạch, đái tháo đường, béo phì, cholesterol cao, tăng huyết áp, và bệnh thận. Thuốc điều trị trầm cảm, loạn thần, và các thuốc khác cũng có thể gây rối loạn cương dương.

Các triệu chứng phổ biến của rối loạn cương dương bao gồm khó cương cứng và khó duy trì sự cương cứng trong quan hệ tình dục, có thể đi kèm với xuất tinh sớm, xuất tinh chậm, không đạt cực khoái, hoặc không có khả năng đạt cực khoái.

Điều trị rối loạn cương dương bao gồm điều trị hóa dược, trị liệu tâm lý, và các liệu pháp khác. Các liệu pháp tâm lý bao gồm giáo dục về tình dục, liệu pháp thư giãn, liệu pháp tâm lý nhóm, và liệu pháp nhận thức - hành vi.

Tập thể dục như bài tập kegel, aerobic, yoga, và duy trì lối sống lành mạnh cũng có thể giúp điều trị rối loạn cương dương. Trong trường hợp thuốc không hiệu quả, phẫu thuật có thể là một lựa chọn.

Khi gặp biểu hiện rối loạn cương dương, hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa Tâm thần để được khám, tư vấn và điều trị phù hợp.

Bình luận
vtcnews.vn