Thường xuất hiện ở những gánh hàng vỉa hè, bún đũa bình dị, dân dã mà len lỏi khắp phố phường ở tỉnh Nam Định, dần trở thành một món ăn không thể thiếu mỗi khi nhắc đến ẩm thực của vùng đất Thành Nam.
Bún đũa giản dị ngay từ cái tên. Sở dĩ có tên như thế bởi vì những sợi bún trong món ăn có hình dạng to tròn và dài như phần đầu của chiếc đũa. Cũng nhờ đặc điểm khác biệt này mà bún đũa sở hữu những sợi bún tuy mềm nhưng vẫn có được độ dai, chắc, không bị nhão, ăn rất thích không cảm thấy ngán dù sợi to.
Kết hợp với những sợi bún trắng tròn là nồi nước dùng với riêu cua đậm đà được ninh nấu kỹ lưỡng. Nước dùng của bún đũa bao gồm các thành phần như nước hầm xương gà, nước tôm khô, hành tây, đường phèn…
Để cho ra một tô bún đũa chuẩn Nam Định, không thể thiếu phần tôm khô ngâm mềm rồi đem đi xay nhuyễn. Phần nước ngâm tôm khô sẽ được tận dụng để nấu nước dùng, trong khi thịt tôm sẽ được trộn đều cùng thịt, cua, trứng gà thêm mắm tôm và các loại gia vị vừa ăn.
Nồi nước dùng khi đã thành phẩm với phần riêu cua nổi lên óng ánh sắc vàng nâu từ gạch cua và mỡ hành đầy hấp dẫn, hòa cùng với đó là những miếng cà chua đỏ tươi tăng thêm phần bắt mắt.
Bún đũa khi ăn sẽ được chan nước dùng lên những sợi bún to tròn, thêm các nguyên liệu ăn kèm như riêu, cà chua… và một thành phần quan trọng không thể thiếu để hoàn thiện món ăn chính là các loại rau theo mùa. Món bún đũa thường được ăn kèm rau muống luộc, rau cải, kinh giới, tía tô... (tùy vào mùa rau).
Những lớp riêu béo ngậy và sắc rau muống ẩn hiện che phủ một phần những sợi bún thuôn dài, nức lên mùi thơm lừng khiến người đi ngang không thể không ngoái lại. Đến khi ngồi gọi thử một tô để thưởng thức, cho vào miệng từng đũa bún, người dùng lại càng bị cuốn hút bởi hương vị nửa chua nửa ngọt độc đáo của nước dùng.
Không quá khó để tìm kiếm, cũng chẳng đòi hỏi nhiều nguyên liệu đắt tiền, bún đũa với chính món ăn giản đơn nhưng đầy tinh tế trong cách chế biến, kết hợp các thành phần lại với nhau đã tạo nên một món ăn đặc sắc mang đậm dấu ấn ẩm thực Nam Định.
Bình luận