Ngoài ra, ngành BHXH địa phương này còn tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Tại bộ phận “Một cửa” của BHXH tỉnh luôn có cán bộ nhiệt tình hướng dẫn người dân cài ứng dụng VssID - “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên điện thoại di động.
Chị Hoàng Thị Phượng, phường Văn Miếu (thành phố Nam Định) cho biết: “Chỉ với chiếc điện thoại di động có kết nối internet và phần mềm BHXH số, người lao động được tiếp cận các thông tin, dịch vụ về lĩnh vực BHXH nhanh chóng, tiện lợi. Thông qua ứng dụng, tôi có thể tự theo dõi quá trình đóng, hưởng BHXH của mình. Hy vọng tiện ích của ứng dụng này sẽ lan tỏa sâu rộng đến người dân”.
Được biết, việc triển khai ứng dụng VssID là một bước đi quan trọng để ngành BHXH hiện thực hóa mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng thẻ BHYT điện tử và sổ BHXH điện tử được quy định trong Luật BHXH, Luật BHYT; “ứng dụng điện thoại thông minh trong thanh toán BHYT, BHXH” đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH.
Hiện nay, BHXH tỉnh tiếp tục triển khai ứng dụng hiệu quả hệ thống các phần mềm quản lý thu; cấp quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT (TST), quản lý tài chính - kế toán, quản lý chính sách (TCS), tiếp nhận hồ sơ trong quản lý nghiệp vụ của ngành, thực hiện kiểm soát tốt công tác tiếp nhận hồ sơ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh điện tử từ các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh.
Xác định hướng tới sự hài lòng của người dân là một trong những mục tiêu quan trọng, BHXH các huyện đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động. BHXH huyện Mỹ Lộc tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, triển khai giao dịch điện tử trong đăng ký đóng BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ I-Van triển khai phần mềm kê khai BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đến tất cả các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Với các giải pháp đồng bộ, đến tháng 8/2023, toàn huyện có 65.067 người tham gia BHYT; 6.070 người tham gia BHXH bắt buộc; 951 người tham gia BHXH tự nguyện; 5.589 người tham gia BHTN…
BHXH huyện Nghĩa Hưng quán triệt cán bộ, nhân viên đổi mới, sáng tạo trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là cải cách thủ tục hành chính nhằm đem lại sự an tâm và hài lòng cho người dân, doanh nghiệp đến liên hệ công tác. Cùng với đó, BHXH huyện Nghĩa Hưng còn tích cực phát động cán bộ, chuyên viên tham gia xây dựng đề tài, sáng kiến kinh nghiệm về ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ như: “Đổi mới cách thức truyền thông BHXH tự nguyện và BHYT gia đình trong giai đoạn công nghệ số” của các tác giả Nguyễn Thị Như Trang, Phạm Thị Huyền, Trần Xuân Trường; “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thẻ BHYT trong các doanh nghiệp có số lượng lớn” của các tác giả Nguyễn Thị Hằng, Hà Thị Hồng…
Thực hiện đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06). Đến ngày 17/10/2023, toàn tỉnh có 1.621.861/1.665.136 nhân khẩu (đạt tỷ lệ 97,40%) có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang tham gia BHYT với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Tính đến ngày 16/10/2023, toàn tỉnh đã có 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT tiếp đón 596.163 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân được hệ thống Thông tin giám định ghi nhận. Triển khai chức năng tạo lập liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe, Giấy chứng sinh, Giấy báo tử điện tử trên cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin Giám định BHYT phục vụ triển khai Đề án 06, đến ngày 17/10/2023, các cơ sở khám, chữa bệnh đã cấp 29.312 giấy khám sức khỏe lái xe; 8.320 giấy chứng sinh; 30 giấy báo tử điện tử.
Trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính, BHXH tỉnh đã tăng cường tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua giao dịch điện tử. Đến tháng 6/2023, BHXH tỉnh thực hiện tiếp nhận 681.439 hồ sơ, trong đó 577.908 hồ sơ qua giao dịch điện tử.
Xác định vai trò của nguồn nhân lực trong công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, BHXH tỉnh gắn trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đối với thông tin dữ liệu cập nhật, phê duyệt, quản lý. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cử nhiều lượt cán bộ các cấp đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ trẻ.
Công tác đánh giá cán bộ cũng được BHXH tỉnh đổi mới theo hướng thực chất, bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan, lấy chất lượng hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ, khả năng quy tụ, đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể là tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá năng lực cán bộ. Đến nay đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của BHXH tỉnh đã cơ bản đảm bảo số lượng và từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Với các giải pháp đồng bộ, việc đẩy mạnh CCHC, ứng dụng CNTT đã tác động tích cực đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của BHXH tỉnh. Đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 211.509 người tham gia BHXH bắt buộc; 24.334 người tham gia BHXH tự nguyện; 200.065 người tham gia BHXH thất nghiệp; 1.707.959 người tham gia BHYT (đạt tỷ lệ bao phủ 94,51%). Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua giao dịch điện tử và dịch vụ bưu chính; công tác giám định BHYT điện tử. Tập trung đẩy mạnh nâng cao tỷ lệ giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực thực hiện chính sách BHXH, đẩy mạnh chi trả qua thẻ ATM. Nâng cao tỷ lệ người cài đặt ứng dụng VssID. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về đồng bộ xác thực dữ liệu tham gia BHXH, BHYT với dữ liệu dân cư được UBND tỉnh và BHXH Việt Nam giao năm 2023.
Bình luận