Mỹ Hòa Hưng là một xã cù lao nằm giữa sông Hậu ở phía Đông Bắc, TP Long Xuyên, An Giang, nhưng tên gọi Cù lao ông Hổ được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn khi nhắc đến vùng đất này.
Từ bến phà Ô Môi (TP Long Xuyên), sau gần 30 phút vượt sông Hậu là có thể đặt chân lên vùng đất Cù lao ông Hổ. Theo người dân địa phương, có nhiều giai thoại, câu chuyện truyền miệng liên quan để lý giải về tên gọi của của lao này. Trong đó, có câu chuyện về nghĩa tình giữa người và hổ, được người dân lưu giữ và truyền miệng cho đến nay.
Có 5 thế hệ trong gia đình gắn bó với vùng đất cù lao này, ông Nguyễn Văn Tri (73 tuổi) cho biết, theo các bậc tiền nhân, thuở xưa, vùng đất này được phù sa bồi đắp, nổi lên giữa dòng sông Hậu, cây cối bén rễ rậm rạp, không người lui tới.
Tương truyền, khi các bậc tiền nhân bắt đầu khai phá vùng đất này, có vợ chồng nông dân thấy một con vật nhìn giống mèo bám theo đám lục bình, trôi trên sông. Nhưng khi chèo xuồng đến gần, họ mới phát hiện đó không phải mèo mà là hổ con. Lúc này chú hổ con vừa đói, vừa run vì ướt. Thương hổ con, hai vợ chồng đem về nhà nuôi. Hổ con lớn dần, nhưng do sống chung với người nên rất hiền lành.
“Về sau, ông bà có sinh một người con gái. Cô gái lớn lên gọi hổ bằng anh hai. Khi cô gái đi lấy chồng, ông bà chỉ có hổ làm bạn”, ông Tri kể.
Cũng theo ông Tri, khi vợ chồng người nông dân qua đời, người ta không còn thấy con hổ. Tuy nhiên, ơn cứu giúp của hai vợ chồng thì hổ không bao giờ quên, bởi hằng năm, tới ngày giỗ của họ, người ta lại thấy một xác một con heo rừng đặt bên mộ. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, không người dân nào ở xứ cù lao này bị hổ quấy phá.
“Dân làng cảm động vì thấy con vật sống có tình nghĩa nên đã lập ngội mộ để thờ ông Hổ và đặt tên cho cù lao này là Cù lao Ông Hổ”, ông Tri nói.
Mộ ông Hổ hiện nằm trên sân chùa Bửu Long Cổ Tự (ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên). Người dân nơi đây chọn ngày 28/10 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ của ông Hổ.
Bình luận