• Zalo

Nắm bắt cơ hội từ 4.0 để theo kịp, đi cùng và vượt lên

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 19/07/2018 14:46:00 +07:00Google News

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn Cấp cao về CNTT –TT (ICT Summit 2018) diễn ra vào ngày 18/7 tại Hà Nội.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng và có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Nó làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp và thậm chí làm thay đổi cả con người.

Cơ hội là rất lớn

Cuộc cách mạng này hình thành và phát triển thông qua việc tích hợp hàng loạt công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây… Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn cho việc tạo ra một bước phát triển nhảy vọt cho nhân loại, xóa bỏ những giới hạn truyền thống về khan hiếm nguồn lực, đang làm thay đổi không gian kinh tế - xã hội theo hướng hòa trộn giữa không gian vật lý và không gian số.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có sự khác biệt rất lớn so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, nhất là về tư liệu sản xuất và lực lượng lao động. Tư liệu sản xuất chính đã chuyển dần chủ yếu từ vật chất sang phi vật chất; trong đó hệ thống mô phỏng tích hợp các loại công nghệ, môi trường số, kết nối vạn vật và không gian mạng sẽ trở thành công cụ sản xuất chủ yếu.

Dữ liệu thông tin sẽ trở thành nguyên liệu có giá trị nhất, có sức mạnh nhất và có thể được sử dụng không hạn chế về quy mô, không gian và thời gian; lao động trí tuệ, lao động đa kĩ năng trở thành lực lượng lao động chi phối; trí tuệ nhân tạo, người máy sẽ thay thế con người trong rất nhiều lĩnh vực, làm cho năng lực và tiềm năng được mở rộng không giới hạn.

Với ý nghĩa như vậy, nhu cầu về tài chính sẽ giảm đáng kể, nhiều hoạt động, công đoạn sản xuất có thể được thực hiện với chi phí rất thấp, thậm chí bằng không; chi phí cận biên trên một sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ có thể được giảm xuống hàng trăm, hàng ngàn lần; quy trình sản xuất trở nên nhanh hơn, thông minh hơn và có thể được rút ngắn nhiều lần so với trước đây.

“Đối với Việt Nam, đây chính là một điểm mạnh, một lợi thế cần được phát huy để chúng ta có thể nhanh chóng bắt kịp, đi cùng và tiến tới vượt lên hàng đầu ở một số lĩnh vực với những công nghệ đặc trưng của thời đại 4.0”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Có thể nói, cơ hội là rất rõ ràng, theo nghiên cứu sơ bộ của công ty tư vấn VCJ cho thấy Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 8 – 18 tỷ USD/năm và đây chỉ là con số sơ bộ, tính toán ban đầu. Tức lợi ích mà 4.0 mang lại là động lực để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như thúc đẩy các nỗ lực cải cách hiện nay mà chính phủ đã thực hiện một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn.

Thực tế, nếu như các diễn đàn trước đây tập trung vào tầm nhìn, khát vọng, khái niệm về chính phủ số, kinh tế số và hạ tầng số thì năm nay diễn đàn hướng đến việc thực hiện mục tiêu đó, từ làm sao để thực hiện, làm ở đâu, làm như thế nào cho đến bao giờ làm xong…

2222

 Nắm bắt cơ hội để theo kịp, sánh ngang và vượt qua: “Chỉ có tận dụng và hiện thực hóa một cách nhanh cơ hội này, chúng ta mới vượt qua được thách thức về tụt hậu để thu hẹp khoảng cách phát triển và để bắt kịp, đi cùng, vượt lên về công nghệ và kinh tế” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói. (Ảnh: Huy Hoàng)

…nhưng phải tận dụng và chủ động

Tuy nhiên, cơ hội không tự nhiên đến với một quốc gia chờ đợi, thụ động tiếp nhận những thay đổi do cuộc cách mạng đem lại. Ngược lại, Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực, quyết liệt đổi mới, sáng tạo, thực hiện hàng loạt chương trình cải cách trên 4 yếu tố nền tảng và 4 trụ cột chuyển đổi. Việt Nam không chỉ tiếp nhận, tận dụng những cơ hội mà còn phải biết tạo ra các cơ hội mới với tư duy và phương châm hành động là bây giờ hoặc không bao giờ. Vì cơ hội chỉ đến một lần và không bao giờ quay lại.

Theo đó, 4 yếu tố nền tảng là đột phá về thể chế; phát triển về năng lực, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; phát triển nguồn nhân lực.

Trong đó, đổi mới và phát triển hệ thống thể chế phù hợp là quan trọng và quyết định. Thể chế cho Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trước hết là thể chế về kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập, luôn hướng tới sự chấp nhận, thích nghi và khuyến khích, thúc đẩy những cái mới, những thay đổi liên tục, mạnh mẽ và nhanh chóng của KHCN; là hệ thống thể chế nuôi dưỡng, thu hút nhân tài, giải phóng năng lực cá nhân, phát huy tối đa sáng tạo của mọi cá nhân; tổ chức để mang lại những giá trị mới cao hơn; bảo vệ được an toàn, an ninh trên không gian mạng cũng như quyền tự do và quyền riêng tư của mỗi con người.

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia cần được quan tâm, đầu tư để có thể mở rộng, nâng cấp ít nhất là ngang bằng với mức độ tiên tiến của khu vực.

Cơ sở dữ liệu quốc gia cần phải được nhanh chóng xây dựng và phát triển một cách thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế về lưu trữ, phân tích, kết nối, lưu chuyển, tiếp cận và khai thác sử dụng thông tin.

Phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đi đôi với việc chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp và thích ứng với  yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại 4.0, theo hướng đào tạo kỹ năng đa ngành, người lao động phải được trang bị nhiều loại kỹ năng đa dạng để thích ứng với môi trường thời đại và dễ dàng chuyển dịch công việc phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Trên cơ sở 4 yếu tố nền tảng trên, Việt Nam cần thúc đẩy chuyển đổi quản trị và sản xuất theo 4 trụ cột sau:

Thứ nhất, chuyển đổi nền quản trị quốc gia, trước hết là xây dựng chính phủ điện tử, dần tiến tới chính phủ số và phát triển thành phố thông minh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế bằng các công nghệ hiện đại, giảm thiểu chi phí tuân thủ và tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp trong những ngành kinh tế mới.

Thứ hai, chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng thông minh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn, áp dụng phổ biến các phương thức kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, thanh toán điện tử…, thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, kết hợp với khuyến khích và hỗ trợ phát triển các công ty công nghệ trong nước, hỗ trợ nâng cao kỹ năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận, áp dụng các công nghệ, mô hình quản lý và kinh doanh phổ biến trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 để họ tiếp cận được thị trường toàn cầu.

Thứ ba, áp dụng các công nghệ và phương thức tổ chức kinh doanh của Cách mạng công nghiệp 4.0 để nhanh chóng chuyển đổi sản xuất trong các ngành có lợi thế, có tiềm năng phát triển, có thể đóng góp lớn vào phát triển đất nước. Ví dụ như sản xuất nông nghiệp, công nghệ thông tin, dịch vụ hậu cần, logistic, dịch vụ tài chính, dịch vụ y tế, giáo dục…

Thứ tư, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để phát triển các công nghệ tiên tiến giúp Việt Nam vươn lên ở một số lĩnh vực của công nghệ 4.0. Chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, chế tạo thông minh, an ninh mạng… Hệ sinh thái phải được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế, trong đó hạt nhân là chuỗi các trung tâm đổi mới sáng tạo theo các mô hình tốt nhất của thế giới.

Các trung tâm này cần phải được xây dựng ở những vị trí phù hợp, được quản trị theo thông lệ tốt nhất của quốc tế với những người quản lý chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế, kết nối được với các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học cả trong và ngoài nước. Cùng với sự tham gia của các công ty công nghệ hàng đầu, các nhà đầu tư, nhất là đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ những người khởi nghiệp phát triển, nhanh chóng thương mại hóa các ý tưởng, phát minh, sáng chế và mô hình kinh doanh mới.

Các trung tâm đổi mới sáng tạo với hệ sinh thái như trên phải là nơi sống, nơi làm việc tốt, đủ sức cạnh tranh quốc tế để thu hút các tài năng công nghệ 4.0, trước hết là những người Việt Nam ở trong và ngoài nước đến làm việc, nghiên cứu và phát triển các công nghệ đặc trưng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như trí tuệ nhân tạo, máy học, thuật toán, phân tích dữ liệu lớn, blockchain, vật liệu mới, năng lượng mới, mô hình kinh doanh mới… Đó sẽ là nơi kiến tạo và phát triển năng lực công nghệ quốc gia để tạo ra những sản phẩm công nghệ “made in Vietnam”, “made by Vietnam”.

Đó cũng là cách để nước ta vươn lên hàng đầu trong một số ngành, lĩnh vực công nghệ mà Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh. “Tôi tin rằng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thực sự là cơ hội phát triển của dân tộc, của đất nước chúng ta, chỉ có tận dụng và hiện thực hóa một cách nhanh cơ hội này, chúng ta mới vượt qua được thách thức về tụt hậu để thu hẹp khoảng cách phát triển và để bắt kịp, đi cùng, vượt lên về công nghệ và kinh tế”, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn