Theo báo điện tử VOV, một báo cáo mới được công bố gần đây của Đại học Harvard và tổ chức Greenpeace International cho biết, khí thải từ đốt than ở các nước Đông Nam Á sẽ tăng gấp 3 lần từ nay cho đến năm 2030 và khiến hàng chục ngàn người chết mỗi năm trong khu vực, chủ yếu tại các nước Indonesia và Việt Nam.
Cụ thể, số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than sẽ tăng từ 4.300 ca (năm 2011) lên 15.700 ca vào năm 2030.
Bùng nổ ô nhiễm khí than
Thông báo của Greenpeace đưa ra hồi tuần trước cho biết, nếu những nhà máy than đang trong kế hoạch được Đài Loan, Nhật Bản và Nam Hàn tiến hành xây dựng theo dự kiến ở khu vực Đông Nam Á thì mỗi năm sẽ có khoảng 70.000 người chết vì ô nhiễm than. Con số này hiện nay được ước tính là 20.000 người.
Trong buổi hội thảo “Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khoẻ cộng đồng” do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) – Tổ chức điều phối liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Trung tâm Sáng tạo Xanh (GreenID) – Tổ chức điều phối Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp tổ chức sáng 28/7 tại Hà Nội, các chuyên gia đã liên tục cảnh báo những ảnh hưởng nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ con người, đặc biệt là trẻ em.
Ô nhiễm không khí xuất phát từ rất nhiều nguồn, từ các nhà máy sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng, phương tiện giao thông, các nhà máy nhiệt điện chạy than. Hiện nay, vẫn chưa có số liệu chính xác xác định được đâu là nguyên nhân hàng đầu.
Theo Báo điện tử VOV, trong một dự án thí điểm ở Hà Nam (8/2016-7/2017), nhóm khảo sát đã tiến hành khám lâm sàng cho 54 trẻ em dưới 5 tuổi và 69 người trên 65 tuổi ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm. Địa điểm này được biết nằm cách Nhà máy Nhiệt điện than Ninh Bình 14km về phía Tây Nam, có nhiều nhà máy sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng khác.
Qua kết quả khám lâm sàng cho thấy 70% số người trên 65 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi mắc các bệnh hô hấp hoặc tim mạch. Tỷ lệ bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em tương đương nhóm trẻ em bị phơi nhiễm ở khu vực ô nhiễm nặng trong các nghiên cứu quốc tế khác.
Thậm chí, ThS. BS Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, chuyên gia về Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em chia sẻ: “Một xã đô thị hạng 5 ở tỉnh Hà Nam 1 năm có tới 79 người chết, từ già đến trẻ, mà có tới 39 người chết vì ung thư, chủ yếu là ung thư phổi”.
Theo thông tin từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động sử dụng nguồn than trong nước khoảng 20 triệu tấn mỗi năm, và theo một ước tính, các nhà máy này thải ra trên ba triệu tấn xỉ than hàng năm, bên cạnh một lượng tro bay lớn gấp vài ba lần.
Không những ở Việt Nam, trên thế giới hiện nay nhiệt điện than vẫn còn chiếm tỷ lệ rất lớn, vì những nguồn năng lượng khác chưa thể thay thế được, mặc dù người ta đang muốn thay thế nó bằng năng lượng tái tạo. Do đó, nhiệt điện than còn tiếp tục đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới.
Theo Quy hoạch phát triển điện lưới quốc gian năm 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7 điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3 năm 2016), Việt Nam sẽ phát triển các nhà máy nhiệt điện than với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu.
Trong đó, khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên sử dụng than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện khu vực miền Bắc. Đến năm 2020, tổng công suất khoảng 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than; năm 2025, tổng công suất khoảng 45.800 MW, sản xuất khoảng 220 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than.
Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế, cần xây dựng một số nhà máy nhiệt điện tại các Trung tâm Điện lực: Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Long An... sử dụng nguồn than nhập khẩu.
Điều đó đồng nghĩa với lượng xỉ than tro đáy lên đến 14 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020, và gần 35 triệu tấn tro đáy hàng năm vào năm 2030, cùng hàng chục triệu tấn tro bay.
Vì sao vẫn phải phát triển nhiệt điện than
Theo Báo điện tử VOV, gần đây dư luận cả nước đang rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và nhà máy nhiệt điện Duyên Hải. Trong quá trình vận hành, khói bụi từ hai nhà máy này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất. Tới đây, ở khu vực ĐBSCL sẽ có 14 nhà máy nhiệt điện than được xây dựng. Khi đó, những nguy cơ chúng ta phải đối mặt là rất lớn.
Ông Trần Đình Sính – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho biết, khi các nhà máy được xây dựng sẽ được lắp bộ lọc tĩnh điện. Những bộ lọc này có thể lọc được tới hơn 99% lượng khói thải. Tuy nhiên, một kết quả khảo sát cũng gây “giật mình” với chính nhóm nghiên cứu.
“Khi tìm hiểu một nhà máy đang vận hành, nhà máy này có khả năng lọc tới 99,75% và chỉ có 0,25% lượng khí thải thoát ra ngoài. Nhưng một nhà máy 1.200MW trong một ngày đêm thải ra ngoài tới 7,7 tấn bụi, vậy nếu xây dựng thêm 41 nhà máy nữa thì lượng khói sẽ thải ra không khí bao nhiêu?”
Khi Quy hoạch điện Điện VII được phê duyệt, có rất nhiều ý kiến đưa ra tại sao không phát triển điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời. Trả lời cho câu hỏi này, ông Đình cho biết: Điện gió, điện mặt trời chi phí quá lớn, chưa kể mặt trời chỉ chiếu 12h/ngày và không phải lúc nào cũng có gió lớn, nếu không có điện dự trữ rất dễ dẫn đến tình trạng cắt điện khi thời tiết không thuận lợi.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để phát triển điện hạt nhân. Đây là những lý do để phát triển nhiệt điện than.
Biện pháp phòng chống ô nhiễm khí than, ô nhiễm môi trường
Với những tác hại khủng khiếp mà khí than gây ra đối với sức khỏe con người, việc kiểm soát, phòng chống, hạn chế mức tối đa ô nhiễm khí không khí nói chung và ô nhiễm khí than nói riêng là rất quan trọng.
Về chính phủ, chính phủ cần ban hành các luật quy định về quản lý và kiểm soát môi trường, thực hiện luật bảo vệ môi trường, quản lý và kiểm soát những nguồn và các tác nhân gây ô nhiễm nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Thay thế các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cũ bằng trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, dây chuyền khép kín, xử lý tốt các chất thải, khí thải trước khi thải ra môi trường. Công nghệ làm sạch không khí phải luôn được hoàn thiện.
Chuyển các động cơ, lò đốt bằng nhiên liệt than đá, xăng dầu sang sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng thủy điện… Các động cơ, phương tiện giao thông cần cải tiến sử dụng điện năng hay thiết kế bộ phận đốt cháy hoàn toàn nhiên liệu, sử dụng các nhiên liệu cao cấp ít độc chất.
Đồng thời, phải kiểm soát và quản lý nồng độ các khí thải của các động cơ, phương tiện giao thông, kiên quyết bắt buộc ngưng hoạt động đối với các động cơ, phương tiện giao thông quá niên hạn sử dụng hay nồng độ khí thải vượt quá ngưỡng qui định.
Trong sinh hoạt hằng ngày (nấu nướng, thấp sáng…) hạn chế sử dụng các loại nhiên liệu như: than đá, củi, dầu, ngoài ra, cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ phòng chống cháy rừng, chống đốt phá rừng, hạn chế đốt rơm rạ và bố trí các nhà máy, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp ở cuối hướng gió chủ đạo, cuối nguồn nước so với khu dân cư và cách xa khu dân cư.
Video: Vạch mặt thủ phạm gây ô nhiễm không khí đáng báo động ở Hà Nội
Nhà nước cần có những quy định, biện pháp hành chính nghiêm khắc để ngăn cấm, xử lí triệt để những cá nhân, đơn vị, cơ sở sản xuất, nhà máy cố tình gây ô nhiễm môi trường. Ban hành rộng rãi các qui định về nồng độ giới hạn cho phép của các chất gây ô nhiễm môi trường để kiểm soát tốt các chất gây ô nhiễm môi trường không khí.
Giảm ô nhiễm của bụi, hơi và khí bằng các phương pháp: sử dụng buồng lắng bụi, ly tâm bằng Xyclon, lọc tay áo, lọc tĩnh điện… Ngoài ra, trồng nhiều cây xanh cũng giúp hạn chế được phần nào ô nhiễm không khí, cây xanh có tác dụng che nắng, hấp thụ bớt bức xạ mặt trời, hút – ngăn chặn và giữ bụi, hấp thụ CO2, lọc sạch không khí, có thể che chắn làm giảm bớt tiếng ồn. Diện tích đất để trồng cây xanh phải gấp 4 lần diện tích đất của con người.
Xử lý ô nhiễm dạng khí với nhiều phương pháp: Hấp thụ khí thải bằng nước, dung dịch xút hoặc axit trong tháp hấp thụ; hấp thụ trong than bùn hoặc phân rác; hấp phụ trong than hoạt tính; oxy hóa khử; phân hủy nhiệt…
Để xử lý chất khí ô nhiễm, người ta thường sử dụng một số biện pháp như: Phương pháp thiêu hủy có làm sạch khí thải; phương pháp hấp thụ; phương pháp ngưng tụ; phương pháp sinh hóa - vi sinh...
Bình luận