• Zalo

Năm 2022 - 2023, chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong quá trình thích ứng an toàn

Tin nhanh 24hThứ Bảy, 11/12/2021 19:52:06 +07:00Google News
(VTC News) -

Thủ tướng khẳng định, năm 2022 - 2023 chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong quá trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Chiều 11/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế".

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương; đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia, cá nhân đang nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ số trong nước và quốc tế.

Năm 2022 - 2023, chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong quá trình thích ứng an toàn - 1

Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam hiện có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số. Năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt trên 135 tỷ USD, tăng trưởng gần 10%. Ông cũng khẳng định “doanh nghiệp công nghệ số là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số".

"Họ cần được tiếp cận và tham gia vào các dự án Chuyển đổi số cả của Nhà nước và của các doanh nghiệp. Việc Bộ Thông tin-Truyền thông công khai các dự án Chuyển đổi số sẽ là một thúc đẩy chuyển đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Công nghệ số đang được ứng dụng mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản tổ chức, cách thức vận hành của đời sống xã hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo ra những giá trị mới, giá trị gia tăng.

Năm 2022 - 2023, chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong quá trình thích ứng an toàn - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ số đã khắc phục khó khăn, biến nguy thành cơ, biến thách thức thành cơ hội để hiện thực hóa thành kết quả đáng khích lệ, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng khẳng định, việc chuyển đổi số quốc gia thời gian qua đã có một số kết quả ban đầu quan trọng, nhất là khả năng làm chủ hạ tầng số. Việt Nam đang tích cực triển khai thương mại mạng 5G. Kinh tế số của Việt Nam đóng góp ngày càng nhiều vào GDP quốc gia và hướng tới mục tiêu đạt 20% GDP năm 2025.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định, chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Việc phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 phụ thuộc không nhỏ vào kết quả chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số là một trong những yếu tố cốt lõi giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát triển, ứng dụng nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, để chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả.  

“Chuyển đổi số liên quan trực tiếp, mật thiết tới cả 3 khâu đột phá chiến lược được Đảng ta xác định là thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực. Chuyển đổi số một mặt đòi hỏi những điều kiện tương ứng về thể chế, hạ tầng, nhân lực; mặt khác, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai cả 3 đột phá chiến lược này", Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm 2022 - 2023, chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong quá trình thích ứng an toàn - 3

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải vàng sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam 2021" cho các doanh nghiệp công nghệ số

Theo Thủ tướng, muốn chuyển đổi số thành công, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Chính sách chuyển đổi số phải hướng đến người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp phải tích cực, chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Không có công dân số thì sẽ không có xã hội số, kinh tế số.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra 6 nội dung trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới gồm: xây dựng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số; phát triển doanh nghiệp công nghệ số; phát triển nguồn nhân lực số; đổi mới sáng tạo số; phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu.

Năm 2022 - 2023, chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong quá trình thích ứng an toàn - 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghệ số "Make in Vietnam".

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, năm 2022 - 2023 chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong quá trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số còn nhiều thách thức nhưng cũng có rất nhiều cơ hội thuận lợi. Thủ tướng tin tưởng và kỳ vọng các doanh nghiệp công nghệ số sẽ là nhân tố quan trọng, là động lực chính trong chuyển đổi quốc gia.

Vũ Khuyên(VOV)
Bình luận
vtcnews.vn