• Zalo

Năm 2021, hàng loạt đại án tham nhũng, kinh tế được đưa ra xét xử

Pháp đìnhChủ Nhật, 30/01/2022 07:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Năm 2021, nhiều đại án lớn được đưa ra xét xử, trong đó nhiều vụ án các bị cáo gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.

Kết thúc năm 2021, nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử như đại án Nhật Cường, vụ án thất thoát hơn 1.600 tỷ đồng tại ngân hàng BIDV... Trong đó, nhiều bị cáo nguyên là lãnh đạo phải hầu toà.

Ông Nguyễn Đức Chung 2 lần hầu toà

Trong năm 2021, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung 2 lần hầu toà.

Phiên tòa đầu tiên diễn ra từ 10-13/12/2021, ông Nguyễn Đức Chung bị đưa ra xét xử trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C.

Cùng ra tòa với bị cáo Nguyễn Đức Chung còn có 2 bị cáo Nguyễn Trường Giang (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) và Võ Tiến Hùng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội), đều bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Năm 2021, hàng loạt đại án tham nhũng, kinh tế được đưa ra xét xử - 1

Ông Nguyễn Đức Chung tại toà.

Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 8 năm tù, Nguyễn Trường Giang 4 năm 6 tháng tù và Võ Tiến Hùng 4 năm tù.

Về dân sự, HĐXX tuyên buộc 3 bị cáo phải liên đới bồi thường cho nguyên đơn dân sự trong vụ án là Công ty Thoát nước Hà Nội số tiền hơn 36 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Đức Chung bị buộc phải bồi thường 25 tỷ đồng (gia đình bị cáo đã nộp 10 tỷ đồng); bị cáo Nguyễn Trường Giang phải bồi thường hơn 7,1 tỷ đồng, ghi nhận bị cáo đã nộp 1 tỷ đồng; bị cáo Võ Tiến Hùng bị buộc phải bồi thường 4 tỷ đồng.

Ngày 31/12, ông Chung tiếp tục nhận bản án thứ 3, bị tuyên thêm 3 năm tù giam vì tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Trước đó, trong tháng 12/2020, cựu Chủ tịch Hà Nội đã phải nhận 5 năm tù trong vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” liên quan đến Công ty Nhật Cường.

Sơ thẩm vụ Ethanol Phú Thọ

Sáng 8/3/2021, TAND Hà Nội mở lại phiên sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và 11 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ.

Tại phiên tòa này, HĐXX TAND TP Hà Nội nhận định ông Đinh La Thăng là người chịu trách nhiệm chính trong vụ Nhà máy Ethanol Phú Thọ “đắp chiếu” từ năm 2018 đến nay, gây thiệt hại cho PVB (chủ đầu tư dự án) hơn 543 tỷ đồng.

Ông Thăng bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm chính xuyên suốt về lựa chọn nhà thầu, thẩm định năng lực nhà thầu, đưa ra chủ trương chỉ định thầu đối với liên danh nhà thầu thiếu năng lực PVC - Alpha Laval - Delta T. Tiếp theo là vai trò của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch PVC và Vũ Thanh Hà, cựu Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí - PVB.

Với các cáo buộc trên, ông Đinh La Thăng bị tuyên mức án 11 năm tù. Tổng hợp hình phạt của các bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 30 năm tù.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên 10 năm tù về tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, 8 năm về tội lợi dung chức vụ, quyền hạn; tổng hợp 2 mức án là 18 năm tù. Tổng hợp với các bản án trước, buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là chung thân.

Xét xử cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng

Sáng 22/4/2021, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng 9 đồng phạm, liên quan vụ chuyển đổi "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) từ đất Nhà nước thành đất tư nhân.

Tại phiên tòa này, TAND TP Hà Nội tuyên ông Vũ Huy Hoàng 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Cùng tội danh này, ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng thuộc Bộ Công Thương) lĩnh 9 năm tù. Bị cáo Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM, bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù. Tổng hợp với bản án trước, ông Tín phải chấp hành 13 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý đất đai".

Năm 2021, hàng loạt đại án tham nhũng, kinh tế được đưa ra xét xử - 2

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại toà

Tại phần tuyên án, HĐXX nhận định, Sabeco được giao khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (diện tích 6.080m2) dùng sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hằng năm. Bị cáo Vũ Huy Hoàng cùng các đồng phạm đã có ý kiến chỉ đạo về việc Sabeco góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập liên doanh Sabeco Pearl đầu tư thực hiện dự án "Xây dựng khách sạn sáu sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê" tại khu đất trên. Sau khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư, trong đó có việc bổ sung chức năng officetel (mô hình kết hợp văn phòng cho thuê với khách sạn) và căn hộ ở cho dự án, Bộ Công thương chỉ đạo công ty này thoái toàn bộ vốn góp.

Các hành vi trên dẫn tới hậu quả quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng bị chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát ước tính là 2.700 tỷ đồng. HĐXX nhận định vụ án gây ra con số thiệt hại đặc biệt lớn, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, do đó cần phải có mức án nghiêm khắc với các bị cáo để răn đe.

Phúc thẩm đại án thất thoát hơn 1.600 tỷ đồng ở BIDV

Ngày 28/6/2021, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).

Các bị cáo trong vụ án có đơn kháng cáo, gồm: Đinh Văn Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà), Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng), Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Hà Nam). Trong đó, bị cáo Đinh Văn Dũng đã làm đơn kháng cáo kêu oan, hai bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Năm 2021, hàng loạt đại án tham nhũng, kinh tế được đưa ra xét xử - 3

 Các bị cáo trong phiên phúc thẩm.

Bản án xác định, trong khoảng thời gian từ năm 2011 - 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh, Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là 1.664 tỷ đồng.

Cụ thể, quá trình giải ngân cho Công ty Bình Hà vay vốn, BIDV đã không kiểm soát dòng tiền có được sau kinh doanh, để các cổ đông Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV...

Tổng dư nợ của Công ty Bình Hà tại BIDV không có khả năng thu hồi là hơn 799 tỷ đồng. Ngoài ra, nội dung vụ án cũng thể hiện, đối với Công ty Trung Dũng, quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà nên các bị cáo là nhân viên BIDV đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo khoản giải ngân cho vay để đảo nợ.

Đối với tất cả 26 khoản vay trên, nhân viên BIDV đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng đối với các khoản giải ngân để mua phôi thép, dẫn đến dư nợ lớn, gây thiệt hại cho BIDV 865 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua quá trình xét xử, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định bác kháng cáo của 3 bị cáo có đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm. Cụ thể, bị cáo Đinh Văn Dũng lĩnh án 12 năm tù; Đoàn Hồng Dũng 18 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Sơn 3 năm tù cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Xét xử Vũ "nhôm" tội "Đưa hối lộ"

Ngày 5/11, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm", nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79), Hồ Hữu Hòa (thầy phong thủy, ở Nghệ An) và ông Nguyễn Duy Linh (cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo - Bộ Công an).

Trong vụ án này, bị cáo Phan Văn Anh Vũ bị xét xử về tội "Đưa hối lộ’’, quy định tại điều 365 Bộ luật Hình sự; Hồ Hữu Hòa bị xét xử về tội "Môi giới hối lộ", quy định tại điều 354 Bộ luật Hình sự và Nguyễn Duy Linh, cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an về tội "Nhận hối lộ", theo điều 354 Bộ luật Hình sự.

Năm 2021, hàng loạt đại án tham nhũng, kinh tế được đưa ra xét xử - 4

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ

Tại phiên tòa, HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, gây bất bình trong dư luận nên cần phải có mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo.

HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ 7 năm 6 tháng tù về tội "Đưa hối lộ"; Nguyễn Duy Linh 14 năm tù về tội "Nhận hối lộ"; Hồ Hữu Hòa 2 năm 7 tháng 25 ngày tù, thời hạn chấp hành án phạt tù tính từ ngày 12/3/2019.

HĐXX ghi nhận bị cáo Hòa đã chấp hành xong hình phạt tù, tuyên bố trả tự do cho bị cáo tại tòa. Ngoài ra, HĐXX cũng tuyên buộc bị cáo Linh phải nộp 5 tỷ đồng sung quỹ nhà nước. HĐXX ghi nhận bị cáo Linh đã nộp số tiền này vào ngày 5/11.

Phúc thẩm đại án Nhật Cường

Sáng 30/11/2021, sau 2 ngày xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án các bị cáo trong vụ án "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).

Về trách nhiệm hình sự, HĐXX nhận định đây là vụ án có đồng phạm, tổ chức. Trong đó, Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) là người chủ mưu, cầm đầu, tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Quá trình xét xử phúc thẩm, nhiều bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có hoàn cảnh gia đình khó khăn…, tuy nhiên không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên không có căn cứ để xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Do đó, tòa quyết định bác toàn bộ kháng cáo xin giảm nhẹ của 10 bị cáo.

Trước đó, chiều 10/5, tại phiên xét xử sở thẩm, TAND TP Hà Nội phạt Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Nhật Cường) 13 năm tù, Đỗ Quốc Huy (Giám đốc Bán hàng) 9 năm, Nông Văn Lư (nhân viên) 7 năm cùng 9 người khác từ 5 đến 7 năm tù cùng về tội "Buôn lậu". Riêng Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Nhật Cường) 10 năm về tội "Buôn lậu" và 4 năm về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp 14 năm; Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng Nhật Cường) bị phạt 3 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". 

Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính 221 tỷ đồng do hành vi buôn lậu mà có. Riêng Nguyễn Bảo Ngọc và Nguyễn Thị Bích Hằng phải liên đới khắc phục gần 30 tỷ đồng do sai phạm về kế toán trong vụ án. 

Phúc thẩm vụ Gang thép Thái Nguyên

Chiều 11/11/2021, sau 3 ngày xét xử và nghị án, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa ra phán quyết đối với 12 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên - TISCO.

Theo đó, ở tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", tòa phúc thẩm bác đơn của bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng Giám đốc Gang thép Thái Nguyên - TISCO), tuyên y án sơ thẩm mức phạt 9 năm 6 tháng tù, bồi thường 130 tỷ đồng; Đặng Văn Tập (cựu Phó Giám đốc thường trực ban quản lý dự án TISCO 2) 7 năm tù; Đồng Quang Dương (cựu Phó Giám đốc kiêm thư ký dự án TISCO 2) 6 năm tù; Đỗ Xuân Hòa (cựu kế toán trưởng TISCO) 5 năm tù… Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 2-3 năm tù, bồi thường từ 6 - 130 tỷ đồng.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn