Kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2019, các địa phương đang khẩn trương thực hiện công tác chấm thi để công bố điểm thi vào ngày 14/7 theo lịch của Bộ GD-ĐT.
Song với các môn thi trắc nghiệm, thí sinh có thể dễ dàng tự ước lượng mức điểm thi sau khi có đáp án các môn của Bộ GD-ĐT. Tại thời điểm này, điều mà nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm là điểm chuẩn của các trường đại học năm 2019 sẽ biến động thế nào.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng ĐH khoa họcxã hội và Nhân văn cho biết, theo nhận định của các giáo viên, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay không quá khó như năm 2018, cũng không dễ như năm 2017. Do đó, phổ điểm có thể cao hơn năm 2018. Dự kiến điểm trúng tuyển vào các chuyên ngành của ĐH khoa học xã hội và Nhân văn có thể "nhỉnh" hơn năm 2018.
"Giữa năm 2017 và 2018 dù độ khó dễ của đề thi khác nhau, nhưng mức điểm chuẩn vào trường cũng không tăng quá nhiều. Lượng thí sinh đăng ký vào trường tương đối ổn định. Các ngành như Quản trị du lịch lữ hành, Đông phương học, Quản lý khách sạn, Quốc tế vẫn dao động nhẹ, chênh nhau khoảng 1 điểm.
Đây là những ngành đang thu hút rất nhiều thí sinh do chương trình học hấp dẫn và cơ hội việc làm rộng mở. Hầu hết thí sinh đều đi làm ngay khi học năm 3, năm 4. Thí sinh cũng yên tâm rằng với những ngành này, nếu mức điểm chuẩn có tăng cũng sẽ không tăng nhiều, dao động từ 0,25 đến 0,5 tùy từng ngành, vì các năm gần đây đã ở mức rất cao trong phổ điểm cao của cả nước. Đơn cử như ngành Đông phương học năm 2018 lấy đến 27,25 điểm khối C.
Các ngành khoa học cơ bản những năm trước có mức điểm tầm khoảng 18-22 điểm. Dự báo năm nay không có quá nhiều đột biến, tùy thuộc từng ngành", PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Phó Hiệu trưởng trường ĐH khoa học xã hội và Nhân văn cũng lưu ý các thí sinh khi nghiên cứu về phổ điểm nên xem lại mức điểm trúng tuyển của các năm trước để có những tính toán phủ hợp khi thay đổi nguyện vọng.
"Các em cần có sự thận trọng và tính toán kỹ lưỡng về việc thay đổi nguyện vọng. Điều quan trọng là các em cần chọn ngành mình thích, có thế mạnh, khả năng, không nên chọn những ngành nghề bản thân không đam mê, trong quá trình học và sau này sẽ rất khó phát triển. Thí sinh cũng cần bình tĩnh sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng 1 đến hết", PGS.TS Hoàng Anh Tuấn lưu ý.
Còn theo nhận định của PGS.TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mức điểm trúng tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói riêng và các trường khối ngành xã hội nói chung năm nay sẽ không có nhiều biến động so với năm 2018.
Lý giải rõ hơn, PGS.TS Lưu Văn An cho rằng: "Đề thi THPT quốc gia năm 2019 có phổ kiến thức rộng hơn, một số môn thi được đánh giá là tương đối khó. Song thống kê cũng cho thấy lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH năm nay có xu hướng giảm, trong khi đó các trường vẫn phải tuyển đủ chỉ tiêu.
Riêng với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nếu như năm 2018, có 1.800 thí sinh đăng ký dự thi năng khiếu báo chí, thì đến năm nay, số lượng này giảm xuống còn hơn 1.300 thí sinh. Chỉ tiêu các ngành báo chí của trường là 500. Do đó, khả năng mức điểm trúng tuyển vào các khối ngành xã hội năm nay không có nhiều thay đổi so với năm trước".
Cũng theo Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, những năm gần đây, tâm lý mọi giá phải vào đại học của thí sinh đã bắt đầu thay đổi, những em có học lực kém hơn sẽ lựa chọn những con đường khác. Điều này sẽ dẫn đến tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển CĐ, ĐH giảm và tác động trực tiếp tới công tác tuyển sinh của các trường top dưới, nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các trường top trên.
"Hầu hết các em học lực tốt thì đều sẽ xét tuyển ĐH vào các trường top trên, do đó, nhóm trường này ít bị ảnh hưởng và mức điểm cũng sẽ không thay đổi nhiều.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi lượng thí sinh giảm, các em lại có nhiều lựa chọn hơn, các trường top dưới sẽ rất khó khăn trong công tác tuyển sinh. Do đó mức điểm chuẩn vào các trường này năm nay cũng sẽ giảm hơn so với năm ngoái", PGS.TS Lưu Văn An nhận định.
Bình luận