Kết quả kinh doanh ngành ngân hàng năm 2018 đã để lại nhiều ấn tượng với đà tăng trưởng tốt, đặc biệt là Vietcombank với lợi nhuận trước thuế ở mức cao nhất trong lịch sử của chính ngân hàng này và cao nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết.
Năm 2019, các chuyên gia đưa ra nhận định, sự tiếp tục tăng trưởng của tín dụng cá nhân và dịch vụ ngân hàng bán lẻ vẫn sẽ là yếu tố tạo đà cho tăng trưởng lợi nhuận của ngành.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với những thách thức như việc hoàn tất việc tăng vốn nhằm đáp ứng chuẩn Basel 2 với số lượng phát hành thêm ước tính lên tới 3-4 tỷ USD.
Đặc biệt, sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng mạnh là nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn do các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mảng bán lẻ và tiêu dùng. Theo Ngân hàng nhà nước (NHNN), trong khi số nợ xấu tuyệt đối trong năm 2018 đã giảm được 200.000 tỷ đồng thì các khoản lãi dự thu lại đang có xu hướng tăng lên.
Theo báo cáo của CTCK Rồng Việt (VDSC), khả năng duy trì hoặc tăng NIM và diễn biến chi phí dự phòng sẽ phân hóa giữa các ngân hàng, việc đầu tư vào nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi và ngân hàng số sẽ khiến các ngân hàng khó có thể tiết kiệm chi phí hoạt động trong vài năm tới.
Đây được đánh giá là một trong những nhân tố đóng vai trò chủ chốt trong việc quyết định tăng trưởng lợi nhuận của từng ngân hàng.
Thực tế, hiện cổ phiếu ngân hàng đang có dấu hiệu kém hấp dẫn hơn trước nhưng theo CTCK Bảo Việt, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang hấp dẫn hơn cổ phiếu các ngân hàng trong khu vực.
Khi so sánh tương quan giữa P/B với ROE bình quân 5 năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng Việt đắt hơn so với các quốc gia trong khu vực, nhưng khi so sánh với mức định giá hiện tại với ROE năm 2019, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang ở dưới giá trị.
Do đó, trong thời gian tới, cổ phiếu ngân hàng sẽ có sự phân hóa rõ nét, giới đầu tư sẽ phải quan sát kỹ lưỡng hơn để đoán định được đường đi nước bước của thị trường bởi rõ ràng cổ phiếu ngành này tác động không nhỏ tới Vn-Index.
Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán đã không còn dồi dào, cổ phiếu ngân hàng khó tạo ra được "sóng lớn" nên nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ duy trì mặt bằng giá ổn định trong năm 2019.
Theo số liệu của FiinPro, cổ phiếu ngành ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng ba con số trong 5 năm qua, lên tới 154,1% so với mức tăng hai con số của Vn-Index là 96,5%.
Trong vòng ba năm qua, những câu chuyện chính tạo sự tăng trưởng về giá cổ phiếu ngân hàng là cho vay tiêu dùng, nguồn thu từ hoạt động bán bảo hiểm và gần đây nhất là câu chuyện "hốt bạc" từ mảng dịch vụ.
Tuy nhiên, năm 2018 dường như là năm không mấy thành công của nhóm cổ phiếu này bất chấp lợi nhuận ngành vẫn có nhiều cái tên góp mặt trong "câu lạc bộ nghìn tỷ".
Kết thúc năm 2018, trong số 17 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ, có BID (BIDV), NCB (Ngân hàng Quốc Dân), VIB (Ngân hàng Quốc Tế), EIB (Eximbank) vẫn giữ được mức tăng so với đầu năm.
Trong đó, BID có mức tăng điểm cao nhất 27,4%, đóng cửa phiên cuối năm dừng ở mức 34.400 đồng/cp; NVB cũng ở mức xấp xỉ với mức tăng trưởng 26,7% và cuối cùng là EIB, tăng 11% so với đầu năm.
Tất cả các cổ phiếu ngân hàng còn lại đều sụt giảm về giá trị từ 1% đến 25,4%. Sáu cổ phiếu ngân hàng có mức giảm nhiều nhất là HDB (20,7%); SHB (20,9%); TPB (20,9%); CTG (22,8%); TCB (24%); VPB (25,4%).
Theo số liệu của Vietstock, việc thị giá cổ phiếu đồng loạt sụt giảm đã khiến vốn hóa thị trường của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bốc hơi khoảng 70.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù thị giá cổ phiếu giảm nhưng thua lỗ chỉ thuộc về nhóm nhà đầu tư đầu cơ, đối với những nhà đầu tư dài hạn, ngoài giá trị cổ phiếu, còn nhận được những khoản cổ tức, các khoản thưởng bằng cả cổ phiếu lẫn tiền mặt.
Hiện, hệ số giá trên lợi nhuận của cổ phiếu ngân hàng (P/E) ở mức 12,1 lần; giá trên giá trị sổ sách (P/B) là 2,1 lần, rẻ hơn tương đối so với mức bình quân thị trường.
Do đó, các chuyên gia vẫn có cái nhìn lạc quan về cổ phiếu nhóm ngành này trong năm 2019, cơ hội hồi phục là có nhưng không phải tất cả.
Bình luận