• Zalo

Năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung biên soạn sách giáo khoa lớp 1

Giáo dụcThứ Ba, 26/03/2019 20:25:00 +07:00Google News

Bộ sẽ tuyển chọn chủ biên, tác giả để tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tại buổi họp báo quý I của Bộ GD&ĐT ngày 26/3, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ sẽ tổ chức tuyển chọn chủ biên, tác giả để tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm 2019 sẽ tập trung biên soạn sách lớp 1 để kịp cho năm 2021, năm học đầu tiên áp dụng chương trình mới.

Bộ sẽ tập huấn để đảm bảo sách giáo khoa mới thể hiện được nội dung, mục tiêu mà phương pháp dạy học theo chương trình mới hướng tới là nâng cao năng lực của học sinh. Trong đó sẽ có những yêu cầu như những nội dung theo xu thế thực tế như bình đẳng giới, chống định kiến, giáo dục tài chính…

"Sau khi biên soạn, bản thảo sách giáo khoa sẽ được triển khai thực nghiệm ở một số trường phổ thông khi hết học kỳ 1 năm 2019- 2020. Chúng tôi sẽ thực nghiệm những nội dung mới, những phương pháp cách thức tổ chức dạy học để đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh", ông Thành nói.

IMG_0217 4

  Nội dung sách giáo khoa mới sẽ có những thay đổi nhằm khắc phục hạn chế, tập trung đổi mới theo hướng phát triển năng lực học sinh. (Ảnh: Lao Động)

"Chúng tôi sẽ đảm bảo để bộ sách giáo khoa hỗ trợ tốt nhất cho việc dạy và học của thầy và trò, làm sao đó để học sinh trong các bài học được thực hiện các hoạt động học một cách tích cực, chủ động và tự lực, nghiên cứu sách giáo khoa để học sinh có mà tiếp cận kiến thức và vận dụng kiến thức để phát triển năng lực và phẩm chất theo chương trình giáo dục phổ thông mới", ông Thành nói.

Về lộ trình tập huấn cho giáo viên, Bộ sẽ tập trung triển khai tập huấn 900.000 giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông, được thành với 4 cấp: Cán bộ quản lý của Sở và Phòng – Đơn vị tổ chức quản lý, chỉ đạo triển khai; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng – Cấp tổ chức thực thi tại các cơ sở giáo dục; giáo viên và giảng viên sư phạm chủ chốt – người trực tiếp triển khai, đào tạo, tập huấn giáo viên.

Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện phương thức đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho giáo viên qua mạng và qua hình thức trực tiếp. Nội dung không chỉ là lý thuyết mà sẽ tập trung nhiều vào nghiên cứu các trường hợp cụ thể, có các bài học minh họa.

Ông Thành cho biết, đội ngũ báo cáo viên nguồn gồm 200 giảng viên sư phạm và một số cán bộ quản lý, hiệu trưởng, giáo viên giỏi sẽ được tham gia tập huấn đầu tiên. Từ đó, Bộ sẽ mở rộng ra khoảng 800 giảng viên sư phạm chủ chốt ở các trường sư phạm, bao gồm cả giảng viên ở những môn đặc thù như mỹ thuật, thể dục…

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập huấn cho 713 trưởng phòng giáo dục đào tạo và hơn 200 người xuất sắc ở sở giáo dục bao gồm các trưởng phòng giáo dục trung học và giáo dục tiểu học.

Đối với đội ngũ hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, Bộ sẽ tổ chức tập huấn kết hợp qua mạng và trực tiếp 4.000 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cốt cán để tiếp tục mở rộng cho 28.000 người.

Đối với giáo viên, Bộ sẽ triển khai tập huấn cho từ 7 đến 8.000 tổ trưởng bộ môn, và 28.000 giáo viên cốt cán được chọn từ các trường phổ thông.

Đặc biệt, trong năm 2019, Bộ lên kế hoạch tập huấn cho khoảng 70.000 giáo viên dạy lớp 1 trước để đảm bảo tiến độ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12.

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn