• Zalo

Năm 2015: Ngành y tế đã thật sự thay đổi tim, óc?

Sức khỏeThứ Sáu, 25/12/2015 07:44:00 +07:00Google News

Năm 2015, ngành y tế đã nỗ lực để 'thay đổi tim, óc' như mong muốn của Bộ trưởng Y tế, tuy nhiên, vẫn còn những 'mảng tối' trong lĩnh vực này.

(VTC News) - Năm 2015, ngành y tế đã nỗ lực để 'thay đổi tim, óc' như mong muốn của Bộ trưởng Y tế, tuy nhiên vẫn còn những 'mảng tối' trong lĩnh vực này chưa được giải quyết triệt để.

Sau đây là những vấn đề y tế nổi bật năm 2015:

Bộ Y tế nỗ lực lấy lại lòng tin của nhân dân

Giảm tải bệnh viện

Trong năm 2015, hàng loạt bệnh viện đã ký cam kết giảm quá tải bằng cách phát triển Đề án bệnh viện vệ tinh. Năm 2015, Đề án này đã phát huy tác dụng khi giúp các bệnh viện tuyến cuối giảm quá tải rất nhiều.

Bộ Y tế nỗ lực giảm tải bệnh viện.
Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương cam kết với Bộ Y tế không để bệnh nhân phải nằm ghép ở 3 mức độ khác nhau.

Ba mức độ gồm bảo đảm mỗi người bệnh được bố trí 1 giường bệnh ngay sau khi vào điều trị nội trú; bảo đảm tối đa sau 24 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người sẽ được bố trí một giường bệnh; bảo đảm tối đa sau 48 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người bệnh sẽ được bố trí một giường bệnh.

Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian qua, các bệnh viện đã nỗ lực rất nhiều trong giảm tải bệnh viện như tổ chức lại quy trình khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.

Nhiều bệnh viện tăng cường kết hợp với các bệnh viện trên địa bàn để chuyển bệnh nhân đã điều trị ổn định; ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bệnh viện; bố trí khu vực lưu bệnh tạm thời để lưu bệnh nhân trong trường hợp cần giữ lại theo dõi trước khi quyết định cho bệnh nhân về ngoại trú hay đưa vào điều trị nội trú.

Đường dây nóng ngành y tế

Để hạn chế tiêu cực trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện thiết lập đường dây nóng.

Thực hiện yêu cầu trên, hơn 1.200 đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ tại các cơ sở y tế đã đi vào hoạt động và đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 tháng năm 2015, đường dây nóng của Bộ Y tế đã tiếp nhận trên 12.197 cuộc gọi đến qua số tổng đài 1900-9095.

Trên cơ sở các cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận của người dân phản ánh đến đường dây nóng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương và sở y tế các tỉnh, thành phố xử lý khẩn trương, kịp thời các vụ việc.

Từ đầu năm tới nay, toàn ngành y tế đã nhắc nhở, rút kinh nghiệm đối với 2.095 trường hợp bị phản ánh qua đường dây nóng. Đặc biệt, đã tiến hành xử lý kỷ luật 63 trường hợp, cắt thi đua 62 trường hợp. Đồng thời, các cơ sở y tế cũng tiến hành khen thưởng 80 trường hợp y, bác sĩ được người dân khen ngợi và phản ánh qua đường dây nóng.

Thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều thông tin, đề án đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thực tế từ trước đến nay, hầu hết các cán bộ đã đi theo ngành y dược rất đam mê với nghề nghiệp và tận tâm, tận tụy, không ngại khó, ngại khổ đối với việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, có một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế từ điều dưỡng, kỹ thuật viên cho đến các bác sĩ vẫn có thái độ thờ ơ đối với nỗi đau của bệnh nhân, thậm chí là quát tháo và có tư tưởng ban ơn, cơ chế xin cho. Đặc biệt nữa là có những biểu hiện tiêu cực đối với người bệnh.

Bộ Y tế đang thực hiện đề án nhằm đổi mới toàn diện, phong cách và thái độ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là từ bản thân mỗi cán bộ y tế phải đổi mới và phải coi người bệnh là trung tâm để phục vụ.

Muốn làm được như vậy thì phải tổ chức ký cam kết của tất cả các điều dưỡng, bác sĩ trong khoa đối với Trưởng khoa; Trưởng khoa ký cam kết với Giám đốc bệnh viện và Giám đốc các bệnh viện phải ký với Giám đốc Sở hoặc là ký với Bộ trưởng Bộ Y tế. Sau đó có chương trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tiêu chí và chương trình về thi đua, khen thưởng và kỷ luật.

Cho phép chuyển đổi giới tính

Sáng 24/11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với nội dung quan trọng là việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật.

Bộ luật quy định rõ: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Nhà thiết kế chuyển giới Franky Nguyễn
Điều khoản mới này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của cộng đồng nhất là những người chuyển giới. Hiện có 61 quốc gia hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính. Việt Nam là quốc gia thứ 62 trên thế giới, thứ 11 tại châu Á cho phép việc thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân.

Theo khảo sát năm 2014 của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, khoảng 500.000 người Việt có giới tính không trùng với giới tính hiện có, trong đó 500-1.000 người đã chuyển đổi giới tính ở nước ngoài, chủ yếu phẫu thuật chui, tốn kém, nguy cơ rủi ro cao. Cứ 5 người chuyển giới tại Việt Nam thì có 4 người mong muốn phẫu thuật chuyển giới.

Tuy nhiên, để điều luật này đi vào thực tiễn cần nhiều văn bản dưới luật chi tiết hơn nữa giúp người chuyển giới có được cơ hội phẫu thuật chuyển giới ngay tại Việt Nam.

Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Đầu năm 2015, luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi có hiệu lực cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Mang thai hộ được chỉ định trong trường hợp phụ nữ không có tử cung hoặc dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hay bị cắt tử cung.

Phụ nữ mắc các bệnh mà việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi. Người sẩy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng và thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Ước tính mỗi năm, nước ta có khoảng 500-700 trường hợp có nhu cầu nhờ mang thai hộ. Bước đầu có 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ gồm: Phụ sản Trung ương, Trung ương Huế và Từ Dũ. Trường hợp mang thai hộ đầu tiên tại TP.HCM là một nữ Việt kiều 44 tuổi, nhiều lần chữa trị vô sinh tại Mỹ và Việt Nam đều thất bại. Khi pháp luật Việt Nam cho phép mang thai hộ, người phụ nữ này về nước làm hồ sơ thủ tục nhờ người em họ mang thai giúp.

Tiêm vaccine Quinvaxem tử vong, phụ huynh đổ xô cho con tiêm vaccine dịch vụ

Sau hàng loạt trẻ tử vong do sốc sau khi tiêm vaccine Quinvaxem (vaccine phòng được các bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib) miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các bậc phụ huynh đổ xô đi tiêm vaccine dịch vụ Pentaxim khiến giá mỗi mũi tiêm lên tới 6 triệu đồng.

 
Tính từ đầu năm 2015 đến tháng 10/2015, đã có hơn 3,5 triệu mũi tiêm Quivaxem, ghi nhận 16 trường hợp phản ứng nặng (như: tím tái, khó thở, sốt ca) sau tiêm Quinvaxem, trong đó có 8 ca tử vong. Hội đồng chuyên môn đã kết luận 7 ca tử vong trùng hợp và 1 ca sốc phản vệ. Còn trường hợp cháu bé ở Hải Dương vừa tử vong sau tiêm Quinvaxem thì đang được xem xét nguyên nhân.

Thống kê trong năm 2014 về các tai biến sau tiêm Quinvaxem cũng đã ghi nhận gần 10 trẻ tử vong sau tiêm vaccine này. Trong đó, một số trường hợp được xác định có phản ứng quá mẫn và sốc phản vệ với vaccine. Các trường hợp khác là do bệnh lý trùng hợp ngẫu nhiên hoặc tử vong không rõ nguyên nhân.

Vì vậy,  một bộ phận không nhỏ các bậc phụ huynh ở các thành phố lớn không tin cậy vào vaccine miễn phí trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, muốn tìm đến các điểm tiêm chủng dịch vụ hoặc bay ra nước ngoài để đăng ký tiêm cho trẻ với chi phí rất cao.

Lợi dụng tâm lý đó, thị trường xuất hiện những dịch vụ đăng ký tiêm chủng dịch vụ và tiêm vaccine “xách tay” gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Những phụ huynh trên chưa hiểu rõ rằng vaccine nào cũng có tỷ lệ phản ứng nặng nhất định vì tiêm vaccine là quá trình đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể.

Vì thế, không có loại vaccine nào đạt đến độ an toàn hoàn hảo 100%. Trong khi đó, việc tiêm chủng phòng chống dịch cho trẻ và cho cả cộng đồng là việc hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với quốc gia có khí hậu nhiệt đới, môi trường dễ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm.

PGS.TS.Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: Bộ Y tế tuyệt đối cấm việc buôn bán vaccine ngoài thị trường và đồng thời khuyến cáo người dân không nên tự mua, tự tiêm vaccine “xách tay”. Cục trưởng Phu nhấn mạnh: “Vaccine không đảm bảo chất lượng, không được bảo quản đúng quy trình, đúng nhiệt độ rất dễ xảy ra phản ứng nguy hiểm cho cơ thể.

Những vaccine “xách tay” không chắc chắn được kiểm định về chất lượng hay không, người tiêm cũng có thể không có kỹ thuật, không đủ các phương tiện cấp cứu nếu xảy ra phản ứng”.

Như thế, việc quyết định tiêm bên ngoài, qua “cò”, với hàng “xách tay” không rõ nguồn gốc chẳng khác nào phụ huynh đang “gửi trứng cho ác” với những nguy cơ, hiểm họa khôn lường!

Theo số liệu thống kê, năm 2016, việc nhập về các vaccine dịch vụ của Pháp, Bỉ vẫn sẽ còn gặp khó. Nguyên nhân là do các nước sản xuất vaccine chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng lớn, từ cách đây 2-3 năm, do đó không dư ra để bán theo nhu cầu đột biến của Việt Nam. 

Thực phẩm ‘bẩn’ đang gây đại dịch ung thư

Gíao sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TP HCM cho biết dù đã đầu tư nhiều cho việc phòng chống bệnh nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng.

Tại Việt Nam ước tính năm 2012 cả nước có 520.000 ca tử vong các loại, trong đó 73% là các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh ung thư, tim mạch, phổi mạn tính và đái tháo đường.

 
Tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng gia tăng nhanh ở phần lớn các nước trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định đây là nạn dịch đã xảy ra trong hiện tại.

Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có hơn 14,1 triệu người mới mắc và 8,2 triệu người chết do ung thư, trong đó gần 70% là ở các nước đang phát triển. Hiện khoảng 23 triệu người đang sống chung với ung thư. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời thì con số này sẽ lên tới 30 triệu vào năm 2020.

Tại các nước phát triển, ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai sau tim mạch. Ở các nước đang phát triển, ung thư đứng hàng thứ ba sau bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng và tim mạch.

Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam giới toàn cầu. Ở nữ, ung thư vú là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và ung thư cổ tử cung là nguyên nhân hàng đầu ở các nước đang phát triển. Ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ hai ở cả hai giới.

Về lý do gây ung thư, một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên đại dịch này là thực phẩm bẩn.

Trước đây, thông tin rau củ quả được “tắm” thuốc trừ sâu, thuốc kích phọt không còn xa lạ thì đầu tháng 12 rồi, người dân hoảng hốt khi thấy nông dân tại vựa rau lớn nhất TP.HCM sử dụng dầu nhớt để tưới lên rau muống, giúp rau hết sâu bọ.

Trong khi đó, tại Hà Nội, qua kiểm tra giám sát, cơ quan chức năng cũng phát hiện 22% mẫu rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức cho phép. Đặc biệt, kết quả thanh tra năm 2010-2015 của Bộ NN-PTNT cho thấy hàng loạt trường hợp sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục hay cực độc (bị cấm) để phun lên rau.

Các mặt hàng hoa quả của Việt Nam thì được áp dụng công nghệ ép chín siêu tốc. Ví như mít, sầu riêng, đu đủ,... vẫn xanh non vừa đã chín ngay tức khắc chỉ sau một đêm nhờ một loại thuốc thần kỳ gọi là “thúc chín”. Hơn thế, tại Bình Dương, cơ quan chức năng còn phát hiện hành vi nhúng chuối vào nước có pha thuốc trừ cỏ CO2,4D để làm cứng trái của vựa chuối ở thị xã Thuận An.

Điều khiến người dân kinh hãi nhất chính là thông tin lợn được cho ăn chất tăng trọng, chất tạo nạc tràn lan, trong khi đây lại là món ăn chính trong bữa cơm người Việt. Qua kiểm tra lấy mẫu, đã phát hiện 10% số mẫu thịt lợn có dư lượng chất tạo nạc vượt mức cho phép.

Gần đây nhất, cơ quan chức năng đã phát hiện trên 7 công ty sản xuất thức ăn có chất tạo nạc, trong đó công ty Trường Phú ở Hải Dương bị phát hiện sử dụng vượt 75 lần mức cho phép.

Không chỉ lợn, mà con gà cũng bị “đầu độc”. Tháng 10 năm nay, chất vàng ô - nguyên liệu được sử dụng trong công nghiệp nhuộm giấy và làm ve tường, đã được trộn vào thức ăn chăn nuôi giúp gà vàng da. Người ăn thịt gà này có thể bị ung thư.

Rồi đến thủy sản, cơ quan chức năng cũng phát hiện cá được cho ăn chất tạo nạc, tôm nhiễm kháng sinh bị trả về để tiêu dùng trong nước!?.

Nam Anh (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn