2013 – “Năm an toàn giao thông” vừa khép lại cũng là lúc các Bộ, ngành tích cực triển khai các nhiệm vụ trong năm 2014.
Nhân dịp này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Hoàng Giáp về những gì lực lượng này đã đạt được trong năm qua cũng như phương hướng, nhiệm vụ của họ trong năm 2014.
- Nhìn lại trong năm 2013 vừa qua, thanh tra giao thông Hà Nội đã làm gì và được gì thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Giáp
Đồng thời, cùng với các ngành khác, chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp chống ùn tắc giao thông nhằm hạn chế số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, được sự chỉ đạo trực tiếp của giám đốc sở GTVTHN, lực lượng thanh tra cũng đã đẩy mạnh một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Cụ thể, chúng tôi đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, tăng cường thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vận tải như vận tải hành khách liên tỉnh, vận tải hành khách bằng taxi, vận tải hành khách du lịch, xe buýt, các xe hợp đồng…, trong việc chấp hành các quy định của Bộ Giao thông vận tải. Từ đó, chúng tôi đã góp phần giải quyết tận gốc các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, đặc biệt các vụ tai nạn thảm khốc.
Chúng tôi cũng tập trung vào việc bảo vệ các công trình giao thông, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang bảo vệ đường bộ, xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng, treo đặt biển quảng cáo, tổ chức trông giữ phương tiện trái phép.
Cùng với lực lượng cảnh sát giao thông và các cơ quan chức năng, chúng tôi góp phần chống ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm trên các trục/tuyến giao thông chính của thành phố, đặc biệt những nơi có nguy cơ ùn tắc giao thông cao.
Đối với vận tải đường thủy, chúng tôi cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để làm giảm số vụ tai nạn trong lĩnh vực này. Chúng tôi cũng đã xử lý các bến đò, đò ngang, đò dọc và các phương tiện vi phạm đặc biệt trong mùa mưa bão. Nhờ vậy, trên địa bàn thành phố không xảy ra các vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng, đáng tiếc.
Song song với đó, chúng tôi cũng đã xử lý các vi phạm về giao thông tĩnh, các hoạt động trông giữ phương tiện không phép, trái phép. Năm qua, chúng tôi đã giải quyết cơ bản xong tình trạng trông giữ phương tiện ở các gầm cầu.
Tóm lại, với các việc làm thiết thực như vậy, lực lượng thanh tra đã góp phần tích cực vào công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố trong năm qua.
- Năm 2014, kế hoạch “hành động” và mục tiêu của lực lượng thanh tra giao thông ra sao thưa ông?
Năm nay Hà Nội xác định là năm trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị. Do vậy, lực lượng thanh tra giao thông sẽ tiếp tục siết chặt quản lý các hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện.
Chúng tôi đã có kế hoạch, chương trình để thực hiện có hiệu quả những chủ trương của thành phố, Sở giao thông, liên ngành giao thông và công an thành phố.
Về trật tự đô thị, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, xử lý đối với các vi phạm trong việc sử dụng vỉa hè, lòng đường trái phép, không phép, kết hợp với công tác tổ chức, sắp xếp để đô thị của chúng ta văn minh, trật tự, ngăn nắp hơn.
Năm 2014, thanh tra giao thông sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc xử lý các vi phạm
Với trật tự về vận tải, chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh trật tự giao thông ở khu vực bến xe đặc biệt 6 bến xe liên tỉnh, thành phố, khu vực ga…
Thanh tra giao thông cũng sẽ tăng cường công tác quản lý về trật tự vận tải để đảm bảo các phương tiện vận tải nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, hạn chế tới mức tối thiểu việc tùy tiện tăng giá vé, giá cước…gây bức xúc cho dư luận, nhân dân.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành khác chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm, nhất là khi cơ sở hạ tầng chưa phát triển, mật độ dân số không ngừng gia tăng.
- So với các năm trước, năm 2014, thanh tra giao thông có giải pháp, kế sách gì khác?
Thứ nhất, chúng tôi sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để làm rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, các tổ chức trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của mình để các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm cùng với các cơ quan quản lý nhà nước giáo dục, quản lý đội ngũ người lao động, người điều khiển phương tiện tham gia vào công tác an toàn giao thông.
Thứ hai, chúng tôi sẽ tác động trưc tiếp tới những người trực tiếp tham gia, điều khiển phương tiện giao thông nếu họ không chấp hành các quy định của Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Làm song song hai việc này, tôi tin rằng công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông sẽ tốt hơn.
- Mùa lễ hội năm nay, thanh tra giao thông sẽ làm gì nhằm góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông ở các lễ hội lớn?
Do người đến lễ hội thường rất đông, một số lễ hội kéo dài nhiều tháng nên để chống ùn tắc giao thông, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm trục đường từ trung tâm thành phố và các tỉnh lân cận về khu vực diễn ra các lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương, chúng tôi sẽ quản lý các đò dọc,…Ngoài ra, chúng tôi đã có phương án chi tiết để đảm bảo trong năm nay mọi người đi lễ hội, du xuân được an toàn, vui vẻ.
- Năm qua việc lắp “hộp đen” (thiết bị giám sát hành trình) trên các phương tiện vận tải cũng là vấn đề nóng do còn nhiều bất cập. Vậy lực lượng thanh tra đã có cao kiến gì để giải quyết các mặt hạn chế của việc này trong năm 2014?
Trong quá trình kiểm tra năm 2013, chúng tôi đã chỉ ra những lỗi vi phạm, thiếu sót của các doanh nghiệp trong việc này. Năm 2014, tập trung vào các lỗi còn tồn tại, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, thanh tra lĩnh vực này sâu hơn nữa.
Chắc chắn chúng tôi sẽ xử lý trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong việc lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình mang tính đối phó với cơ quan chức năng, tức là “hộp đen” được lắp đặt, nhưng chúng ta không khai thác được dữ liệu.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có biện pháp kiểm tra, xử lý với người điều khiển phương tiện không có “hộp đen” đảm bảo chất lượng. Tuy không trực tiếp lắp đặt thiết bị này, nhưng họ có trách nhiệm hợp tác với các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý để chúng tôi xử lý đúng người, đúng lỗi.
Nếu người lái xe biết xe không có thiết bị giám sát hành trình hoặc biết thiết bị đó hoạt động không hiệu quả mà không “tố cáo” thì cũng sẽ bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng và bị tạm giữ giấy phép lái xe 30 ngày.
Đáng chú ý, chúng tôi sẽ tăng cường thêm các thiết bị cần thiết để thao tác kiểm tra thuận lợi, chính xác hơn. Cụ thể, chúng tôi đã mua thêm 10 chiếc máy in cầm tay để có thể chiết xuất các dữ liệu từ hộp đen ngay. Giải pháp trên sẽ giúp ta tìm ra nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn nhanh và chính xác nhất.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận