• Zalo

Năm 2013, MB chọn chiến lược kinh doanh nào?

Kinh tếThứ Ba, 23/04/2013 11:32:00 +07:00Google News

(VTC News) - Trong báo cáo ban điều hành gửi cổ đông trước thềm Đại hội cổ đông thường niên 2013 MB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12%.

(VTC News) - Định hướng tiếp tục tập trung ưu tiên vốn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, trong báo cáo ban điều hành gửi cổ đông trước thềm Đại hội cổ đông thường niên 2013 MB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12%, con số này được xem là phù hợp với bối cảnh kinh tế chung năm 2013 này.

Là ngân hàng hoạt động tương đối hiệu quả trong năm 2012 vừa qua khi nằm trong nhóm dẫn đầu khối Ngân hàng TMCP về nhiều chỉ tiêu tăng trưởng quan trọng như tín dụng, tổng tài sản, huy động và giữ chỉ số nợ xấu ở mức đặc biệt an toàn…. nhưng MB tương đối thận trọng trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2013.

 
Thay vì đẩy mạnh tăng tưởng, MB lựa chọn phương châm hoạt động theo hướng “Tái cơ cấu, Phát triển bền vững”. Ngoài mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 50%, hầu hết các chỉ tiêu còn lại có bước dự tăng trong khoảng 9 đến 14%, so với mức 18 – 34% đã đạt được trong năm cũ.

Cụ thể, so với năm 2012, MB dự kiến tăng tổng tài sản thêm 12%, tăng huy động vốn thêm 10%, dư nợ cho vay 12% và lợi nhuận trước thuế là 14%, trong khi đó, tương ứng các chỉ tiêu này trong năm cũ, ngoài lợi nhuận đạt mức tăng 18% các số liệu còn lại đều đạt mức tăng 26%.

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, hầu hết các ý kiến được hỏi đều khá đồng tình với kế hoạch MB đặt ra khi nhận định mục tiêu này “là hợp lý trong bối cảnh kinh tế còn thách thức trong năm 2013 này”.

Được biết đến như một tổ chức tín dụng lấy sự bền vững làm nền tảng hoạt động nên cũng không có gì lạ khi MB không tận dụng “đà thắng” để thúc đẩy tăng trưởng tin dụng, gia tăng lợi nhuận… mà tập trung vào mục tiêu ổn định tổ chức, kiện toàn bộ máy hoạt động thông qua việc tái cơ cấu.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, hàng tồn kho lớn, nhu cầu tín dụng thấp và rủi ro tín dụng ở mức cao... thì việc lựa chọn thời điểm này để tập trung tái cơ cấu là cách làm phù hợp để gia tăng sự bền vững trên toàn hệ thống cũng như chuẩn bị đón đầu các cơ hội sau giai đoạn khó khăn hiện nay.

Một vấn đề nữa của MB cũng khá được dư luận quan tâm trước thềm Đại hội cổ đông thường niên là, ngân hàng này sẽ lựa chọn kế hoạch tăng trưởng tín dụng nào để vừa đảm bảo mục tiêu hỗ trợ vốn cho khách hàng vừa hạn chế được rủi ro nợ xấu trong bối cảnh hiện nay?

Trước bối cảnh kinh tế tại nhiều quốc gia đang có dấu hiệu lâm vào giảm phát và nhu cầu tín dụng tại thị trường Việt Nam đang ở mức thấp thì đây là câu chuyện khá đau đầu cho các tổ chức tín dụng.

Chia sẻ với VTC News mới đây, đại diện MB cũng cho biết, MB không thay đổi kế hoạch đồng hành và tái cấp vốn cho mục tiêu phát triển kinh doanh nhưng thay vì thúc đẩy tăng trưởng tín dụng một cách tràn lan, MB sẽ đi chiều sâu hơn nữa.

Điều này không chỉ giúp MB phát triển bền vững, hạn chế nợ xấu mà cũng sẽ hướng nguồn vốn đúng vào từng nhóm đối tượng khách hàng cụ thể hơn. Đặc biệt, các chính sách vốn dành cho doanh nghiệp, khách hàng cũng phù hợp với nhu cầu thực tiễn của họ hơn.

Cụ thể, trong kế hoạch 2013 dự kiến trình tại Đại hội cổ đông sắp tới, MB vẫn sẽ ưu tiên tín dụng theo các mục tiêu của chính phủ và NHNN như: xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh, công nghệ cao, tiêu dùng cá nhân…. MB cũng đồng thời xây dựng các chính sách sản phẩm khai thác sâu khách hàng hiện hữu, đẩy mạnh phát triển khách hàng mới gắn tăng trưởng tín dụng với nâng cao chất lượng tín dụng theo hướng bền vững, kiểm soát nợ xấu và chính sách lãi suất cạnh tranh trên thị trường.

Chính vì thế, hầu hết các chương trình hỗ trợ lãi suất thấp dành cho doanh nghiệp đều được MB triển khai theo chuỗi, nhằm đảm bảo tính liên tục, giúp các khách hàng tốt liên tục tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung trên thị trường.

Điển hình như một số chương trình ưu đãi của MB triển khai gần đây chỉ áp dụng lãi suất từ 8,99% trở lên – thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến trên thị trường khoảng 3 – 4 điểm phần trăm/năm.

Lựa chọn chiến lược kinh doanh theo hướng chắc chắn, bền vững hay tạo ra sự đột phát là câu chuyện về khẩu vị kinh doanh của từng doanh nghiệp, theo từng thời điểm khác nhau, nhưng trước những diễn biến khó lường, và độ mở của nền kinh tế toàn cầu ngày càng rộng thì những bước đi thận trọng cũng là một chiến lược hợp lý để tạo ra sự ổn định lâu dài trên toàn hệ thống.

Thanh Tân
Bình luận
vtcnews.vn