• Zalo

Năm 2013, kinh tế khó, bất động sản cực khó

Kinh tếThứ Ba, 12/02/2013 06:22:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định về bức tranh kinh tế và bất động sản trong nước năm 2013.

(VTC News) - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định về bức tranh kinh tế và bất động sản trong nước năm 2013.

Nhân dịp cuối năm Nhâm Thìn, phóng viên VTC News có cuộc trò chuyện thân mật với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2013 và những vấn đề đáng chú ý thời gian qua.

- Với những nỗ lực của doanh nghiệp trong thời gian qua và sắp tới, năm 2013, kinh tế liệu co khởi sắc hơn?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. 
Bao nhiêu dự đoán đưa ra rồi và đều sự thống nhất khá cao giữa tất cả những người làm nghiên cứu là 6 tháng đầu năm nền kinh tế có thể sẽ chưa có chuyển biến nào tích cực. Kinh tế sẽ tiếp tục đà khó của năm 2012.

Các chính sách mới đã được đưa ra rồi nhưng chờ cho chính sách đi vào thực tế và có tác dụng phải mất một thời gian về độ trễ. Chưa kể còn có rủi ro lớn là chính sách tốt nhưng thực tiễn không đúng như tinh thần chính sách, hoặc được thực hiện không tốt.

Như năm ngoái chính sách cũng tốt đó chứ nhưng đi vào thực tế nó bị méo mó, mất mát rơi vãi đi rất nhiều. Nhiều ý tưởng của Nhà nước muốn hỗ trợ và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng càng xuống cấp dưới cái mong muốn đó càng teo tóp. Như doanh nghiệp nói đùa là các chương trình ưu đãi của Nhà nước giống như cái phễu.

Đối với doanh nghiệp hưởng chính sách nhiều khi cũng là bài toán kinh tế, đáng lẽ đó không phải là bài toán mà họ phải tính nhưng thực tế họ vẫn phải lo.

- Bà có thể cho ví dụ cụ thể về vấn đề này?

 

Trên thực tế, kinh tế khó khăn từ vài năm rồi nhưng đến bây giờ nhiều người mới cảm nhận rõ nên không khí trầm lắng là điều dễ hiểu. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
 
Một ví dụ điển hình nhất là chuyện tín dụng. Nhà nước nói giảm tín dụng, Chính phủ cũng nói hay cả Ngân hàng Nhà nước cũng nói thế. Lãi giảm suất vay mới đã giảm xuống, lãi vay cũ cũng giảm xuống mức 15% chứ không tính ở mức cao như cho vay trước. Tuy nhiên, trên thực tế có bao nhiêu doanh nghiệp vay được đâu và bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng phần giảm lãi suất đó?

Gánh nặng nợ với phần lớn các doanh nghiệp vẫn còn đó và vay tín dụng vẫn khó. Huy động tín dụng vẫn cao so với mức tín dụng cho vay. Cái đó có con số hẳn hoi, không nói được là không phải sự thật.

Mức huy động tăng mười mấy phần trăm trong khi mức cho vay có hơn 6%. Chưa kể trong số tiền vay đó có một phần không nhỏ là cho vay loanh quanh trong ngân hàng với nhau hoặc trong  một số giới người ta vay để đáo hạn trả nợ cũ.

- Kinh tế chung vẫn khó, còn bất động sản liệu có đỡ khó hơn không?

Bất động sản thì cực kì khó rồi, ai cũng nói như thế. Tôi không nghiên cứu sâu, nhưng chỉ nhìn về những cái chuyên gia khác nói đến và báo chí đưa ra thì cũng dễ dàng thấy cái nghẽn lớn trong lĩnh vực bất động sản vì cung quá thừa còn cầu quá ít.

Cầu thực tế của những người thu nhập thấp, đời sống vật chất khó khăn vẫn cực kỳ lớn còn cung thừa vì cung đó chỉ hướng tới người có thu nhập cao. Cung với giá đắt, vượt tầm với của những người có nhu cầu thật sự về nhà ở.

Còn trước đó, bất động sản nóng lên đùng đùng là do đầu cơ, nhiều người đăng kí mua để dành là chính chứ không phải họ có nhu cầu. Thậm chí, nhà họ mua là mua trên giấy, mua đi bán lại nhiều để kiếm lời và khi không còn lời nữa thì họ dừng lại.

Tự nhiên thấy thừa, tới mức mà có tổ chức chuyên nghiên cứu về bất động sản Việt Nam, CPRV đánh giá là phải mất 7 năm mới tiêu thụ hết số nhà đã xây, sau này còn có nghiên cứu cho rằng phải mất tới 10 năm mới tiêu thụ hết số nhà đã xây trong thời gian qua.

- Nếu bất động sản giảm giá thì thị trường có đỡ khó?

Nếu giảm giá thì bán được ngay nhưng họ không giảm và cũng không chịu giảm vì kì vọng lợi nhuận lớn, mức đầu tư cao. Phần lớn người đầu tư đi vay với lãi suất cao để đầu tư, nên nếu họ giảm là họ chết luôn. Chưa kể tất cả chi phí bôi trơn đã bỏ ra rồi, ngoài ra còn chi phí để xây cất.

Tất cả còn đang đọng đó, nên nếu họ giảm giá thì đó là cả một bài toán kinh tế lớn và họ thua lỗ rất lớn.

Dĩ nhiên, có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia thị trường lâu rồi, họ từng ăn rất đậm trong quá khứ nên giờ khi phải chịu thua lỗ họ có thể bù qua bù lại. Nhưng những doanh nghiệp sau này mới tham gia thì anh ấy mới đau. Họ tham gia lúc thị trường đang lên, tưởng ngon ăn nên chi phí vào cao, chưa kịp thu lãi lời gì cả thì đã mất rồi mà số đó mất rất đậm.

- Mai Linh là một ví dụ?

Như câu chuyện Mai Linh, họ nói họ không tham gia bất động sản nhiều mà chủ yếu là ô tô với hơn 90%. Anh Hồ Huy trong cuộc phỏng vấn mới đây cũng có nói đầu tư 97% chủ yếu vào lĩnh vực xe nhưng nói vậy thôi công ty chính không tham gia nhưng công ty con chắc chắn là có chơi bất động sản.

Và ngay trong lĩnh vực ô tô, Mai Linh cũng có sai lầm khi làm quá rộng, tỉnh nào cũng làm, muốn phủ cả nước. Trong khi đó, nhiều tỉnh đầu tư vào thu hồi rất chậm, các tỉnh còn nghèo nhu cầu di chuyển bằng taxi không cao.

Những người có nhu cầu thực sự thì phần lớn họ lại có xe riêng rồi. Nhu cầu taxi phục vụ cho dân thì phải ở các đô thị lớn, ít nhất loại 2, mức sống cao hơn. Nhìn chung, cả nước chỉ 1/3 các tỉnh thành có nhu cầu đủ để mở taxi còn mở tất thì là sai lầm.

- Thời gian qua, có nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã hoặc sắp vào Việt Nam, bà đánh giá thế nào về việc này, các tập đoàn lớn đó liệu có “bóp chết” doanh nghiệp Việt Nam?

Họ vào thì chắc chắn họ có chiến lược của họ. Họ nhằm đối tượng khách hàng của họ chứ xét cho cùng, họ đi khắp nơi trên thế giới nhưng cũng có bóp chết hết doanh nghiệp địa phương đâu.

Thường là chia nhau thị trường. Họ nhắm tới một số đối tượng thị trường còn doanh nghiệp VIệt Nam vẫn có thị phần của mình.

- Như vậy Trung Nguyên sẽ vẫn sống tốt cùng Starbuck?

Đúng vậy, Trung Nguyên vẫn sẽ sống tốt. Starbuck mở ở TP HCM đầu tiên rồi sau họ có thể mở thêm ở Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng,... những nơi có nhiều người thu nhập cao chứ họ không thể xuất hiện trên 64 tỉnh thành.

Chắc chắn họ không làm theo kiểu Mai Linh, không đi mọi nơi để rồi có những cửa hàng ế ẩm. Họ có chiến lược của họ nhằm vào đối tượng trung lưu trở lên.

Nhờ đó, thị trường sẽ sôi động hơn. Sự xuất hiện của các thương hiệu mới như Starbuck cũng sẽ mang tới mặt tích cực.

Đây là 1 tín hiệu cho thấy thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, có thể kích thích doanh nghiệp Việt Nam sáng tạo hơn để cố gắng khai thác thị trường trong nước, để họ không nên chỉ tập trung vào xuất khẩu mà quên đi thị trường trong nước bởi ngay cả những thương hiệu lớn họ cũng quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Café là sản phẩm tiêu dùng trong nước mà họ còn hướng đến chứng tỏ thị trường trong nước vẫn còn có nhiều tiềm năng,

- Trung Nguyên sẽ rút ra được điều gì từ đối thủ thưa bà?

Với Trung Nguyên, có thể mô hình Starbuck sẽ khiến Trung Nguyên sáng tạo hơn nữa. Phương châm của họ là sáng tạo thì nay họ có thể là sáng tạo hơn nữa. Có thể là một mặt giữ nguyên mô hình café rất truyền thống Việt Na nhưng mặt khác sẽ hiện đại hóa hơn cho phù hợp với nhịp sống nhanh hơn, thị hiếu đa dạng  hơn.

 

Với Trung Nguyên, có thể mô hình Starbuck sẽ khiến Trung Nguyên sáng tạo hơn nữa.
 
Thanh niên trẻ độ tuổi 20 không thể suốt ngày ngồi với ly café tí tách, nếu họ như vậy tôi trông tôi thấy thất vọng. Thanh niên phải nhanh, phải tiết kiệm thời gian.

Nếu họ cứ ngồi với ly café tí tách thì tức là họ theo nhịp sống chậm, không theo được thời đại, Công việc họ cũng sẽ làm theo kiểu đủng đỉnh.

Có thể dùng café tí tách nhưng thỉnh thoảng thôi, chứ thường xuyên thì không được nếu nhìn các quán café bia hơi cứ đông nghẹt người thì tôi chỉ cảm thấy là xã hội chưa phát triển được bởi những người trẻ mà xã hội đòi hỏi phải năng động, nhanh nhẹn, quý thời gian để chớp cơ hội thì lại cứ sẵn sàng ngồi cả tiếng bên cốc café hay cốc bia.

- Kinh tế khó khăn nhưng thương hiệu sản phẩm cao cấp vẫn nhắm vào Việt Nam?

Cái đó chỉ là một sự thừa nhận của phía bên ngoài về thực trạng mức sống tại Việt Nam hiện đang rất chênh lệch. Tuy là một nước nghèo với trung bình thu nhập thấp nhưng có một nhóm nhỏ rất giàu sẵn sang vung tiền mua sắm vô tội vạ, sắm những cái mới nhất xịn nhất trên thế giới.

Như có những dòng xe vừa ra mắt trên thế giới giá rất đắt với số lượng ít nhưng chỉ một thời gian ngắn đã thấy ở Việt Nam rồi. Có những người tiêu xài như bà Diệu Hiền rồi mang một đống nợ. Trong khi còn đang nợ người dân nuôi tôm thì lại mang tiền đi tiêu xài thái quá.

Đó là cái rất phản cảm. Nếu có ý kiến cho là mua đồ xịn để làm hình ảnh thì chỉ là trong giới họ với nhau, họ khoe mẽ với nhau chứ còn đối với xã hội thì không đánh giá cao chuyện đó, xã hội không đánh giá cao những người có siêu xe.

- Họ nói rằng họ vất vả làm giàu thì họ đáng được hưởng, bà thấy thế nào về điều này?

Vấn đề chính là hầu hết những người giàu và tiêu xài kiểu đó không phải làm giàu từ con đường làm ăn vất vả gian nan.

Trên thế giới nhiều người giàu bằng tài năng như Warren Buffet, nhiều năm giàu nhất nhì thế giới nhưng bây giờ vẫn đi cái xe đã đi 10 năm rồi, có người bảo thay thì ông kêu đi vẫn tốt sao phải thay. Không sắm cho mình nhưng ông bỏ bao nhiêu tỷ USD vào quỹ của Bill Gates để làm từ thiện.

Ở Việt Nam hay một số nước châu Á như Trung Quốc, có một giới giầu xổi do quan hệ thân hữu, do chớp được dự án, có thể nói là họ giàu nhờ tước đoạt của nhiều người khác hoặc của chung, những cái tài sản chung của toàn dân như mỏ, họ khai thác được, họ cho vào túi, thì họ mới tiêu xài quá mức vì tiền họ dễ kiếm quá.

Có đại gia còn nói hẳn ra là vì cơ chế có nhiều sơ hở nên tôi làm giàu nhanh quá. Họ ngộ nhận và cho như thế là họ tài giỏi họ tự thưởng cho mình những cái như vậy. Bà Bạch Diệp mua cái xe xịn đầu tiên, có người hỏi sao lại mua thì bà nói tự thưởng vì làm rất giỏi, họ quan niệm thế thì kệ họ thôi.

- Nhiều ý kiến cho rằng Tết năm nay không khí có phần trầm lắng vì kinh tế khó khăn, lương thưởng ít?

Trên thực tế, kinh tế khó khăn từ vài năm rồi nhưng đến bây giờ nhiều người mới cảm nhận rõ nên không khí trầm lắng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mọi người cũng nên quen với điều này, không thể chỉ đuổi theo những cái xổi, hình thức bên ngoài và thích ứng với thực tại thôi.

Còn về chuyện lương thưởng tết, quan điểm của tôi là cần phải hiểu và thông cảm cho doanh nghiệp. Họ tồn tại, trả lương được cả năm là quý rồi. Người lao động cần lương để sống cả năm hay chỉ cần vài đồng trong dịp tết?

Không nên tạo sức ép nhiều quá bởi có khi họ gồng mình thưởng xong vài đồng rồi họ đóng cửa thì người lao động mất việc làm. Như vậy là mất miếng ăn cả năm.

Do đó, đừng chỉ chú ý đến cái xổi, người lao động nên hiểu quanh năm họ cố gắng như nào, so với cả triệu người đã mất việc khi hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã đóng cửa, thì những doanh nghiệp còn tồn tại được là rất đáng quý.

Cũng không nên so bì với những doanh nghiệp thưởng Tết cao vì để có được điều đó họ đã phải nỗ lực rất nhiều. Theo tôi, nên coi Tết là dịp để sum họp với gia đình, bạn bè để cùng nhìn lại một năm qua, mình đã làm gì và định hướng xem năm sau sẽ thế nào và cùng hi vọng cho những điều tốt đẹp.

Nhân dịp năm mới, tôi cũng muốn thông qua Báo Điện tử VTC News gửi lời chúc Tết tới tất cả mọi người và hi vọng sang năm Quý Tỵ, khó khăn sẽ ít đi, thành công sẽ nhiều hơn.

- Xin cảm ơn bà!

Khánh Hòa (thực hiện

Bình luận
vtcnews.vn