• Zalo

Năm 2012: Viện phí tăng, mức đóng BH y tế không tăng

Sức khỏeThứ Tư, 15/02/2012 06:44:00 +07:00Google News

(VTC News) – Trong năm 2012, cơ quan bảo hiểm sẽ tự cân đối thu chi, vì vậy mức đóng bảo hiểm y tế sẽ không tăng.

(VTC News) – Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết: Trong năm 2012, cơ quan bảo hiểm sẽ tự cân đối thu chi, vì vậy mức đóng bảo hiểm y tế sẽ không tăng.

Mức đóng bảo hiểm y tế năm 2012 sẽ không tăng. (Ảnh: Nguyễn Tâm)

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề nghị điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế mà liên Bộ Y tế - Tài chính - Bộ Lao động thương binh xã hội  (LĐ-TB-XH) và Bảo hiểm xã hội Việt Nam soạn thảo và thống nhất. Dự thảo thông tư về giá dịch vụ viện phí mới sẽ tăng giá 400 dịch vụ y tế.

Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành cần tính toán, bàn kỹ với Bộ tài chính để đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế. Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan ban hành điều chỉnh tăng giá viện phí từ khoảng cuối tháng 2/2012.

Theo đó, có khoảng 400 dịch vụ y tế trong tổng số gần 3.000 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá.

Với câu hỏi đặt ra là liệu dịch vụ y tế tăng thì mức đóng bảo hiểm y tế có tăng? Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định: Trong giai đoạn ngắn hạn, bảo hiểm sẽ tự cân đối nguồn thu và kinh phí dự phòng. Đến lúc không đủ kinh phí mới phải đề nghị tăng mức đóng lên 5%.

Tuy không tăng mức thu phí bảo hiểm y tế trong năm nay, nhưng ông Sơn cũng nói: Chúng tôi vẫn phải chuẩn bị phương án để nâng mức đóng dù mức đóng trong năm 2013 chưa có sự thống nhất cao giữa các nhóm tính toán. Quỹ bảo hiểm y tế là quỹ ngắn hạn. Mức đầu vào và đầu ra có thể khác nhau do tần suất khám chữa bệnh khác nhau nên khó để nói là nó có thể chịu đựng trong bao lâu ở mức đóng bảo hiểm y tế như hiện nay khi mức viện phí cần chi trả cho người bệnh tăng.

Giải pháp để có thể cân đối thu chi khi mức phí bảo hiểm y tế năm 2012 không tăng, ông Sơn bày tỏ: Chúng tôi sẽ tăng cường công tác giám định bảo hiểm.

Giải pháp nữa là ngừng và hạn chế cấp ngân sách cho cơ sở khám chữa bệnh để chuyển những hỗ trợ này cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Năm 2011, số người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc là 10.075.568 người, tăng 6,72% so với năm 2010. Số người chỉ tham gia BHYT là 46.951.879 người, tăng 9,28% so với năm 2010.

Trong năm, toàn ngành thu được 96.986 tỷ đồng đạt 103,75% so với kế hoạch giao, tăng 20,3% so với năm 2010, trong đó thu BHYT: 29.729 tỷ đồng, đạt 101,88% so với kế hoạch giao, tăng 16,4% so với năm 2010.

Cơ quan BHXH đã ký hợp đồng với 2.303 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) (tăng 5,8% so với năm 2010). Trong đó có 381 cơ sở y tế ngoài công lập (tăng 38% so với năm 2010); 8.656 trạm y tế tuyến xã tham gia KCB BHYT (đạt 78,8%).

Về đăng ký KCB ban đầu: 39 triệu người đăng ký tại y tế cơ sở, trong đó khoảng 50% tại trạm y tế xã (tăng gấp 2 lần so với 2010). Một số địa phương có tỷ lệ đăng ký ban đầu tại tuyến tỉnh lớn (xấp xỉ  40%) như: Cần Thơ, Đồng Nai, Phú Thọ dẫn đến tăng chi phí và quá tải bệnh viện.

Trong năm đã có trên 114,2 triệu lượt người được khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT (tăng 7,8% so với năm 2010); với số tiền chi là 23.329,3 tỷ đồng (tăng 22,77% so với năm 2010); năm 2011 quỹ BHYT được cân đối và có dự phòng, tuy nhiên vẫn còn 8 tỉnh bội chi là: Bến Tre, Kiên Giang, Vĩnh Long, Ninh Bình, Tiền Giang, Bắc Giang, Cà Mau và Quảng Nam. 

Nguyễn Tâm



Bình luận
vtcnews.vn