Năm 2011 được cho là năm biến động lớn nhất trong lịch sử giá vàng thế giới bởi diễn biến xấu của nền kinh tế thế giới. Ở ta, vừa hết tết giá vàng đã tăng vọt. Vậy liệu rằng năm nay giá vàng sẽ tiếp tục có những đợt bão sóng? Nhà đầu tư nên lướt sóng vàng hay đầu tư vào kênh gửi tiết kiệm? ThS Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng ACB, một chuyên gia nhiều năm trong thị trường vàng nói: Giá vàng thế giới vẫn còn khả năng tạo ra những đợt sóng mới.
Đặc biệt, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường vàng là việc các nước khu vực châu Âu vẫn đang “chìm đắm” trong cuộc khủng hoảng nợ công, trong khi các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa thể đưa ra giải pháp cứu vãn khả thi nhất. Những yếu tố này chắc chắn sẽ tác động đến giá vàng.
Nên nghĩ đến lãi suất VND
Mới đây có người cho rằng năm nay bong bóng vàng sẽ vỡ, thưa ông?
+ ThS Trần Trọng Quốc Khanh: Giá vàng thế giới sẽ vỡ bong bóng khi những vấn đề cốt yếu của nền kinh tế thế giới được giải quyết triệt để. Nếu các nền tảng kinh tế cơ bản được hồi phục, các nhà đầu tư sẽ bán những tài sản trú ẩn an toàn như vàng và dòng vốn sẽ dịch chuyển vào thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế toàn cầu còn phải chống đỡ với tình hình suy thoái lần hai, tỉ lệ thất nghiệp cao, giá bất động sản giảm và khả năng Mỹ thực hiện gói giải cứu thị trường thông qua công cụ tiền tệ, tín hiệu về sự đảo chiều giảm mạnh của vàng vẫn chưa rõ ràng trong ngắn hạn.ThS Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Vàng ACB, một chuyên gia nhiều năm trong thị trường vàng nói: Giá vàng thế giới vẫn còn khả năng tạo ra những đợt sóng mới.
Thị trường của Việt Nam được cho là rất mong manh, nhà đầu tư dễ bị tác động. Năm qua nhiều người mua bán chỉ chạy theo tâm lý chứ không tính toán, bởi vậy rủi ro rất cao. Theo ông tại sao lại có tình trạng này và làm cách nào để nhà đầu tư an toàn khi tham gia đầu tư vàng?
+ Phải nói rằng thị trường của chúng ta chưa thực sự phát triển, lại lệ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân. Chính vì thế tâm lý của nhà đầu tư không ổn định, dễ bị tác động bởi các yếu tố xung quanh. Trong khi đó, tại các thị trường đang phát triển, các nhà đầu tư thường là một đơn vị hay các quỹ có tổ chức nên họ không dễ gì bị ảnh hưởng bởi các thông tin bên ngoài. Họ tin vào sự phân tích và những nhận định của mình hơn. Đối với những người có tiền nhàn rỗi ở nước ngoài, khi muốn đầu tư vào vàng hay chứng khoán, họ không chạy ra thị trường để mua, mà họ dùng một phần nào trong số tiền đó mua tín chỉ của các công ty để đầu tư. Những công ty này sẽ tham gia trên thị trường để đầu tư chứ không phải người dân.
Khi thị trường phát triển đến mức độ nào đó, nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ ít bị tác động tâm lý đám đông. Chúng ta cũng đang hướng tới điều này.
Vậy ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư vàng ở ta?
+ Trước khi mở trạng thái, cần cân nhắc khi bỏ một lượng tiền để mua vàng. Bỏ tiền mua vàng nghĩa là đã mất đi khoản lãi suất nếu gửi ngân hàng. Bên cạnh đó, khi đầu tư vàng thì nhà đầu tư luôn phải nghĩ tới lúc nào đó thoát ra để cắt lỗ, hoặc chốt lời. Và, điều quan trọng hơn cả là đối với nhà đầu tư vàng là phải cân nhắc sóng trên thị trường nhiều hay ít. Lưu ý là năm nay sóng vàng chắc chắn không bằng năm ngoái.
Không nên chỉ tập trung vào vàng
Trong năm qua chúng ta có nói đến việc huy động vàng từ dân nhưng đến nay tình hình chưa tiến triển lắm. Ông có suy nghĩ gì?
+ Huy động vốn vàng trong dân nhưng vẫn phải đảm bảo chống tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế là một bài toán kép, có ẩn số đối nghịch nhau. Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào mức độ ưu tiên linh hoạt giữa huy động vàng hay chống “vàng hóa” trong từng điều kiện cụ thể. Giải bài toán này vừa là nghệ thuật, vừa là khoa học đó!
Chúng ta kỳ vọng giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ liên thông với nhau hoặc có mức chênh lệch hợp lý. Tuy nhiên, mức chênh lệch đó đến nay vẫn chưa thu hẹp như mong muốn?
Điều đó một phần là do kỳ vọng của nhà đầu tư vàng trong bối cảnh còn lạm phát. Khi kinh tế vĩ mô đi vào ổn định, sức hút của vàng sẽ được điều chỉnh. Nếu các tài sản khác có mức tăng trưởng hấp dẫn, nhà đầu tư sẽ đa dạng hóa danh mục, không nhất thiết chỉ tập trung vào vàng.
Nhằm tăng cung cho thị trường vàng, một số đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cho phép bán vàng huy động và mua vàng tài khoản ở nước ngoài để cân bằng trạng thái. Họ có cần hạn ngạch để nhập vàng về không?
+ Với giải pháp này, doanh nghiệp đang có trạng thái “âm vàng vật chất và dương vàng tài khoản”. Khi được phép, doanh nghiệp sẽ thực hiện chiều ngược lại, tức mua vàng vật chất trong nước và bán vàng tài khoản ở nước ngoài để tất toán toàn bộ trạng thái mở, không nhất thiết tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng.
Thị trường kỳ vọng sau khi nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, mô hình hoạt động của sở giao dịch vàng sẽ được tính tới?
+ Khi tổ chức xây dựng một mô hình hoạt động nào, cần xem xét ít nhất ba yếu tố: sự sẵn có của các nguồn lực thiết yếu, môi trường pháp lý hoàn thiện và nhu cầu của thị trường. Riêng đối với vàng, theo tôi có lẽ không cần phải nghiên cứu thị trường về nhu cầu đặt lệnh mua bán của nhà đầu tư nữa. Trong nền kinh tế hội nhập, việc xây dựng và phát triển sở giao dịch hàng hóa quốc gia, trong đó có vàng, là xu hướng tất yếu.
Xin cảm ơn ông.
Yên Trang/Pháp luật Tp
Bình luận