• Zalo

Mỹ,Triều Tiên xích lại gần nhau chỉ là ảo tưởng?

Thế giớiThứ Sáu, 19/04/2013 07:43:00 +07:00Google News

Triển vọng Mỹ và Triều Tiên xích lại gần nhau có lẽ chỉ là ảo tưởng bởi trước đó Bình Nhưỡng từng từ chối đối thoại với Hàn Quốc.

Theo Báo Độc lập (Nga), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây đã bóng gió đề cập đến khả năng nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng nếu Triều Tiên chịu từ bỏ các tham vọng hạt nhân.

Tuy nhiên, triển vọng Mỹ và Triều Tiên xích lại gần nhau có lẽ chỉ là ảo tưởng bởi trước đó Bình Nhưỡng từng từ chối đối thoại với Seoul, và lịch sử đã chứng minh rằng các cuộc đàm phán với Triều Tiên thường thất bại mang tính hệ thống.

Ông Kerry không nêu rõ các bước đi cụ thể để Mỹ nối lại đàm phán trực tiếp với Triều Tiên là gì, song các nhà quan sát cho rằng Washington muốn Bình Nhưỡng phải công khai tuyên bố chủ trương phi hạt nhân hóa, ngừng sản xuất nhiên liệu hạt nhân, hủy các vụ phóng thử tên lửa và rút lại những lời đe dọa các nước láng giềng.

Tóm lại, Bình Nhưỡng phải thể hiện thiện chí cụ thể về vấn đề hạt nhân thay vì vòng vo như trước đây, và phải có bước đi cụ thể hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Nếu Triều Tiên đáp ứng được các điều kiện trên, Mỹ có thể cử chuyên gia đàm phán đến Bình Nhưỡng hoặc tổ chức kênh liên lạc bí mật trực tiếp với nước này.

Tên lửa đạn đạo Đông Phong của Trung Quốc 

Theo nhận định của giới chuyên gia, sáng kiến này cho thấy sự điều chỉnh lập trường tiếp theo của Mỹ sau khi Washington hoãn thử tên lửa liên lục địa nhằm tránh gây hấn, dù trên thực tế Mỹ vẫn cử máy bay ném bom chiến lược B-2 và máy bay tiêm kích đa năng F-22 áp sát Triều Tiên.

Giới phân tích có chung nhận định rằng các đề nghị của Mỹ ít có khả năng được đáp lại bởi Triều Tiên vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ hạt nhân, coi vũ khí hủy diệt hàng loạt là lá bùa hộ mệnh duy nhất giúp họ tiếp tục tồn tại.

Về phương diện nào đó, tuyên bố của Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc có thể được coi là lời đáp đối với các sáng kiến của Mỹ khi ông này nói rằng Mỹ đang gây sức ép chưa từng có cả về chính trị lẫn quân sự đối với Triều Tiên.

Bình Nhưỡng nhất quán đi theo đường lối củng cố sức mạnh quân sự và tiềm năng hạt nhân để đảm bảo hòa bình, ổn định không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà còn ở Đông Bắc Á và trên toàn thế giới.

Một thông tin kém lạc quan nữa là trước đó Triều Tiên cũng đã khước từ mong muốn tiến hành đối thoại từ phía Hàn Quốc, cho rằng đây chỉ là "chiếc bẫy tinh khôn".

Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên tuyên bố nếu Hàn Quốc thực sự muốn đàm phán thì cần thay đổi hiện trạng đối đầu và có bước đi cụ thể thay cho lời nói suông. Tương lai đối thoại giữa hai miền hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc bày tỏ sự quan ngại về các cuộc tấn công mạng nhằm vào các nhà máy điện nguyên tử của nước này.

Thậm chí, Hàn Quốc mới đây đã phải ngắt hệ thống mạng nội bộ điều hành các nhà máy điện nguyên tử ra khỏi mạng lưới Internet.

Hiện ở Hàn Quốc có 23 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, cung cấp 35% tổng nhu cầu điện năng của nước này.

Ngày 20/3 vừa qua, Hàn Quốc khẳng định Bình Nhưỡng đã sử dụng đội ngũ tin tặc làm tê liệt hoạt động của 3 ngân hàng, 3 công ty truyền thông và đánh sập 48.000 máy tính của Hàn Quốc.

Các chuyên gia nhận định rằng do cả Mỹ và Hàn Quốc đều đang phát đi các tín hiệu đối thoại nên Triều Tiên cũng phải thay đổi giọng điệu nhằm không tạo ra những xung đột mới.

Mục đích cuối cùng của Triều Tiên sau một loạt động thái căng thẳng vừa qua là buộc Mỹ và Hàn Quốc phải đưa ra câu trả lời nào đó, và nước này đã đạt được mục đích.

Trong bối cảnh hiện nay, Bình Nhưỡng khó có thể tiếp tục ngoan cố phớt lờ các đề nghị đàm phán. Bên cạnh đó, sau lễ kỷ niệm 101 năm ngày sinh cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, một số nhà quan sát vẫn có lý do để lạc quan khi thấy Bình Nhưỡng không những không tiến hành vụ phóng thử tên lửa như dự định mà còn hủy cuộc duyệt binh và thay vào đó là một lễ hội hoa.

Theo Vietnam+
Bình luận
vtcnews.vn