• Zalo

Mỹ yêu cầu dẫn độ nữ giám đốc Huawei: Thỏa thuận đình chiến thương mại có nguy cơ đổ vỡ?

Thế giớiThứ Năm, 06/12/2018 15:22:00 +07:00Google News

Con gái của nhà sáng lập “gã khổng lồ” công nghệ Huawei bị bắt ở Canada và đang đối mặt với yêu cầu dẫn độ đến Mỹ, làm dấy lên lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và thị trường chứng khoán toàn cầu có thể tiếp tục bấp bênh.

Theo Reuters, việc Canada bất ngờ bắt giữ bà Mạch Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính của công ty công nghệ Huawei Technologies Co Ltd theo yêu cầu của Mỹ, đang khiến các nhà chức trách Bắc Kinh tức giận và làm dấy lên nghi ngại thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đạt được có thể lâm vào bế tắc.

Nữ giám đốc của Hauwei bị bắt giữ được cho là liên quan đến cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, một nguồn tin trả lời Reuters, tuy nhiên Mỹ chưa xác nhận thông tin.

huawe-1

 Con gái của nhà sáng lập “gã khổng lồ” công nghệ Huawei bị bắt ở Canada. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, việc bắt giữ và mọi biện pháp trừng phạt tiềm năng đối với nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới này có thể tác động lớn đến chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Cổ phiếu các nhà cung cấp châu Á cho Huawei, tính cả Qualcomm Inc và Intel đã đột ngột giảm vào ngày 6/12.

Bà Mạch, giám đốc tài chính, là một trong những phó chủ tịch hội đồng quản trị của công ty và con gái của người sáng lập công ty Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), bị bắt vào ngày 1/12 tại Vancouver, Canada theo yêu cầu của chính quyền Mỹ và một phiên tòa dự định diễn ra ngày 7/12. 

Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada tuyên bố kiên quyết phản đối vụ bắt giữ và kêu gọi thả bà Mạch ngay lập tức.

"Trung Quốc kiên quyết phản đối các hành động làm tổn hại nghiêm trọng tới quyền con người của nạn nhân. Trung Quốc yêu cầu Mỹ và Canada ngay lập tức sửa chữa hành động sai sái và trả tự do cho bà Mạch Vãn Chu", phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc hôm 5/12 cho biết.

Phản ứng từ hai bên

Vụ bắt giữ bà Mạch thu hút phản ứng mạnh mẽ từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc và trên cả mạng xã hội.

“Sốc thực sự. Mỹ không thể đánh bại Huawei trong thị trường. Đừng hành động như một kẻ lừa đảo đáng khinh bỉ”, Hu Xijin, biên tập viên tờ Hoàn cầu thời báo, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết.

Jia Wenshan, giáo sư tại Đại học Chapman ở California, cho rằng vụ bắt giữ là một phần của chiến lược địa chính trị từ chính quyền Trump nhằm chống lại Trung Quốc và có nguy cơ rất lớn làm ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Một người sử dụng Weibo thì cho rằng Trung Quốc nên tẩy chay các sản phẩm do công ty công nghệ Apple Inc của Mỹ thực hiện và thay vào đó mua các sản phẩm của Huawei để hỗ trợ cho "nhà vô địch quốc gia" này.

Việc bà Mạch bị bắt giữ cũng nhanh chóng cho thấy phản ứng ở Washington. Thượng nghị sĩ Mỹ Ben Sasse ca ngợi động thái này và nói rằng đó là "trường hợp điển hình của vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran." Ông nói thêm: "Đôi khi sự hung hăng của Trung Quốc rõ ràng được nhà nước hỗ trợ và đôi khi nó được che đậy sạch sẽ thông qua các tổ chức tư nhân của Bắc Kinh.”

Chứng khoán Mỹ và cổ phiếu châu Á giảm nhanh trước tin tức giám đốc tài chính Huawei bị bắt. Theo Reuters, điều này cho thấy một vụ va chạm lớn đang nhen nhóm giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, không chỉ về thuế quan mà còn về sự bá chủ công nghệ.

Cổ phiếu của các nhà cung cấp Huawei giảm mạnh hôm 6/12 khi các nhà đầu tư lo ngại về vụ bắt giữ. Samsung Electronics giảm 2,3%, trong khi Chinasoft International Ltd giảm tới 13%.

Huawei che đậy vi phạm?

Tháng 4/2018, các nguồn tin nói với Reuters rằng các nhà chức trách Mỹ đã thăm dò Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, kể từ năm 2016 vì cáo buộc vận chuyển các sản phẩm gốc Mỹ sang Iran và các quốc gia khác, vi phạm luật xuất khẩu và trừng phạt của Mỹ. Việc thăm dò được cho là do văn phòng luật sư Mỹ tại Brooklyn thực hiện.

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 5/12 từ chối bình luận. Một phát ngôn viên của văn phòng luật sư Mỹ ở Brooklyn cũng từ chối trả lời Reuters.

Huawei xác nhận vụ bắt giữ trong một tuyên bố và nói họ chỉ được cung cấp rất ít thông tin về các cáo buộc, bên cạnh đó họ "không nhận thức được về bất kỳ hành vi sai trái nào của bà Mạch". Huawei nhấn mạnh tập đoàn tuân thủ mọi quy định về kiểm soát xuất khẩu hiện hành của Liên Hiệp Quốc, Mỹ và EU.

Theo Reuters, cuộc thăm dò đối với Huawei tương tự như cuộc thăm dò từng đe dọa sự tồn tại của ZTE Corp Trung Quốc, đơn vị đã nhận tội năm 2017 vi phạm luật pháp Mỹ về hạn chế bán công nghệ do Mỹ sản xuất cho Iran. Đầu năm 2018, Mỹ đã cấm các công ty Mỹ bán các bộ phận và phần mềm cho ZTE, và công ty phải trả 1 tỷ USD sau đó như một phần thỏa thuận để dỡ bỏ lệnh cấm.

Tháng 1/2013, Reuters đưa tin Skycom Tech Co Ltd có trụ sở tại Hong Kong, đã cố gắng bán thiết bị máy tính Hewlett-Packard bị cấm vận cho nhà vận hành điện thoại di động lớn nhất của Iran. Công ty này dường như có mối quan hệ gần gũi với Huawei.

Bà Mạch, tên tiếng Anh là Cathy và Sabrina, làm việc trong hội đồng của Skycom giữa tháng 2/2008 và tháng 4/2009, theo hồ sơ Skycom nộp cho Cơ quan đăng ký công ty của Hong Kong. Một số giám đốc khác của Skycom trong quá khứ và hiện tại cũng được cho là có mối liên hệ tốt với Huawei.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn