Sự ra đời của liên minh AUKUS ngày 16/9 khiến thế giới “dậy sóng”. Đặc biệt là Pháp, quốc gia bị Australia hủy thỏa thuận mua 12 tàu ngầm diesel - điện trị giá hàng chục tỷ USD.
Trước khi có AUKUS, Mỹ cũng từng thực hiện hoặc nhúng tay vào những thỏa thuận mua bán vũ khí khiến thế giới biến động. Trong đó, đặc biệt phải đề cập tới những thỏa thuận bán vũ khí “lợi cả đôi đường" của Washington: Vừa tăng tầm ảnh hưởng quân sự, vừa đem lại khoản lợi nhuận khổng lồ và giúp Mỹ củng cố vị thế nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
"Bơm" vũ khí cho Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất
Năm 2020, Mỹ ký thỏa thuận bán một gói vũ khí lớn cho Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) ngay sau khi UAE và Israel tiến hành bình thường hóa quan hệ. Điều này được cho là sẽ đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn và một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Abu Dhabi và Washington đã bàn về thương vụ mua 50 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II với giá 10,4 tỷ USD, đây là trọng tâm của một thỏa thuận vũ khí rộng hơn trị giá 23,37 tỷ USD. Ngoài F-35, UAE còn mua 18 máy bay không người lái MQ-9B trị giá 2,97 tỷ USD cùng 10 tỷ USD tên lửa không đối không và không đối đất.
F-35 Lightning II được coi là một trong những máy bay chiến đấu hiện đại nhất trên thế giới. Ngoài khả năng tàng hình, máy bay thế hệ thứ 5 này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Các chuyên gia quân sự cho rằng hành động của Mỹ là sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng sức mạnh quân sự trong khu vực, khiến những nỗ lực thành lập thỏa thuận lịch sử nhằm bình thường hóa quan hệ giữa UAE - Israel có nguy cơ thành công cốc. Tuy nhiên, Washington giải thích rằng đây là động thái cần thiết nhằm ngăn chặn việc "thành công chung" bị phá vỡ vì các mối đe dọa tiềm tàng từ Iran.
Dù Mỹ liên tục nói rằng việc bán vũ khí cho UAE nằm trong những nỗ lực duy trì hòa bình ở khu vực Trung Đông, nhưng bản thân thỏa thuận này đã là một chiến thắng lớn của chính quyền Trump. Thương vụ đã thúc đẩy ngành xuất khẩu vũ khí của Mỹ phát triển mạnh, trở thành một phần quan trọng trong nền tảng kinh tế của quốc gia này.
Pháp phải bán tháo tàu chiến vì áp lực của Mỹ cùng các thành viên NATO
Trước khi chịu thiệt hại vì AUKUS, Pháp cũng từng suýt rơi vào vòng xoáy nợ nần khi phải hủy một thỏa thuận bán tàu chiến cho Nga dưới áp lực của Mỹ cùng các đồng minh phương Tây.
Tháng 12/2010, Paris đồng ý bán 2 tàu chiến Mistral cho Nga với giá gần 1,7 tỷ USD/ tàu, đồng thời cam kết đào tạo thủy thủ đoàn và chuyển giao công nghệ để Nga có thể chế tạo thêm hai 2 chiến nữa. Đây đáng lẽ là thỏa thuận vũ khí lớn nhất giữa phương Tây và Moskva kể từ Thế chiến thứ hai.
Theo thỏa thuận giữa Pháp và Nga, đáng lẽ Paris phải chuyển giao hai tàu chiến lớp Mistral cho Nga vào năm 2014, 2015. Nhưng thỏa thuận lại gặp khó khăn do vào thời điểm đó, quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine, dẫn đến việc EU và Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva. Việc bán Mistral cho Nga đã bị các thành viên NATO và các đồng minh chỉ trích ở mạnh mẽ.
Hơn nữa, hầu hết các mục đích sử dụng tàu chiến của Nga đều đi ngược lại với lợi ích của các đồng minh Pháp.
Một quan chức cấp cao của quân đội Nga tiết lộ rằng con tàu sẽ phục vụ hạm đội Thái Bình Dương trong trường hợp Nga cần triển khai quân đội đến quần đảo Kuril, khu vực tranh chấp biên giới với Nhật Bản - đồng minh của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã lên tiếng thúc giục Paris "nhấn nút tạm dừng" cho thỏa thuận tàu chiến với Nga.
Sau khi đánh giá tình hình, Paris cho rằng nếu thực hiện thỏa thuận này thì sẽ đi ngược lại với quan điểm cô lập Nga của phương Tây và khiến chính Pháp rơi vào thế khó. Vì vậy thỏa thuận bị hủy, nhưng hậu quả là Pháp phải đối mặt với một khoản nợ khổng lồ.
Trong hoàn cảnh đó, Nga đã đề xuất ý tưởng bán lại tàu cho Ai Cập và UAE. Cuối cùng, Pháp đành bán hai con tàu cho Ai Cập với cái giá 1,3 tỷ USD.
Các chuyên gia quân sự đánh giá vụ mua bán này đã giúp Nga được lời. Nguyên nhân là dù Moskva không mua được Mistral, nhưng hai con tàu lại được bán cho Ai Cập - vốn là đồng minh và khách hàng quân sự lâu năm của Nga. Vì vậy, việc nước đồng minh mua được tàu Mistral vẫn đem lại lợi thế cho Nga trước các nước phương Tây, bao gồm cả Pháp và Mỹ.
Không chỉ vậy, do mối quan hệ đồng minh chặt chẽ nên Ai Cập vẫn cho Nga cơ hội tìm hiểu về các tham số kỹ thuật của loại chiến hạm hiện đại bậc nhất của phương Tây.
Theo tờ PressTV, thương vụ “sang tay” hai tàu chiến này được xem là “lợi cả ba đường”. Pháp thoát được nguy cơ nợ nần, đồng thời tháo gỡ thế bí khi phải đứng giữa Nga và phương Tây. Ai Cập mua được cặp tàu chiến được xem là hiện đại nhất với giá rẻ bằng một nửa và gián tiếp đem lại lợi ích cho Nga.
“Thỏa thuận ảo” với Ả Rập Xê-út
Tháng 4/2013, chính quyền Tổng thống Obama công bố một thỏa thuận vũ khí với Ả Rập Xê-út. Theo đó, Mỹ đồng ý bán các máy bay chiến đấu F-15 trị giá 29,4 tỷ USD cho Không quân Hoàng gia Ả Rập Xê-út.
Thỏa thuận này là một phần kế hoạch thúc đẩy thỏa thuận vũ khí trị giá gần 11 tỷ USD với Iraq của chính phủ Mỹ, bất chấp tình hình chính trị căng thẳng ở Trung Đông. Đây cũng là bằng chứng rõ rệt cho thấy quyết tâm gây ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ này.
Quy mô của gói vũ khí quân sự này cũng rất đáng chú ý. Theo đó, Ả Rập Xê-út sẽ nhận 84 máy bay phản lực F-15SA mới do Boeing sản xuất và nâng cấp 70 chiếc F-15 trong Không quân Ả Rập Xê-út. Đồng thời, Mỹ cũng hỗ trợ không quân của quốc gia Trung Đông này về các vấn đề đào tạo, hậu cần và bảo trì.
Những chiếc F-15 được chuyển giao cho Ả Rập Xê-út vào năm 2015 là một trong những máy bay chiến đấu đa năng hàng đầu thế giới vào thời điểm đó. Chúng được trang bị tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất, và có khả năng tấn công chính xác trong mọi điều kiện thời tiết.
Vào tháng 5/2017, Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thêm một thỏa thuận vũ khí “khủng” với Ả Rập Xê-út ngay trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông với tư cách là nhà lãnh đạo Mỹ.
Thỏa thuận trị giá 350 tỷ USD triển khai trong 10 năm, trong đó, 110 tỷ USD có hiệu lực ngay sau khi ký kết. Khoản tiền có hiệu lực ngay được chi cho việc mua xe tăng, máy bay chiến đấu, tàu chiến và một hệ thống phòng thủ tên lửa phức tạp được gọi là THAAD - Ả Rập Xê-út đã muốn mua hệ thống này từ nhiều năm trước.
Nhà Trắng đã ca ngợi thỏa thuận này là cột mốc đánh dấu “sự mở rộng mối quan hệ an ninh” giữa hai nước.
Đối với người Ả Rập Xê-út, chuyến thăm của ông Trump là một bước cải thiện lớn trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh mối quan hệ đối tác giữa Mỹ - Ả Rập Xê-út đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào năm 2016, sau khi quốc hội bỏ phiếu cho phép thân nhân của các nạn nhân 9/11 khởi kiện chính phủ Ả Rập Xê-út vì nghi ngờ có liên hệ với những kẻ khủng bố.
Nhưng dù chính phủ Mỹ tâng bốc thỏa thuận trăm tỷ USD này đến mức nào, vẫn có nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi của nó. Theo ABC News, chỉ khoảng 25 tỷ USD trong số 110 tỷ được triển khai sau ngay sau khi thỏa thuận được công bố. Tờ AP cũng đưa tin, đơn đặt hàng vũ khí thực tế của Ả Rập Xê-út nhỏ hơn nhiều so với con do được Mỹ tuyên bố. Cả hai nước đều không công bố cũng như chứng minh được khẳng định của ông Trump rằng Ả Rập Xê-út sẵn sàng bơm tổng cộng 450 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ.
Bình luận