Mỹ và Ả Rập Xê-út căng thẳng vì giá dầu, Riyadh sẽ xích lại gần Trung Quốc?

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 15/10/2022 10:11:00 +07:00
(VTC News) -

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có khả năng được hưởng lợi khi Ả Rập Xê-út và Mỹ mâu thuẫn xung quanh giá dầu.

Tuần này, trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định "đánh giá lại" mối quan hệ với Ả Rập Xê-út sau khi nước này từ chối có động thái có thể giúp giảm giá dầu.

Ả Rập Xê-út và các nước láng giềng Kuwait, cũng như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) duy nhất có năng lực sản xuất dầu dự phòng - đã nhiều lần từ chối áp lực của Mỹ nhằm tăng sản lượng dầu để bù đắp tác động lạm phát của cuộc chiến tại Ukraine.

Mỹ và Ả Rập Xê-út căng thẳng vì giá dầu, Riyadh sẽ xích lại gần Trung Quốc? - 1

Mỹ và Ả Rập Xê-út căng thẳng vì giá dầu, Riyadh sẽ xích lại gần Trung Quốc? (Ảnh: SCMP)

Thông qua quan điểm trung lập, các quốc gia vùng Vịnh duy trì thỏa thuận OPEC+ với Nga. Riyadh hôm 11/10 nhắc lại rằng việc nước này ủng hộ cắt giảm hạn ngạch sản xuất 2 triệu thùng/ngày được thúc đẩy bởi mục tiêu “đạt được sự cân bằng và ổn định trên thị trường dầu toàn cầu”.

Theo các chuyên gia, quan hệ giữa Riyadh và Washington xấu đi sẽ gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác ở châu Á, những người phụ thuộc vào lực lượng của Mỹ ở Trung Đông để bảo vệ nguồn cung cấp năng lượng từ vùng Vịnh và cả hoạt động thương mại với châu Âu.

Nhưng việc này cũng có thể khiến Trung Quốc “có cơ hội rộng mở hơn” với Ả Rập Xê-út, theo chuyên gia Kristin Diwan, thành viên cấp cao tại Viện các quốc gia vùng Vịnh ở Washington.

Các lệnh trừng phạt

Các nhà phân tích cho rằng, Riyadh và các đồng minh Ả Rập ở vùng Vịnh có khả năng sẽ phản ứng lại cam kết trừng phạt của Mỹ liên quan đến quyết định cắt giảm sản lượng dầu của nhóm.

“Các quốc gia vùng Vịnh xem đây là vấn đề kinh tế nhiều hơn là vấn đề chính trị và quan trọng đối với sự phát triển nội bộ, vì vậy họ sẽ tức giận và có thể dẫn đến một số phản kháng”, Phó giáo sư Dave DesRoches tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược cận Đông Nam Á của Đại học Quốc phòng Mỹ ở Washington nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói “thất vọng” về việc OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng, nhưng chưa bày tỏ ủng hộ các đề xuất của đảng Dân chủ trong quốc hội nước này về việc sẽ đình chỉ bán vũ khí cho Ả Rập Xê-út trong 1 năm, bên cạnh đó ban hành luật chống thỏa thuận kiểm soát giá không lành mạnh (cartel) với OPEC.

Nhưng một nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ Mỹ cảnh báo, khi cam kết "sẽ có hậu quả" đối với Ả Rập Xê-út, ông Biden có thể sẽ khiến Riyadh muốn chứng tỏ sức mạnh của các mối quan hệ với các nước khác.

Adam Smith, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ, nói với CNN: “Bạn sẽ thấy Ả Rập Xê-út ngày càng quay sang Nga và Trung Quốc. Và điều đó sẽ có ý nghĩa thế nào đối với các lợi ích của chúng ta? Vì vậy, chuyện này phức tạp hơn rất nhiều so với việc chỉ đơn giản nói là chúng ta không thích Ả Rập Xê-út nên sẽ cắt nguồn cung cấp cho họ và thế là xong, vì mối quan hệ này căng thẳng và phức tạp hơn thế nhiều”.

Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal và Hạ nghị sĩ Ro Khanna, những người khởi xướng dự luật đình chỉ bán vũ khí cho Ả Rập Xê-út, cho rằng động thái này sẽ tăng mức độ phụ thuộc của vương quốc này vào công nghệ quân sự của Mỹ, khi họ đang cần để đối phó với các mối đe dọa từ Iran, Iraq và Yemen.

Nhưng một nhà bình luận Ả Rập Xê-út được xem là thân cận với Thái tử Mohammed bin Salman cho rằng động thái sẽ có tác dụng ngược lại.

“Ả Rập Xê-út đã thực hiện các thỏa thuận chuyển giao công nghệ và bán vũ khí với Nga và Trung Quốc. Tất cả những gì họ làm sẽ chỉ là đẩy nhanh quá trình này”, ông Ali Shihabi nói trên Twitter.

Tương tự, Ả Rập Xê-út có “quan hệ cung cấp vũ khí” tích cực với Anh, Pháp, Trung Quốc, Nam Phi và những nước khác, nhiều nước có chuyển giao công nghệ.

Thúc đẩy đàm phán cấp cao?

Các nhà phân tích tại Washington dự đoán, Ả Rập Xê-út sẽ trả đũa bất kỳ động thái đình chỉ cung cấp vũ khí nào của Mỹ bằng cách trao các hợp đồng quân sự béo bở cho Trung Quốc, đặc biệt đối với các loại vũ khí như máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo mà Mỹ và các đồng minh phương Tây đã từ chối bán cho nước này.

Họ cho rằng, cuộc khủng hoảng trong quan hệ với Mỹ cũng sẽ thúc đẩy các bên nhanh chóng hơn trong việc sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và 6 nhà lãnh đạo của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh vào cuối năm nay.

“Nếu chính quyền Biden cứng rắn, các quốc gia vùng Vịnh có thể ​​sẽ có các cuộc đàm phán cấp cao với Trung Quốc và có thể thông báo công khai việc mua một số vũ khí, chẳng hạn như đạn lựu pháo Norinco 155mm”, chuyên gia DesRoches từ Đại học quốc phòng Mỹ cho biết.

Tuy nhiên, các quốc gia vùng Vịnh đang đầu tư sâu với Mỹ vào khả năng quân sự và họ được cho là “sẽ không mạo hiểm với điều đó chỉ vì một vấn đề nhỏ”, ông nói.

“Dự đoán của tôi là, nếu có một sự rạn nứt đáng kể nào đó, trong 6 tháng nếu bạn phỏng vấn bất kỳ quan chức quân đội Mỹ nào, họ cũng sẽ chỉ nói rằng mối quan hệ quân sự giữa 2 bên rất bền chặt”, DesRoches bình luận.

Phương Anh(Nguồn: South China Morning Post)
Bình luận
vtcnews.vn