Hôm 8/4, chính quyền Biden vừa liệt 7 phòng nghiên cứu và nhà sản xuất siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen xuất khẩu của Mỹ. Các tổ chức này bị liệt vào danh sách đen với cáo buộc “tham gia vào việc chế tạo siêu máy tính phục vụ cho các lực lượng quân sự của Trung Quốc, các nỗ lực hiện đại hóa quân sự hoặc các chương trình vũ khí phá hủy hàng loạt”.
Phản ứng trước quyết định của Mỹ, Global Times dẫn lời chuyên gia Trung Quốc bình luận rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ với công ty công nghệ nước này chỉ như "vết muỗi đốt". Chuyên gia Mei Xinyu tại Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế, thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho rằng lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ thúc đẩy các công ty công nghệ nước này thêm nỗ lực nghiên cứu và phát triển để phá vỡ khoảng cách trong các lĩnh vực như máy tính và chất bán dẫn.
Đòn trừng phạt của Mỹ là dấu hiệu mới nhất cho thấy Tổng thống Joe Biden đang kiên định với đường lối cứng rắn mà người tiền nhiệm Donald Trump đưa ra. Theo đó, các ngành công nghệ Bắc Kinh bị Washington coi là mối đe dọa tiềm tàng.
Quyết định này của Washington dấy lên nguy cơ xung đột tiềm tàng giữa hai cường quốc trên thế giới, nhất là khi Mỹ luôn cáo buộc Trung Quốc tấn công máy tính, đánh cắp bí mật công nghệ, kinh doanh từ Mỹ.
Biện phát trừng phạt mới nhất của chính quyền Biden chặn quyền truy cập vào công nghệ của Mỹ đối với các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất. Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, các tổ chức này đang chế tạo các siêu máy tính được quân đội Trung Quốc sử dụng để phát triển vũ khí.
Tổng thống Joe Biden nhiều lần lên tiếng, bày tỏ mong muốn quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh. Thế nhưng, chưa có dấu hiệu cho thấy ông Biden sẽ giảm thiểu các lệnh trừng phạt mạnh tay với Trung Quốc như thời ông Trump. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với gã khổng lồ thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei và các công ty khác.
Đảng Cộng sản đã phản ứng bằng cách tuyên bố rằng tăng tốc nỗ lực biến Trung Quốc thành một "cường quốc công nghệ" tự lực sẽ là ưu tiên kinh tế hàng đầu của năm nay.
Siêu máy tính do Trung Quốc thiết kế đã lập kỷ lục về tốc độ nhưng được lắp ráp từ chip xử lý và các phần cứng khác do Mỹ cung cấp. Chúng có thể được sử dụng trong phát triển vũ khí bằng cách mô phỏng các vụ nổ hạt nhân và khí động học của máy bay và tên lửa tốc độ cao hoặc tàng hình.
Trong khi đó, các nhà quản lý viễn thông Mỹ đang trong quá trình tước quyền hoạt động của 3 hãng điện thoại Trung Quốc tại Mỹ. Dưới thời Trump, Mỹ gây sức ép, buộc chủ sở hữu TikTok bán lại cổ phần cho công ty Mỹ cũng như ban hành lệnh cấm người Mỹ đầu tư vào chứng khoán của các công ty bị Lầu Năm Góc cho là có liên quan đến quân đội Trung Quốc.
Chính quyền Biden đặt chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội 5G làm trọng tâm trong chiến lược đối trọng với Trung Quốc. Vấn đề cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc của Mỹ càng trở nên cấp thiết hơn bởi sự thiếu hụt đột ngột các vi mạnh cần thiết trong các sản phẩm như ô tô, điện thoại di động, tủ lạnh... trên toàn cầu. Theo Bloomberg, Mỹ đang tìm cách tập hợp một liên minh các quốc gia để giành lợi thế trong chế tạo chất bán dẫn và điện toán lượng tử, bỏ qua các lĩnh vực cạnh tranh truyền thống như kho dự trữ tên lửa và quân số.
Các quan chức và chuyên gia nhận định kế hoạch của chính Biden trong lĩnh vực công nghệ là mô hình thu nhỏ của các kế hoạch rộng lớn hơn nhằm tìm kiếm liên minh đối đầu với Bắc Kinh sau cách tiếp cận hỗn loạn dưới thời Trump.
Việc Mỹ thúc đẩy chiến lược phát triển công nghệ diễn ra ở thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ như trọng tâm phát triển tương lai của Trung Quốc.
Bình luận