Reuters dẫn lời các quan chức liên bang và bang Maryland cho biết, lực lượng cứu hộ bắt đầu nâng phần đầu tiên của cầu Francis Scott Key bị sập ở Baltimore lên khỏi mặt nước, ngày 30/3.
Giới chức địa phương cũng triển khai sà lan và tàu cứu kéo đến gần hiện trường vụ sập cầu nhằm tháo dỡ các phần cầu sập trên Patapsco hôm 26/3. Đây được xem là nỗ lực đầu tiên của Baltimore nhằm khơi thông tuyến đường thủy quan trọng đến thành phố cảng này.
Cầu Francis Scott Key trước đó đổ sập hoàn toàn sau vụ va chạm với tàu chở container Dali, vụ việc cũng làm 6 công nhân đường bộ thiệt mạng.
Thống đốc Maryland Wes Moore phát biểu trong cuộc họp báo rằng một phần cấu trúc thượng tầng bằng thép của cây cầu ở phía bắc sẽ được cắt thành các mảnh nhỏ, có thể được nâng bằng cần cẩu lên một sà lan và đưa đến địa điểm tập trung gần đó tại Sparrows Point.
“Điều này sẽ cho phép chúng tôi mở lại một phần tuyến đường thủy đi qua Baltimore và cho phép các tàu vận tải tiến ra biển”, Thống đốc Moore nhấn mạnh.
Tuy nhiên giới chức bang Maryland không đưa ra thời điểm hoàn thành kế hoạch này và khẳng định quá trình này sẽ mất nhiều ngày; đồng thời cho biết tiến độ tùy thuộc vào số phương tiện tham gia tháo dỡ Francis Scott Key.
Lực lượng cứu hộ đang sử dụng cần cẩu hàng hải nặng 160 tấn lên sà lan thực hiện việc tháo dỡ cầu Francis Scott Key. Một cần cẩu lớn hơn nặng 1.000 tấn đang được triển khai đến khu vực.
Theo kế hoạch, lực lượng chức năng trước mắt chưa cố gắng giải phóng phần cầu đang nằm trên mũi tàu Dali. Hiện chưa rõ khi nào con tàu có thể được di chuyển ra khỏi địa điểm va chạm, nhưng các báo cáo cho thấy phần thân tàu, mặc dù bị hư hại, vẫn còn "nguyên vẹn".
Chuẩn Đô đốc Lực lượng tuần duyên Mỹ Shannon Gilreath cho biết, cần phải loại bỏ phần thân cầu Francis Scott Key ra khỏi khu vực nếu muốn tàu Dali được kéo ra.
Trong phát biểu gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết ông sẽ tới thành phố Baltimore trong tuần tới để kiểm tra đánh giá tình hình tháo dỡ cầu Francis Scott Key. Ông Biden cũng cam kết sẽ chi trả cho việc xây dựng lại cây cầu với chi phí ước tính có thể lên tới 2 tỷ USD.
Chính phủ liên bang cũng trao cho Maryland khoản ngân sách ban đầu trị giá 60 triệu USD trong quỹ khẩn cấp để tháo dỡ Francis Scott Key.
Ngoài thiệt hại từ vụ sập cầu Francis Scott Key, công việc của khoảng 15.000 công nhân đang làm việc cảng Baltimore cũng bị đình trệ.
Các chuyên gia ngành vận tải Mỹ nhận định, trong các cảng ở Bờ Đông Mỹ có thể tiếp nhận tàu container thì Baltimore là cảng lớn nhất của Mỹ về xuất nhập khẩu thiết bị nông nghiệp và xây dựng.
Bình luận