• Zalo

Mỹ 'tấn công' các đồng minh trong lễ kỷ niệm của NATO

Thế giớiThứ Năm, 04/04/2019 16:55:00 +07:00Google News

Căng thẳng giữa Mỹ và 2 đồng minh Đức và Thổ Nhĩ Kỳ phủ bóng lên lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO ở Washington.

Vài giờ trước khi Bộ trưởng 29 nước thành viên tham gia vào các cuộc đối thoại tại thủ đô Washington trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bất ngờ lên án Đức về chi tiêu quốc phòng hạn chế và Thổ Nhĩ Kỳ về thương vụ mua S-400 của Nga. 

"Đức phải làm nhiều hơn. Và chúng ta không thể đảm bảo quốc phòng của phương Tây nếu các đồng minh của chúng ta phát triển dựa vào Nga. Đơn giản là không thể chấp nhận được thực tế rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang tiếp tục phớt lờ mối đe dọa từ Nga và bỏ bê quốc phòng và phòng thủ chung", ông Pence nói.

Tuyên bố này lặp lại chỉ trích trước đó 1 ngày của Tổng thống Trump về việc Đức không san sẻ gánh nặng quốc phòng khi Berlin chỉ chi hơn 1% GDP cho ngân sách quốc phòng. 

c6697034-5694-11e9-a3ae-f2742b367090_image_hires_141207

Ngoại trưởng các nước thành viên NATO chụp ảnh gia đình. (Ảnh: AP)

Đức hồi tháng 2 thông báo sẽ giảm chi tiêu cho quốc phòng từ 1,37% năm 2020 xuống còn 1,25% năm 2023. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định rằng việc chia sẻ gánh nặng không chỉ là về vấn đề chi tiêu và NATO trên hết phải là "liên minh của các giá trị".

Ông Maas cũng nhấn mạnh Đức là quốc gia hiện diện quân sự lớn thứ 2 tại Afghanistan và Berlin đang xây dựng một trung tâm chỉ huy NATO ở thành phố Ulm. 

"Chúng tôi biết rằng chúng tôi không thể lấy an ninh của chúng tôi ra để đảm bảo. Chúng tôi phải gánh vác trách nhiệm để tiếp tục bảo vệ nó vì lợi ích của chúng tôi", nhà ngoại giao Đức cho hay 

Nhưng chi tiêu quốc phòng không phải là vấn đề duy nhất mà Mỹ công kích Đức trong lễ kỷ niệm NATO 70 năm tuổi.

Phó Tổng thống Mike Pence đề cập tới dự án Dòng chảy phương Bắc 2, khẳng định việc Đức tiếp tục theo duổi dự án này sẽ biến Berlin thành con tin của Nga và điều này sẽ làm ảnh hưởng tới an ninh của tất các nước phương Tây. 

"Chúng tôi không thể đảm bảo sự phòng thủ của phương Tây nếu các đồng minh của chúng tôi ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Nga. Nếu Đức kiên quyết xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2, nền kinh tế của nước này thực sự sẽ trở thành con tin của Nga", ông Pence nói. 

Không chỉ công kích Đức, vị quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump cũng gửi đi tối hậu thư tới Thổ Nhĩ Kỳ khi cảnh báo Ankara hoặc chọn duy trì vị trí của một đối tác quan trọng trong liên minh thành công nhất lịch sử hoặc gây nguy hiểm cho mối quan hệ đối tác đó bằng các quyết định liều lĩnh phá hoại NATO, ám chỉ thương vụ mua bán S-400 với Nga. 

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố rằng thương vụ S-400 đã hoàn tất và Ankara cũng không có ý định đảo ngược quyết định về thương vụ này. 

Mặc dù vậy, ông Cavusoglu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ để tâm tới các mối quan tâm cốt lõi của NATO và không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập Crưm vào năm 2014. 

Không lâu sau tuyên bố này, vị quan chức ngoại giao cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ có cuộc gặp mặt với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo. Tại đây, ông Pompeo cảnh báo Ankara về các hậu quả nghiêm trọng nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiêp tục đe dọa tấn công lực lượng người Kurd vốn là đồng minh của Mỹ ở Syria. 

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trong liên minh này vẫn đang tìm cách đối phó với một nước Nga đang vươn mình trỗi dậy một cách ngoạn mục. 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ nhấn mạnh rằng liên minh cần cải thiện quan hệ với Nga, nhưng phải chuẩn bị một nền tảng quốc phòng mạnh mẽ.

Ông này cũng nói thêm rằng sức mạnh của một quốc gia không chỉ được đo bằng nền kinh tế hay số lượng binh sỹ mà còn phải bằng số lượng bạn bè của họ. Đây được xem là một lời nhắn nhủ ngầm tới Tổng thống Trump, người không dưới một lần nói bóng gió về việc rút Mỹ khỏi NATO. 

"Thông qua NATO, Mỹ có nhiều bạn bè và đồng minh hơn bất kỳ cường quốc nào khác", ông Stoltenberg kết luận. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn