Theo Russia Direct, chiến thắng có phần gây sốc của ông Donald Trump được cho là sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho nước Nga nhất là khi cả ông Trump và Putin đều đã “dành những lời có cánh cho nhau” trong và sau cuộc bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn quá sớm để có thể kết luận như vậy.
Các chuyên gia khuyến nghị rằng, cần phải rất thận trọng và chỉ được phép hy vọng vào những điều rất thực tế sau khi ông Trump bắt đầu nhậm chức Tổng thống Mỹ. Mối quan hệ “tốt đẹp” giữa ông Trump và ông Putin trước đó có thể chỉ là “phù du” hoặc ít nhất là sẽ phải trải qua sóng gió.
Dù vậy, phải thừa nhận rằng, mối quan hệ Nga-Mỹ rất cần được cải thiện sau khi đã xuống đến mức thấp nhất trong thời gian vừa qua và vẫn còn nhiều khả năng để thúc đẩy mối quan hệ này một cách thực chất.
Có tiềm năng nhưng không phải dễ dàng
Theo các chuyên gia, Nga và Mỹ nên hợp tác trong việc tiêu diệt IS. Mỹ và phương Tây có thể thể hiện thiện chí hợp tác này thông qua việc tạm dừng việc mở rộng NATO sang phía Đông để trấn an Nga.
Ngoài ra, chính quyền của ông Trump cũng được cho là sẽ ít chỉ trích chính sách đối nội của Nga hơn so với người tiền nhiệm Barack Obama, điều từng khiến Tổng thống Nga Putin trở nên quyết liệt hơn trong hành động của mình. Hơn thế nữa, ông Trump được kỳ vọng sẽ khuyến khích các đồng minh Đông Âu chủ động hạ nhiệt căng thẳng với Nga.
Ngược lại, Điện Kremlin có thể cũng sẽ có những động thái tích cực đối với ông Trump bằng cách giảm những hành động bị coi là có thể khiến các thành viên NATO cảm thấy bất an như đã từng làm trong vài năm qua.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, những bước đi tưởng chừng như rất hợp lý và có thể thực hiện được đó vẫn không thể thay đổi được bản chất cơ bản trong mối quan hệ Nga-Mỹ.
Những lời chúc mừng “nồng nhiệt” của Nga dành cho ông Trump và những lời tán dương của ông Trump dành cho Tổng thống Putin không thể thay đổi được mối quan hệ căng thẳng từ lâu giữa hai quốc gia cũng như nhu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia của cả 2 nhà lãnh đạo Nga-Mỹ.
Chính vì thế, nếu Nga kỳ vọng rằng, dưới thời ông Trump, NATO sẽ dừng việc mở rộng sang phía Đông thì họ sẽ phải “thất vọng sâu sắc”. Hơn thế nữa, Điện Kremlin cũng sẽ sớm nhận ra rằng, chính quyền của ông Trump sẽ “không đời nào” công nhận tính hợp pháp của việc Nga sáp nhập Crimea cũng như chấp thuận việc Nga theo đuổi lợi ích của nước này ở Đông Âu.
Lợi ích và uy tín quốc gia của Mỹ trên trường quốc tế sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu Mỹ chấp nhận nhượng bộ Nga trong những vấn đề trên. Mỹ chỉ có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine nếu Nga chấp nhận “lùi những bước dài” trước Mỹ.
Clip: Nga tuyên bố sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Mỹ
Đối đầu Nga-Mỹ có thể còn tệ hơn trước đây
Với những gì ông Trump tuyên bố từ trước đến đây, có thể thấy, ông Trump kỳ vọng sẽ xây dựng được một nền quân sự và kinh tế mạnh nhất trên thế giới cho nước Mỹ. Tân Tổng thống Mỹ luôn muốn “là người chiến thắng” và muốn “đem lại thắng lợi cho nước Mỹ”.
Để đạt được điều này, ông Trump cam kết sẽ xây dựng lại quân đội và tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ. Tổng thống Mỹ cũng liên tục nhắc đến việc Nga đang tăng cường sức mạnh quân sự để giải thích cho mục tiêu nói trên.
Trên thực tế, Nga cũng đã mạnh tay đầu tư cho quân đội nước này. Nga đã tăng chi tiêu quốc phòng từ mức 30 tỷ USD năm 2000 lên 90 tỷ USD năm 2014 để mua sắm các loại xe tăng, máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới.
Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh cũng liên tục cáo buộc Nga có các hành động mang tính khiêu khích như đưa hệ thống tên lửa Iskander đến Kaliningrad, xâm phạm không phận Estonia và tiến hành chiến tranh điện tử nhằm vào Mỹ.
Hơn thế nữa, việc ông Trump đòi đồng minh NATO chia sẻ chi phí quân sự của Mỹ về lâu dài có thể giúp tăng cường năng lực quân đội của các đồng minh thay vì khiến cho khối này tan rã. Sức mạnh quân sự của Mỹ và các đồng minh sau khi đã được cải thiện sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho Nga.
Nga cũng sẽ cảm thấy “rất khó ở” nếu ông Trump thực thi đầy đủ cam kết dừng hoặc thay đổi thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã ký với Iran hồi tháng 7/2015 bởi Nga đang có mối quan hệ rất tốt với Nga và cam kết của ông Trump có thể khiến mối quan hệ Nga-Iran chia rẽ sâu sắc nếu thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 đổ vỡ.
Như vậy, có thể thấy rằng, “tình bằng hữu” Nga-Mỹ hiện nay hoàn toàn có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Điều này hoàn toàn vào việc ông Trump sẽ “bảo vệ lợi ích” của nước Mỹ đến đâu và liệu những “lợi ích của Mỹ có va chạm với Nga” hay không?
Bình luận