Washington và Tokyo bắt đầu thảo luận về việc triển khai các tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, báo Asahi Shimbun ngày 22/10 đưa tin.
Theo thông tin từ Asahi Shimbun, một quan chức cấp cao của Mỹ đã đến Tokyo vào hôm 18/10, để đàm phán một loạt vấn đề với đại diện Hội đồng an ninh, Bộ Ngoại giao và quân đội Nhật Bản. Một trong những nội dung của chương trình nghị sự là vấn đề triển khai hệ thống tên lửa tầm trung mới của Washington tại khu vực.
Báo Asahi Shimbun cho rằng, Mỹ đang có ý định bố trí các tên lửa tầm trung trên lãnh thổ Nhật Bản. Lí do là vì trên lãnh thổ Nhật Bản hiện nay có lực lượng đồn trú của Washington, với hơn 40 nghìn quân ở 130 căn cứ quân sự. Nhật Bản là sự lựa chọn tốt nhất mà Mỹ hướng tới.
Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov nhận định rằng, Mỹ có thể có thể triển khai tên lửa tầm trung ở 3 địa điểm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đầu tiên đó là khu vực Okinawa tại Nhật Bản. Đó là căn cứ hải quân và là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực. Tại Okinawa, Washington đã có các hệ thống phòng không hiện đại Patriot và THAAD, và lên kế hoạch bố trí thêm các tên lửa tầm trung mới nữa.
Địa điểm tiếp theo là đảo Guam ở phía Tây Thái Bình Dương. Đây là một trong những căn cứ chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Và địa điểm cuối cùng là Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc rất có thể không đủ bảo đảm an toàn để bố trí các khu phức hợp vũ khí chiến lược này. Bởi vì nó nằm trong khu vực của dễ bị tấn công nhất.
Chuyên gia Leonkov cho rằng, với tầm hoạt động từ 500 – 5500 km, các tên lửa tầm trung của Mỹ, bố trí cở Okinawa hay Guam, sẽ đe dọa các vùng lãnh thổ của Nga và Trung Quốc. Nếu số lượng tên lửa lên tới hàng trăm, sức mạnh tấn công hủy diệt tạo ra là rất đáng lo ngại.
Đầu tháng 8/2019, Hiệp ước cắt giảm tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) đã bị Washington đơn phương chấm dứt. Ngày 19/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố rút khỏi hiệp ước INF này.
Tháng 8/2019, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson cho biết thêm, Washington đang thảo luận về khả năng bổ trí tên lửa tầm trung ở châu Á-Thái Bình Dương với các đồng minh trong khu vực.
Mới đây, người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper nhấn mạnh, các tên lửa mặt đất của Mỹ, trước đây không thể triển khai trên lãnh thổ của các đồng minh ở khu vực châu Á do các điều khoản cấm của INF.
Tuy nhiên, hiện nay INF đã hết hiệu lực, Washington có kế hoạch triển khai các tên lửa tầm trung “trong vài tháng tới” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ chưa xác định rõ tên lửa sẽ được bố trí tại đâu và nhằm chống lại quốc gia nào.
Tháng 9/2019, Matxcova đã chỉ trích tuyên bố triển khai tên lửa tầm trung của Washington tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đó là hành động gây căng thẳng và gây nên mối đe dọa an ninh mới cho khu vực.
Hôm 21/10, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng phản đối mạnh mẽ nỗ lực triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á của Mỹ. Bắc Kinh cho rằng, hành động này có thể gây tác động tiêu cực đến an ninh và làm mất ổn định tại khu vực.
Bình luận