Tại một cuộc họp báo trước truyền thông gần đây, Ngoại trưởng Antony J. Blinken đã được hỏi liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thiết lập một "lằn ranh đỏ" ở Ukraine, tức nhằm kiềm chế Nga và phản ứng của Washington sẽ như thế nào nếu Kiev bị tấn công.
“Nước Mỹ thực sự lo ngại về hoạt động quân sự bất thường của Nga ở biên giới với Ukraine”, Ông Blinken nói. Tuy nhiên Washington sẽ không vạch ra “lằn ranh đỏ nào”.
Các quan chức Mỹ cũng thường tránh nói về một giới hạn đặt ra cho nước Nga ở Ukraine vì uy tín của Washington sẽ giảm sút nếu giới hạn đó bị Moskva phá vỡ. Trong bối cảnh Nga bị cáo buộc tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới với Ukraine, gây lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến, chính sách của Tổng thống Biden về vấn đề Ukraine vẫn mơ hồ.
Điều đó đã đặt ra câu hỏi về việc chính quyền Biden sẽ sẵn sàng đi bao xa trong cuộc đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin, về vấn đề Ukraine.
Người tiền nhiệm Đảng Dân chủ của ông Biden, cựu Tổng thống Barack Obama từng phản đối việc đưa ra một cam kết an ninh của Mỹ đối với Ukraine bởi theo ông, Moskva sẽ luôn nâng cao quan điểm hơn nữa. Mặt khác, ông Obama đã giao phần lớn các công việc liên quan đến Ukraine cho ông Biden, khi còn là phó Tổng thống Mỹ.
Hiện vẫn không rõ liệu ông Biden có thể mạo hiểm đến mức nào khi đưa nước Mỹ đối đầu với Moskva tại Ukraine. Trước đó, các quan chức cấp cao Mỹ cũng nhiều lần tuyên bố rằng mục tiêu của họ là phát triển mối quan hệ ổn định và dễ đoán với Nga.
Theo giới truyền thông phương Tây, chính quyền Biden đang tập trung vào các kênh ngoại giao để răn đe và ngăn cản Nga có hành động liều lĩnh. Nỗ lực này có thể còn bao gồm cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Putin vừa qua.
Chính quyền Biden cho rằng việc tiếp tục đối thoại với Tổng thống Nga có vai trò quan trọng trong việc ngăn ông Putin có hành động nhắm vào Ukraine.
Đồng thời, các quan chức Mỹ cũng làm việc với các đối tác để chuẩn bị trừng phạt, bao gồm cả các lệnh trừng phạt kinh tế mới, bất kỳ hành động khiêu khích nào từ Nga.
“Các quan chức Mỹ ở châu Âu đang tìm cách hợp tác trong việc đưa ra biện pháp trừng phạt kinh tế”, bà Kendall-Taylor, chuyên gia về Nga của Trung tâm An ninh Mỹ cho biết.
Bà Kendall-Taylor nói thêm rằng những biện pháp này có thể bao gồm lệnh trừng phạt lên các tổ chức tài chính, tập đoàn năng lượng của Nga cũng như các khoản nợ nước ngoài của nước này.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và Anh cũng đã thảo luận về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với những người thân cận với ông Putin, bao gồm một số biện pháp đã được cân nhắc nhưng bị gạt sang một bên, sau vụ việc các cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở Anh.
Một quan chức Ukraine cho biết Mỹ đang xem xét việc tăng gói viện trợ quân sự cho Ukraine. (Trong năm nay, chính quyền Tổng thống Biden đã chi hơn 450 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine.) Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đang do dự về khả năng này vì lo ngại tình hình leo thang hơn nữa.
Bà Fiona Hill, cựu Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, cho biết một trong những mục tiêu của ông Putin là đạt được một thỏa thuận với Mỹ mà không có sự tham gia của châu Âu.
“Đây thực sự là một thách thức đối với châu Âu trong việc tăng cường sự đoàn kết với Mỹ", bà Fiona Hill nói.
Bà Kendall-Taylor chỉ ra ông Putin có thể cho rằng châu Âu thiếu quyết tâm trong việc giải quyết vấn đề. “Tôi nghĩ rằng có sự tính toán từ phía Putin rằng phương Tây sẽ thiếu kiên quyết”, đồng thời nói thêm, các nhà lãnh đạo Nga nhận ra rằng Hoa Kỳ đang tập trung sự chú ý vào Trung Quốc.
Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đại tướng Mark A. Milley, đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga, Đại tướng Valery Gerasimov. Lầu Năm Góc cho biết cuộc trao đổi nhằm “đảm bảo giảm thiểu rủi ro và hạ nhiệt căng thẳng”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết Mỹ đang cung cấp thông tin cho Kiev về các hoạt động tăng cường lực lượng của Nga. Các quan chức phương Tây cũng khẳng định NATO đang tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine với hy vọng giúp Kyiv hiểu rõ hơn về mối đe dọa, chuẩn bị và đối phó với Moskva hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đa số các nhà phân tích cho rằng Kiev không nên mong đợi Mỹ đến giải cứu mình dù là trong tình huống tồi tệ nhất.
Samuel Charap, cựu quan chức Bộ Ngoại giao của RAND Corporation, cho biết: “Nga biết rõ chúng ta sẽ không cử Sư đoàn Dù 82 tham chiến vì họ đã duy trì lực lượng ở Ukraine suốt 7 năm qua. Tôi nghĩ rằng họ có thể đã định giá mọi thứ, tức là họ sẵn sàng trả giá."
“Đó là điều làm cho việc này trở nên khó khăn, không có cách nào dễ dàng”, ông này nói thêm.
Các quan chức Mỹ cho biết họ không tin ông Putin vẫn chưa quyết định liệu có hành động quân sự chống lại Ukraine hay không. Họ cũng cho biết mối đe dọa này đang được cân nhắc nghiêm túc. Trong lúc đó, Mỹ và các đồng minh có đủ thời gian để chuẩn bị cho Ukraine và thuyết phục Nga rằng việc tấn công sẽ là sai lầm tồi tệ.
Dù Tổng thống Putin đang tính toán điều gì, việc tăng cường lực lượng của Nga có thể là phép thử cho khả năng sẵn sàng hành động của Mỹ, NATO và châu Âu.
"Nga tăng cường lực lượng để xem Brussels và Washington sẽ hành động như thế nào. Tổng thống Putin muốn thông qua những động thái quân sự hiện nay để đánh giá quyết tâm của phương Tây trong việc ủng hộ Ukraine", ông Martijn Rasser, cựu quan chức CIA và hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, đánh giá.
Bình luận