Ngày 16/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các bên ở Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế sau vụ đảo chính để tránh khiến tình hình bất ổn thêm. Ông Obama cũng cảnh báo đồng minh rằng những phát biểu ngầm định Mỹ can dự vào vụ đảm chính là "hoàn toàn sai lệch" và có thể ảnh hưởng đến quan hệ 2 nước.
Reuters cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm với người đồng cấp Mevlut Cavusoglu, đề nghị Ankara tôn trọng luật pháp trong quá trình điều tra âm mưu đảo chính.
Ngoại trưởng Kerry cũng nhắc lại lời của Tổng thống Obama, rằng Ankara không nên nghi ngờ sự liên quan của Washington trong chính biến vừa qua.
Quan hệ đồng minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ những năm gần đây không êm ả do Washington chỉ trích cách cai trị cứng rắn của Ankara. Ngay sau vụ đảo chính, tổng thống và thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đều khẳng định giáo sĩ Fethullah Gulen hiện đang sống lưu vong ở Mỹ là người đứng đầu vụ việc.
"Những quốc gia nào ủng hộ Gulen sẽ bị xem là trong tình trạng chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ", Thủ tướng Binali Yildirim nói, đồng thời thúc giục Mỹ trục xuất giáo sĩ Gulen.
Tổng thống Erdogan cũng yêu cầu Mỹ bắt và dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen. Erdogan khẳng định ông Gulen đóng vai trò quan trọng trong âm mưu đảo chính. Giáo sĩ Gulen hiện sống ở bang Pennsylvania tại Mỹ. Ông từng kêu gọi tiến hành những vụ lật đổ và ám sát trong quá khứ. Tuy nhiên, ông không chỉ trích đích danh Tổng thống Erdogan cố ý đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào hoàn cảnh hỗn loạn.
Ngoại trưởng John Kerry trấn an đồng minh rằng Mỹ sẽ hỗ trợ quá trình điều tra âm mưu nổi dậy nhưng cũng nêu rõ chỉ hành động theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ nếu tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự liên quan của ông Gulen.
Do đảo chính nên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm hoạt động đối với mọi máy bay quân sự và cắt nguồn điện nối tới căn cứ không quân Incirlik. Đây là nơi mà quân đội Mỹ triển khai máy bay không kích các mục tiêu phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
"Chúng tôi đang phối hợp với phía Thổ Nhĩ Kỳ để căn cứ Incirlik sớm hoạt động trở lại, để có thể tiếp tục chiến dịch càng sớm càng tốt. Trong lúc này, Bộ tư lệnh trung ương đang điều chỉnh các kế hoạch bay để giảm thiểu mọi ảnh hưởng đến chiến dịch", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook nói.
Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra đêm 15/7 nhằm chiếm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan. Hơn 260 người thiệt mạng trong những vụ đụng độ và hàng nghìn người bị bắt.
Sáng 16/7, chính phủ tuyên bố đã tình hình đã hoàn toàn được kiểm soát. Thổ Nhĩ Kỳ chưa trải qua cuộc đảo chính nào kể từ thập niên 1980 đến nay. Nhiều người nói họ không muốn đất nước lại rơi vào tình trạng hỗn loạn như vậy.
Bình luận