Theo đó, một tên lửa hoàn toàn mới Vulcan Centaur do United Launch Alliance chế tạo đã được phóng đi từ Trạm Vũ trụ ở mũi Canaveral vào khoảng 2h18 sáng theo giờ Mỹ (14h18 cùng ngày, theo giờ Việt Nam). Tên lửa mang theo tàu đổ bộ Peregrine của công ty tư nhân Astrobotic Technology vào vũ trụ và dự kiến tàu đổ bộ này sẽ đáp xuống Mặt Trăng vào giữa tháng 2 tới.
Với sứ mệnh này, Astrobotic Technology - có trụ sở tại Pittsburgh - đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên có tàu đổ bộ đáp thành công xuống Mặt Trăng.
Cho đến nay mới chỉ có một số cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia đạt được thành tựu này. Trong đó, Liên Xô trước đây thực hiện thành công lần đầu tiên năm 1966, tiếp theo là Mỹ - hiện vẫn là nước duy nhất đưa được người lên Mặt Trăng. Trung Quốc đã thực hiện thành công 3 lần trong thập kỷ qua. Mới đây nhất, Ấn Độ đã thực hiện thành công hoạt động này năm ngoái.
Theo hãng tin AP (Mỹ), một công ty công nghệ hàng không vũ trụ có trụ sở ở Houston cũng đã sẵn sàng phóng tàu đổ bộ đáp xuống Mặt Trăng trong tương lai gần, với tham vọng đến đích trước tàu của Astrobotic Technology do có hành trình ngắn hơn.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đầu tư cho cả 2 công ty này hàng triệu USD để chế tạo và vận hành thiết bị đáp xuống Mặt Trăng chuẩn bị cho NASA đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng thực hiện các thí nghiệm công nghệ và khoa học. Hợp đồng dành cho Astrobotic triển khai tàu đổ bộ Peregrine là 108 triệu USD.
Lần gần đây nhất Mỹ thực hiện sứ mệnh đáp xuống Mặt Trăng là vào tháng 12/1972, trong đó các phi hành gia Gene Cernan và Harrison Schmitt trong sứ mệnh tàu Apollo 17 trở thành người thứ 11 và 12 đi bộ trên Mặt Trăng. Hiện NASA đặt kỳ vọng vào chương trình Artemis đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng trong vòng vài năm tới, trước mắt là sứ mệnh phóng tàu vũ trụ chở 4 phi hành gia bay quanh Mặt Trăng vào cuối năm nay.
Mỹ cũng đang theo đuổi chương trình Dịch vụ tải trọng Mặt Trăng thương mại (CLPS), một dự án thương mại hóa các hoạt động khám phá Mặt Trăng với chi phí thấp.
Bình luận