"Sau nhiều tuần đàm phán tích cực nhưng hiệu quả, Nga quyết định chặn sự đồng thuận về một văn bản cuối cùng", phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết hôm 28/8.
Tuyên bố này được đưa ra không lâu sau khi Nga chặn việc thông qua dự thảo tuyên bố chung về Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) với lý do lo ngại một số khía cạnh "chính trị" trong dự thảo.
NPT ký kết năm 1968, là hiệp ước quan trọng và có vai trò trung tâm trong các cơ chế quốc tế về chống phổ biến vũ khí hạt nhân với 191 quốc gia thành viên, bao gồm cả 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hiệp ước này được đánh giá 5 năm một lần.
Ông Patel khẳng định động thái của Moskva là "nhằm chặn các nội dung thừa nhận nguy cơ bức xạ nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine".
Theo AFP, dự thảo mà Nga phản đối bày tỏ "lo ngại sâu sắc" về các hoạt động quân sự quanh các nhà máy điện của Ukraine, bao gồm Zaporizhzhia cũng như việc Kiev mất quyền kiểm soát các cơ sở này và tác động tiêu cực đến tính an toàn.
Nga nắm quyền kiểm soát Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu từ tháng 3, nhưng nhà máy này vẫn do nhân viên kỹ thuật Ukraine vận hành.
Moskva và Kiev thời gian qua cáo buộc lẫn nhau pháo kích vào nhà máy trong khi đơn vị vận hành cơ sở này cảnh báo về nguy cơ rò rỉ phóng xạ.
"Bất chấp sự phá rối đầy hoài nghi của Nga, việc các bên khác ủng hộ dự thảo chứng tỏ vai trò thiết yếu của hiệp ước trong ngăn phổ biến vũ khí hạt nhân", ông Patel cho hay.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc lại lời kêu gọi của Washington, yêu cầu Nga chấm dứt hoạt động quân sự gần Zaporizhzhia “và trả lại quyền kiểm soát nhà máy cho Ukraine”.
Bình luận