Trên thực tế, Mỹ nhân kế nhận được rất nhiều sự phản hồi của độc giả với những phản ứng trái chiều. Vì thế, để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục đăng tải bài viết của tác giả Hương Ngân, coi như một ý kiến tham khảo.
Phim nào của Dũng Khùng cũng bị chê
Người ta đã thở dài tiếc cho Dũng Khùng “vấp ổ gà” vì Mỹ nhân kế, một đạo diễn tên tuổi, ăn khách đến thế, loay hoay mấy năm trời, kết quả làm ra bộ phim bị ví với người đẹp mà vô duyên.
Đáp lại vô số lời chê bai, Dũng Khùng cứ… im thin thít, không thấy đứng ra bênh vực Mỹ nhân kế của mình, chẳng hiểu vì sốc quá, buồn quá hay vì lí do gì khác?
Nhưng những người theo dõi phim Dũng Khùng thì không lấy làm lạ. Phim ai chứ phim Dũng Khùng thì bị đánh là đương nhiên, có gì phải thắc mắc đâu.
Các người đẹp trong phim Mỹ nhân kế. |
Nụ hôn thần chết là một cái “lẩu thập cẩm” pha đủ các thể loại hành động, hài, tình cảm, kinh dị… Giải cứu thần chết bị tố là hàng nhái. Những nụ hôn rực rỡ gây nên cơn sốt phẫn nộ trong báo giới đến mức có nhà báo còn nhắn tin “nếu tự trọng thì đừng viết bài PR cho phim này”.
Sở dĩ như vậy vì trong phim có chi tiết nhà báo đòi phong bì và trớ trêu là một loạt nhà báo “xịn” lại vô tình đóng vai quần chúng trong chính đoạn “bôi bác” báo giới này…
Quái lạ là sau 4 bộ phim bị chê tơi tả, Dũng Khùng “bỗng dưng” được xếp vào nhóm đạo diễn “bộ tứ quyền lực” của phim Việt. Cứ đà này, với bộ phim thứ 5 bị chê ác liệt hơn hẳn phim trước, biết đâu Dũng Khùng lại càng ăn khách hơn?
Tại sao “Khùng” mà vẫn ăn khách?
Ngẫm nghĩ thì sự lạ này có thể hiểu được từ một chữ “Khùng”. Khùng là “thương hiệu” của Nguyễn Quang Dũng. Ngay từ Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Dũng đã tuyên bố “Phim tôi vô lý đến phát cười”, sang đến Nụ hôn thần chết thì “Nhân vật của tôi vô lý đến phát yêu”…
Tất cả các phim của Dũng Khùng, không ai có thể định nghĩa chính xác về thể loại, ngay cả đạo diễn cũng cười hì hì gọi phim mình là “thập cẩm”, nhân vật thì vừa đáng yêu, vừa đáng ghét, câu chuyện lại rất hoang đường không thể xảy ra ngoài đời thật (kiểu như một anh Thần chết đi nhung nhăng trên phố để rút hồn, hay cái Đường Sơn Quan bỗng dưng mọc ra giữa thâm sơn cùng cốc với các kỹ nữ kiêm nữ tặc đẹp mê hồn…), còn các chi tiết trong phim cứ nửa lạ, nửa quen.
Chỉ tội cho các nhà phê bình lần nào cũng phải miệt mài nhặt sạn trong phim Dũng Khùng, vất vả như cô Tấm nhặt thóc.
Khùng thì đã rõ, nhưng tại sao “khùng” mà vẫn ăn khách? Đã có người đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời. Xem phim khác với ngồi mài đũng quần ở học đường hay bôn ba làm ăn… ở chỗ ta có quyền được thư giãn, lạc vào một thế giới khác hẳn với những gì vẫn làm ta chán ngắt, nhức đầu trong cuộc sống hàng ngày, quậy tới bến mà không sợ bị mắng, thỏa sức chiêm ngưỡng cái đẹp, cười đấy rồi lại rơi nước mắt vì thương yêu…
Phim của Dũng Khùng cho người xem cái đặc quyền ấy, sự thích thú khi được “nhảm”, được “khùng”, được “vô lý đến phát yêu”! Logic của phim ảnh cũng giống như logic của giấc mơ, không cần thiết phải mạch lạc, miễn là nó đem lại cảm xúc và ấn tượng mạnh mẽ.
Thật buồn cho những ai vào rạp xem Mỹ nhân kế, ngắm xiêm áo các mỹ nhân trong Đường sơn quán mà không chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của nó, lại cứ đi soi, thế nó là váy của thời nào, có giống hệt như thật không, tại sao nó khô chứ không ướt?...
Hương Ngân
Bình luận