Cho đến nay, uy lực quân sự của Mỹ được cho là chủ yếu dựa trên các loại công nghệ và vũ khí, kết nối với nhau qua mạng lưới vệ tinh. Thế nhưng, đây chính là “gót chân Acchiles” mà các đối thủ của Mỹ, cụ thể là Trung Quốc và Nga, có thể đánh vào.
Trong bài viết “Giới phân tích hối thúc Mỹ chuẩn bị cho chiến tranh không gian với Nga, Trung Quốc” mới đây trên nhật báo Mỹ Washington Post, nhà báo Dan Lamothe - cây bút chuyên về các vấn đề quân sự và quốc phòng đã nêu bật nguy cơ xảy ra chiến tranh không gian giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bài báo mở đầu bằng một kịch bản thảm họa đối với Hải quân Mỹ trên Biển Đông: Một máy bay chiến đấu Trung Quốc vô tình đâm vào một máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ khi đang tuần tra trên Biển Đông, làm phi hành đoàn của cả hai bên thiệt mạng.
Một vụ thử tên lửa của Trung Quốc |
Lo sợ sự trả đũa của Mỹ, Trung Quốc đã dùng biện pháp khá bất ngờ: Sử dụng tên lửa đất đối không để liên tiếp bắn hạ nhiều vệ tinh của Mỹ trên không trung.
Hậu quả tức thời: Hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương bị buộc phải tự mình di chuyển mà không còn được hệ thống định vị GPS trợ giúp, trong lúc thông tin liên lạc bị xuống cấp nghiêm trọng, gây nên tình thế hỗn loạn và bất ổn. Các cuộc tấn công của Trung Quốc cũng đã triệt hạ một số khả năng điều khiển kho vũ khí dẫn đường chính xác của Lầu Năm Góc.
Đây chỉ là giả thuyết và chưa hề xảy ra tình huống nào như vậy. Tuy nhiên, kịch bản này cho thấy rõ sự lệ thuộc của Lầu Năm Góc vào không gian và vào công nghệ quân sự gắn với không gian.
Trong nhiều thập niên qua, số lượng vệ tinh được phóng lên khí quyển của trái đất đã tăng vọt, cung cấp cho Mỹ một lợi thế rất lớn về mặt quân sự, bất kể các đối thủ của Mỹ cũng nắm trong tay những kho vũ khí thông thường rất ghê gớm.
Tuy nhiên, sức mạnh không gian của Mỹ vẫn có những lỗ hổng và những lỗ hổng này đã được chuyên gia nghiên cứu cao cấp Elbridge Colby của Trung tâm An ninh mới của Mỹ cảnh báo trong một bản báo cáo mới đây.
Theo bản báo cáo này, các đối thủ tiềm tàng của Mỹ như Trung Quốc và Nga đã nhận thấy rõ “mức độ lệ thuộc nặng nề của Mỹ vào “kiến trúc không gian” - tức là các hệ thống vệ tinh quân sự - và đã bắt đầu tìm cách chống phá, đe dọa Washington.
“Thật vậy, nhiều nhà quan sát đã ghi nhận, các đối thủ tiềm tàng của Mỹ đã nhận thấy các “kiến trúc không gian” chính là “gót chân Acchiles” trong sức mạnh quân sự của Mỹ, cũng như sự phụ thuộc nặng nề của Mỹ vào các hệ thống vệ tinh quân sự” - Washington Post trích dẫn bản báo cáo.
Theo ông Colby, các mối đe dọa nhắm vào các vệ tinh không chỉ đến từ các tên lửa, mà còn đến từ không gian mạng với các cuộc tấn công tin học và điện tử có tác dụng vô hiệu hóa các vệ tinh.
Báo cáo ghi rõ: “Không gian đang trở thành một địa bàn giống như bất kỳ một địa bàn nào khác - không trung, đất liền, biển khơi và điện từ - nơi mà Mỹ sẽ phải nỗ lực chống lại các mưu toan truy cập và khai thác, chứ không chỉ là bảo đảm quyền sử dụng và tự do qua lại an toàn”.
Thực tế, mối đe dọa này đã được các chuyên gia quốc phòng cảnh báo từ nhiều năm trước, với những hoài nghi về bản chất của chương trình phát triển vũ khí không gian mà Trung Quốc đang tiến hành.
Bắc Kinh từng tiến hành thử nghiệm phóng tên lửa phá hủy một trong những vệ tinh của nước này vào tháng 1-2007. Tuy nhiên, giờ đây những vũ khí không gian của nước này không chỉ có tên lửa mà còn có những vũ khí năng lượng định hướng và gây nhiễu vệ tinh.
Báo cáo thường niên năm 2015 của Lầu Năm Góc đã đặc biệt đề cập đến “Những phát triển an ninh và quân sự của Chính phủ Trung Quốc” và quan ngại rằng: Sự phát triển vũ khí của Trung Quốc đang tập trung vào việc vô hiệu hóa hoặc hủy diệt các vệ tinh - từ vệ tinh định vị toàn cầu (GPS) và thông tin liên lạc cho đến các hệ thống cảnh báo sớm - và điều này “không phù hợp với các tuyên bố công khai của Trung Quốc về việc sử dụng vũ trụ vì các mục đích hòa bình”.
Thật vậy, các báo cáo hàn lâm quân sự của Trung Quốc thường công bố trấn an đại loại như “không có bất kỳ chương trình chống vệ tinh bổ sung đã được thừa nhận công khai”. Tuy vậy, trong các tài liệu quân sự thì “nhấn mạnh về sự cần thiết phải hủy hoại, phá hỏng và can thiệp vào các vệ tinh thông tin và trinh sát của đối phương”, nhằm “tước đi sự chủ động của đối phương trên chiến trường và gây khó khăn cho đối phương, không cho họ phát huy đầy đủ sức mạnh của vũ khí dẫn đường chính xác”.
Bên cạnh đó, chương trình phát triển vũ khí không gian của Trung Quốc dường như nhắm vào chính Mỹ.
Chính quyền Trung Quốc xếp các vũ khí chống vệ tinh vào loại ít được tiết lộ, cùng với vũ khí “Quả chùy sát thủ” và “Át chủ bài”. Một báo cáo từ Trung tâm Tình báo Mặt đất Quốc gia Mỹ (NGIC), công bố chính thức năm 2011, khẳng định vũ khí “Át chủ bài” và “Quả chùy sát thủ” loại mới cho phép những lực lượng công nghệ thấp của Trung Quốc chiếm ưu thế so với lực lượng công nghệ cao của Mỹ trong một cuộc xung đột cục bộ…”.
Tuy nhiên, theo tác giả bài báo, Lầu Năm Góc đã bắt đầu chuẩn bị đối phó.
Vào năm ngoái chẳng hạn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã chỉ đạo cho quân đội Mỹ là phải xem xét việc giảm sự lệ thuộc vào các vệ tinh GPS và thậm chí đã từng đả động đến khả năng Bộ Quốc phòng có thể sẽ không còn đặt mua vệ tinh GPS trong vòng 20 năm nữa.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc từng nói: “Đây là một suy nghĩ đồng thời là một đề xuất cho quý vị: Tôi ghét GPS... Ý tưởng theo đó chúng ta đều phải bám víu vào một cái vệ tinh - mà trước đây tôi miễn cưỡng đặt mua - quay trong một quỹ đạo bán đồng bộ, nhưng lại không vận hành được trong những hoàn cảnh nhất định, trong nhà hoặc trong các thung lũng ở Afghanistan. Ý tưởng đó thật là lố bịch”.
Theo ông Colby, dù có làm gì đi nữa thì Mỹ không bao giờ có lại ưu thế tuyệt đối trong không gian. Vì vậy, Mỹ cần phải xem xét vấn đề là phải làm gì khi một vệ tinh của mình bị tấn công.
Theo nhà nghiên cứu này, trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ từng đe dọa là sẽ đáp trả bất kỳ một cuộc tấn công nào trong không gian bằng một đòn hủy diệt. Do vậy, ông Colby cho rằng, Mỹ nên áp dụng một quy định mới, theo đó các cuộc tấn công trong không gian có thể dẫn đến những biện pháp trả đũa ngoài không gian, chẳng hạn như các cuộc không kích vào các mục tiêu mặt đất.
Trong một cuộc phỏng vấn điện thoại, ông Colby nhận xét, không gian là một ví dụ hoàn hảo về các thách thức nhắm vào ưu thế quân sự của Mỹ. Không có lý do để nghĩ rằng Trung Quốc và Nga sẽ tự kiềm chế trong không gian và điều đó đã khiến ông nêu lên các câu hỏi về việc Lầu Năm Góc làm thế nào để tránh chiến tranh trong không gian trong tương lai...
Theo ông Colby, ngay cả khi Trung Quốc hay Nga không bắn hạ vệ tinh Mỹ, họ cũng sẽ tìm cách gây nhiễu và ngăn chặn việc sử dụng chúng: “Không gian sẽ là một địa bàn dễ bị tổn thương, vì vậy chúng ta sẽ phải nghĩ ra cách để giảm thiểu nguy cơ và giảm thiểu những mối đe dọa đó”.
Nguồn: Petro Times
Bình luận