Nằm trong những biện pháp trừng phạt đối với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA), việc Mỹ nghiên cứu và thực hiện việc ngừng nhập khẩu dầu thô từ Venezuela cho thấy Mỹ đang làm mọi cách gây áp lực lên chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro khi mà ông này đang ngày càng tỏ ra bất lực trước việc giải quyết các vấn đề của quốc gia.
Từng nằm trong top các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, nhưng chỉ trong ba năm trở lại đây, Venezuela đang phải đi nhập khẩu dầu mỏ, bởi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới nền công nghiệp dầu mỏ của quốc gia này và cả thế giới.
Chính quyền của ông Maduro tuy đã cố gắng "tiếp bước" những di sản mà cố Tổng thổng Hugo Chavez để lại, nhưng xem ra, họ không đủ "cứng" để đối mặt và trị những đảng phái đối lập.
Video: Quá đói, người dân Venezuela đi chặn xe tải cướp gà
Kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát ở Venezuela, sản lượng xuất khẩu dầu thô đã giảm đi đáng kể. Phải nhớ rằng, xuất khẩu dầu mỏ là nguồn thu chính của quốc gia này, từ năm 2001 đến cuối năm 2015, nền công nghiệp dầu mỏ đã đóng góp hơn 250.000 triệu USD vào nhiều chương trình xã hội khác nhau, trong đó nhiều nhất là nhập khẩu lương thực và giáo dục, y tế.
Theo thông tin từ OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới), hiện nay Venezuela chỉ có thể sản xuất được 2,3 triệu thùng dầu thô hàng ngày, so với 3,2 triệu thùng vào năm 2000; giảm 400.000 thùng so với năm trước và hơn 1 triệu thùng so với năm 2000, mặc dù quốc gia này có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ hai thế giới (296.501 triệu thùng), chỉ sau tiểu Vương quốc các nước Ả Rập.
Trong rất nhiều năm cho đến gần đây, Mỹ là quốc gia nhập khẩu dầu nhiều nhất từ quốc gia Trung Mỹ này, nhưng từ đầu năm 2016, Mỹ đã phải bán hơn 50.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Vậy, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất trong 13 năm qua ở quốc gia này là do đâu?
Theo các chuyên gia kinh tế và dầu mỏ, có ba nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng này. Thứ nhất là sự đầu tư chưa đầy đủ của chính phủ; thứ hai là tình trạng tham nhũng đã ăn sâu, trình độ quản lý kém cỏi; thứ ba là nạn lạm phát tăng nhanh chóng mặt, hơn 500%.
Và cuối cùng là Venezuela đang rất thiếu ngoại tệ, điều này xảy ra bởi dầu thô ở đây quá nặng, rất khó để chế biến; do đó quốc gia này phải nhập một loại dầu thô khác từ Mỹ, Nigeria với giá cao, trong khi sản lượng xuất khẩu lại cực kỳ thấp.
PVDSA trong năm nay sẽ phải trả nhiều khoản nợ khổng lồ lên tới hàng tỷ USD mà có nhiều ý kiến cho rằng, việc trả nợ là hoàn toàn không thể hoặc phải mất nhiều năm.
Với khoản nợ khổng lồ này, PVDSA cho dù có xuất khẩu hơn nữa cũng không thể trả nợ. Và hiện tại, Mỹ đang thực hiện nhiều biện pháp trừng phạt với từng cá nhân trong chính quyền của ông Maduro như đóng tài khoản nhà băng, ra lệnh cấm nhập cảnh đối với các cá nhân này vào Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Như vậy, chính quyền của ông Maduro đã rơi vào thế bị động, đối mặt với sự phản đối của đại đa số người dân và nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Việc Mỹ ngừng nhập khẩu dầu thô từ Venezuela có thể gây tác động lớn tới giá dầu trên thị trường thế giới và biện pháp trừng phạt này được cho là hạ sách, nếu những biện pháp khác không làm ông Maduro phải tự rút lui khỏi chính trường.
Tuy nhiên, theo Jorge Pinon, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng khu vực châu Mỹ latinh và Caribe - Trường đại học Texas, đây không phải là "vũ khí" cuối cùng của chính quyền ông Trump, mà trong thời điểm hiện tại trước khi ngừng nhập khẩu, Mỹ chỉ cần ngừng xuất khẩu các sản phẩm khác từ dầu cho Venezuela thì chắc chắn quốc gia này sẽ ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, và có thể ngay lập tức, Tổng thống Nicolas Maduro sẽ phải từ chức.
Bình luận