• Zalo

Mỹ muốn 'bịt' chặt dòng chảy công nghệ chip vào Trung Quốc

Tư liệuThứ Năm, 07/03/2024 11:14:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Mỹ đang thúc giục các đồng minh bao gồm Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn.

Theo Bloomberg, nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm mục đích lấp lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà họ đã áp dụng trong hai năm qua và hạn chế sự tiến bộ của Trung Quốc trong việc phát triển năng lực chip nội địa.

Chẳng hạn như, Mỹ đang thúc giục Hà Lan ngăn ASML Holding NV bảo trì và sửa chữa các thiết bị sản xuất chip nhạy cảm mà đối tác Trung Quốc đã mua từ trước khi các hạn chế về việc bán các thiết bị đó được áp dụng.

Mỹ cũng muốn các công ty Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các hóa chất chuyên dụng quan trọng cho sản xuất chip, bao gồm cả chất cản quang (photoresist). Nhật Bản là quê hương của nhiều công ty dẫn đầu về chất cản quang, bao gồm JSR Corporation và Shin-Etsu Chemical.

Tokyo và The Hague không tán thành nỗ lực mới nhất của Washington, lập luận rằng họ muốn đánh giá tác động của các biện pháp hạn chế hiện tại trước khi xem xét các biện pháp chặt chẽ hơn. Theo một nguồn tin, các quan chức Bộ Thương mại Mỹ đã nêu vấn đề này tại Tokyo trong cuộc họp về kiểm soát xuất khẩu vào tháng trước.

Đại diện ASML, Bộ thương mại Hà Lan và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản từ chối bình luận. Tại Washington, Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Thương mại Mỹ cũng từ chối bình luận.

Trụ sở và nhà máy ASML Holding NV tại Veldhoven, Hà Lan. (Ảnh: Bloomberg)

Trụ sở và nhà máy ASML Holding NV tại Veldhoven, Hà Lan. (Ảnh: Bloomberg)

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhắm vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc kể từ năm 2022, áp đặt các biện pháp kiểm soát sâu rộng đối với việc xuất khẩu máy sản xuất chip tiên tiến và chip phức tạp như loại dùng để phát triển trí tuệ nhân tạo.

Nhật Bản và Hà Lan, hai quốc gia hàng đầu trong việc phát triển thiết bị sản xuất chip, đã tham gia nỗ lực của Mỹ vào năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn còn những lỗ hổng, đặc biệt là việc các kỹ sư Nhật Bản và Hà Lan tiếp tục bảo trì, sửa chữa một số linh kiện và cung cấp dòng phụ tùng thay thế được sử dụng trong thiết bị sản xuất chất bán dẫn.

Nguồn tin giấu tên cho biết, ASML cần giấy phép để bảo dưỡng và sửa chữa các thiết bị bị hạn chế ở Trung Quốc, nhưng Hà Lan có phần lỏng lẻo trong việc phê duyệt. Mỹ muốn Hà Lan có cách tiếp cận nghiêm ngặt hơn.

Mỹ cũng muốn lôi kéo thêm nhiều quốc gia vào ủng hộ nỗ lực kiểm soát xuất khẩu của mình. Nhà Trắng được cho là đang cố gắng đưa Đức và Hàn Quốc vào một thỏa thuận bao gồm cả Nhật Bản và Hà Lan, vì cả 4 quốc gia này đều có trụ sở của các công ty chủ chốt trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Đức sở hữu một trong những công ty quan trọng là Carl Zeiss AG, nhà sản xuất kính chuyên dụng cung cấp cho ASML các thành phần quang học cần thiết cho việc sản xuất chip tiên tiến. Mỹ muốn Đức yêu cầu Zeiss rút lại việc vận chuyển những linh kiện như vậy sang Trung Quốc.

Hà Lan cũng hy vọng Đức sẽ tham gia nhóm kiểm soát xuất khẩu và Chính quyền Tổng thống Biden đang thúc đẩy một thỏa thuận trước hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6.

Berlin năm ngoái đã cân nhắc việc có nên hạn chế xuất khẩu chất sản xuất chip sang Trung Quốc hay không, nhưng Thủ tướng Olaf Scholz, người dự kiến ​​đến thăm Trung Quốc vào tháng 4, vẫn chưa đưa ra lập trường về vấn đề này. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck sẽ đến thăm Mỹ trong tuần này và sẽ có cuộc gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo.

Ngoài ra, Mỹ cũng đã tiến hành đàm phán với Hàn Quốc về vấn đề kiểm soát xuất khẩu chip, do nước này đóng vai trò dẫn đầu trong sản xuất chip và cung cấp linh kiện cho thiết bị sản xuất chip.

Theo Bloomberg, các quan chức Mỹ đã "bị sốc" vào tháng 8 năm ngoái khi tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc trình làng mẫu điện thoại thông minh chạy bằng chip tự chế, đi trước hơn một thế hệ so với thời điểm Mỹ tìm cách ngăn chặn sự phát triển của đất nước tỷ dân này.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuyên bố sẽ thực hiện hành động “mạnh nhất có thể” sau bước đột phá của Huawei, trong khi các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa kêu gọi ngăn chặn hoàn toàn Huawei và đối tác sản xuất chip của họ là Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải (SMI) tiếp cận công nghệ Mỹ.

Hoa Vũ(Nguồn: Bloomberg)
Bình luận
vtcnews.vn