Chỉ vài phút sau tuyên bố thẳng thừng của Tổng thống Mỹ "nói chuyện không phải là câu trả lời" với Triều Tiên, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis đã đưa ra ý kiến mâu thuẫn khi cho rằng: “Chúng ta chưa bao giờ hết các giải pháp ngoại giao”.
Những phát ngôn mâu thuẫn không phải là chuyện hiếm giữa Tổng thống Mỹ và các quan chức. Dù vậy, vẫn chưa rõ thế giới, đặc biệt là Bình Nhưỡng, nhìn nhận như thế nào về thông điệp này.
Theo The Guardian, tuyên bố của ông Trump được đăng trên Twitter, thể hiện phần nào sự mệt mỏi khi lời đe dọa “lửa và cơn giận” chống lại Triều Tiên đầu tháng 8 đã không thể khiến Bình Nhưỡng ngừng thử nghiệm tên lửa. Sau khi kế hoạch tấn công đảo Guam của Triều Tiên được hoãn lại, ông Trump từng nói rằng lãnh đạo Kim Jong-un “cuối cùng thì cũng tôn trọng chúng ta”.
Theo ông, “Mỹ đã nói chuyện với Triều Tiên, trả khoản tiền viện trợ trong 25 năm liền. Nói chuyện không phải là câu trả lời!”
Dù vậy, các chuyên gia Triều Tiên đã chỉ ra rằng Mỹ đã không viện trợ gì cho Triều Tiên từ năm 2008 và cũng không có cuộc nói chuyện thực sự nào từ đầu năm 2012.
Trong khi đó, ông Kim Jong-un, lãnh đạo Triều Tiên đã tuyên bố rõ ràng trong ngày 30/8 rằng sẽ có thêm nhiều thử nghiệm tên lửa đạn đạo sau thử nghiệm phóng tên lửa tầm trung ngày 29/8. Đây là tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Ông cho rằng đây là một “bước dạo đầu ý nghĩa” trước kế hoạch phóng những tên lửa tương tự đến đảo Guam của Mỹ.
Video: Triều Tiên tung video phóng tên lửa qua Nhật Bản
Sự kiện phóng tên lửa ngày 29/8 của Triều Tiên đã bị Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc chỉ trích. Trong ngày 30/8, các quan chức quân sự cấp cao đến từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có phiên họp tại Hội nghị giải trừ quân bị ở Geneva về những tiến bộ kĩ thuật của Triều Tiên.
Ông Robert Wood, đại diện từ Mỹ cho rằng: “Thời gian tranh cãi đã qua rồi; mối nguy hiểm đó đang hiện hữu; và giờ là lúc cần hành động phối hợp.”
Bình luận