• Zalo

Mỹ Linh bị 'đánh' hội đồng: Vì sao hạ nhục người nổi tiếng luôn là khao khát của đám đông?

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 18/10/2018 17:47:00 +07:00Google News

"Việc lớn tiếng, hạ nhục một người nổi tiếng luôn là một khao khát của đám đông. Khi hạ nhục một người nổi tiếng thì người ta có cảm giác mình oai hơn, có nhiều quyền lực hơn…”

Đây là chia sẻ của nhà báo Phạm Trung Tuyến- PGĐ Kênh VOV giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam xung quanh câu chuyện vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh bị “ném đá” trong những ngày qua.

my_linh11

 Vợ chồng ca sĩ  Mỹ  Linh - Anh Quân bị "ném đá" suốt những ngày qua

- Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều người “lên đồng” chỉ trích, thậm chí miệt thị và xúc phạm vợ chồng nữ ca sĩ Mỹ Linh – Anh Quân khi họ lên tiếng ủng hộ TP.HCM xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đồng. Cảm xúc của ông là gì khi đọc được những lời mạt sát, thóa mạ nhau trên mạng xã hội?

Nếu chị hỏi cảm xúc thì tôi không có cảm xúc gì về việc này. Mỹ Linh, hay bất cứ ai cũng có quyền nêu ra quan điểm của riêng mình tới các vấn đề xã hội, điều đó không vi phạm pháp luật.

Nhiều người có cách nhìn nhận tiêu cực về quan điểm của cô ấy thì đó cũng là quan điểm riêng của người ta.

 
Khi hạ nhục một người nổi tiếng thì người ta có cảm giác mình oai hơn, có nhiều quyền lực hơn… đó là một sự cám dỗ thực sự.

Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Mỹ Linh là một người nổi tiếng, và việc lớn tiếng, hạ nhục một người nổi tiếng luôn là một khao khát của đám đông. Khi hạ nhục một người nổi tiếng thì người ta có cảm giác mình oai hơn, có nhiều quyền lực hơn… Đó là một sự cám dỗ thực sự.

Với công cụ miễn phí là mạng xã hội để hạ nhục người khác khi có cơ hội, người ta rất khó kìm chế bản thân mình. Trong câu chuyện cụ thể xung quanh Mỹ Linh những ngày qua, tôi thấy có nhiều người sử dụng ngôn ngữ thiếu chuẩn mực. Đó là câu chuyện văn hóa. Dưới góc nhìn của tôi thì xu hướng buông tuồng về văn hóa trên không gian mạng là một chủ đề thú vị để nghiên cứu. Vậy thôi, cảm xúc thì không.

- Ông vừa nói đang có xu hướng buông tuồng về văn hóa ứng xử trên không gian mạng, vậy theo ông nguyên nhân vì sao có tình trạng này?

Tôi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân của sự buông tuồng về văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Thứ nhất, việc không đối mặt trực tiếp khiến người ta thoải mái bộc lộ các bản năng, ẩn ức của cá nhân mà không sợ bị trả giá lập tức. Mối quan hệ giữa người và người trên không gian mạng đang ở tình trạng vô thiên vô pháp, hầu như không có chế tài nào về việc mạt sát người khác.

Nạn nhân của các vụ mạt sát này cũng chưa có thói quen lập vi bằng để yêu cầu sự bảo vệ của cơ quan pháp luật. Khi người ta có một công cụ để thoải mái thực hành các ẩn ức đen tối của mình mà không sợ trả giá, họ sẽ vui vẻ bộc lộ nó.

pham_trung_tuyen_1

 Nhà báo Phạm Trung Tuyến- Phó Giám đốc Kênh VOV giao thông

- Sau khi Mỹ Linh bị “ném đá”, chồng cô là nhạc sĩ Anh Quân tiếp tục có bài viết tỏ ý bênh vực vợ khiến cơn cuồng nộ của dư luận càng trở nên gay gắt. Theo ông vợ chồng Mỹ Linh, cộng đồng mạng có lỗi gì trong câu chuyện này?

Thú thực là tôi không quan tâm tới lỗi của người khác. Tất cả chúng ta đều là người lớn, đều có đủ năng lực để đưa ra quyết định, lựa chọn phương thức ứng xử xứng đáng với phẩm giá của mình, và sẵn sàng trả giá cho lựa chọn đó.

Tôi có cảm giác, ngày càng nhiều "anh hùng" trên không gian mạng, khi lúc nào họ cũng thường trực trong tay "gạch, đá" để ném vào đối phương mà đôi khi chẳng hề biết họ là ai… Phải chăng con người ngày càng hung hãn?

Tôi không nghĩ là con người ngày càng hung hãn hơn. Bởi bản chất con người vốn hung hãn, chúng ta là động vật ăn thịt mà. Chúng ta trở nên lịch thiệp hơn, văn minh hơn, thậm chí “quý tộc” hơn là nhờ có các ràng buộc về đạo đức, văn hóa, tín ngưỡng, và nỗi sợ nữa. Khi những ràng buộc đó lỏng lẻo thì chúng ta hiện nguyên hình là những động vật ăn thịt hung hãn. Không gian mạng tự do khiến chúng ta có cảm giác những thứ ràng buộc làm người của chúng ta trở nên lỏng lẻo.

Vậy theo ông điều thiếu nhất trong việc ứng xử trên không gian mạng hiện nay là gì và cần làm gì để chúng ta ứng xử với nhau “tình nghĩa” hơn trong thế giới ảo?

Tôi nghĩ rằng để tử tế với nhau hơn trên mạng xã hội thì việc xây dựng các cơ chế luật pháp nhằm đảm bảo khả năng chịu trách nhiệm của người dùng mạng xã hội là cần thiết. Và các cơ chế đó phải phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Vậy thôi.

Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Infonet)
Bình luận
vtcnews.vn