Theo báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc), quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ trong một cuộc họp gần đây với đối tác Hàn Quốc, nói rằng công ty viễn thông địa phương LG Uplus Corp - sử dụng thiết bị của Huawei - không nên được phép phục vụ ở các "khu vực nhạy cảm" ở Hàn Quốc. Các quan chức nói thêm rằng Huawei cần được đưa ra khỏi Hàn Quốc dần dần, nếu không phải ngay lập tức.
Cổ phiếu LG Uplus giảm 6% trong phiên giao dịch sáng 23/5. "LG Uplus không nhận được bất kỳ tuyên bố hay yêu cầu nào từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hay Mỹ về việc sử dụng thiết bị Huawei của chúng tôi", đại diện công ty trả lời Reuters cùng ngày.
Washington thúc ép các đồng minh không sử dụng thiết bị do Huawei sản xuất vì lo ngại nó có thể được dùng cho hoạt động gián điệp hoặc tấn công mạng, một mối lo ngại mà Huawei cho là không có cơ sở.
"Chiến dịch chống Huawei" tăng cường vào tuần trước, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký pháp lệnh hành pháp cấm sử dụng thiết bị Huawei trong các mạng viễn thông của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia. Ngoài ra, Bộ Thương mại đặt công ty này trong "danh sách đen", giới hạn việc mua các công nghệ chủ chốt của công ty Mỹ.
Trong khi Hàn Quốc là đồng minh của Mỹ, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này, theo Channel News Asia. Trung Quốc chiếm gần một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong bốn tháng đầu năm 2019, theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc.
Chính phủ Mỹ liên tục gửi thông điệp tới Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông qua các kênh ngoại giao khác nhau, khuyến cáo việc sử dụng các sản phẩm của Huawei có thể gây ra vấn đề an ninh, Chosun Ilbo đưa tin, trích dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên ở Seoul.
"Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh đối với thiết bị 5G và chúng tôi nhận thức được vị thế của Mỹ", Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố, nói thêm rằng Seoul và Washington tiếp tục thảo luận về vấn đề này, nhưng không tiết lộ chi tiết.
Đại sứ quán Mỹ tại Seoul chưa bình luận gì về thông tin trên.
Trong diễn biến mới nhất, hãng thiết kế con chip ARM thuộc sở hữu tập đoàn SoftBank và một công ty khác của Nhật Bản là Panasonic đồng loạt tuyên bố dừng cung cấp cho Huawei hôm 23/5. Trước đó, tiết lộ với Nikkei Asian Review, hai nguồn tin giấu tên cho biết Infineon Technologies của Đức đã ngừng giao dịch các lô hàng dự kiến cung cấp cho Huawei.
"Phát súng đầu tiên" nhằm vào Huawei đến từ đại gia công nghệ Google ngày 20/5. Công ty cắt nguồn cung cấp dịch vụ phần cứng và phần mềm cho các sản phẩm mới của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, tuy nhiên tuyên bố duy trì các dịch vụ cho thiết bị hiện có.
Sau Google, các nhà sản xuất chip bao gồm Intel Corp, Qualcomm Inc., Xilinx Inc. và Broadcom Inc. chỉ thị nhân viên không cung cấp sản phẩm cho Huawei đến khi nhận được thông báo.
Ngày 22/5, The Verge phát hiện một danh sách các sản phẩm máy tính và phụ kiện liên quan đến MateBook X Pro của Huawei đã "biến mất một cách bí ẩn" trên cửa hàng trực tuyến của Microsoft.
Bình luận