(VTC News) - Liệu nước Mỹ có tránh sa vào vết xe đổ của cuộc chiến kéo dài suốt 10 năm (2001-1011) mà khó khăn lắm Mỹ mới thoát ra khỏi.
Ngày 10/9/2014 mới đây, Tổng thống Mỹ Barck Obama đã chính thức công bố chiến lược toàn diện chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), một tổ chức Thánh chiến được xem là còn mạnh hơn, tàn bạo hơn al-Qaeda.
Tổng thống George W. Bush được thông báo về vụ tấn công khi đang thăm một trường học ở Sarasota, Florida |
Nhận thức được sự cần thiết của cuộc chiến lần này, người ta không thể không đặt câu hỏi, liệu nước Mỹ có tránh sa vào vết xe đổ của cuộc chiến kéo dài suốt 10 năm (2001-1011) mà khó khăn lắm Mỹ mới thoát ra khỏi cách đây không lâu?
Một cớ để Mỹ thúc đẩy chiến lược toàn cầu
Ngay sau khi trúng cử Tổng thống, ông Bush cùng lực lượng thân tín trong đảng Cộng hoà đã nhanh chóng vạch ra chiến lược toàn cầu mới để áp đặt trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo.
Sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã tạo cho Mỹ "cơ hội lịch sử". Tổng thống Bush lập tức tuyên bố tình trạng chiến tranh trên toàn cầu, chuyển việc chống khủng bố thành chống các quốc gia “đang tìm cách có vũ khí huỷ diệt hàng loạt nhằm vào Mỹ”, nhanh chóng đưa ra thuyết “Đánh đòn phủ đầu” và áp đặt các nước “hoặc là đi với Mỹ hoặc là chống Mỹ”. Bin Laden đã trở thành “vật tế thần” rất đúng lúc cho Mỹ.
Điều mà Mỹ thực sự quan tâm là duy trì cuộc chiến dài hạn tại Trung Á, Nam Á và vùng vịnh Persic, mà mục tiêu là kiểm soát nguồn tài nguyên dầu khí ở vùng Vịnh và biển Caspi, thiết lập các căn cứ quân sự để “nêm” vào sườn các đối thủ tiềm tàng Nga, Trung Quốc và Iran.
Tổng thống George W. Bush nói chuyện với các nhân viên cứu hộ tại hiện trường vụ khủng bố ngày 14/9/2001 |
Chính vì vậy, kẻ chủ mưu tấn công khủng bố nước Mỹ là Bin Laden - người Arab Saudi, nhưng những kẻ phải bị tiêu diệt lại là Mullah Omar ở Afghanistan và Saddam Hussein ở Iraq.
Cuộc chiến “chống khủng bố” không đơn thuần là cuộc chiến chống lại một lực lượng hiếu chiến, phản văn minh của loài người, mà là cuộc chiến nhằm thiết lập trật tự thế giới mới do Mỹ chủ đạo.
Hao người tốn của
Theo hãng Reuter, số binh sỹ Mỹ bị thiệt mạng tại các chiến trường Iraq và Afghanistan là 6.051 người, số nhà thầu khoán Mỹ bị chết là 2.300 người, hàng chục nghìn binh sỹ Mỹ khác bị thương.
Cuộc chiến ở Iraq khiến Mỹ hao tiền tốn của |
Cuộc chiến “chống khủng bố” kéo dài 10 năm của Chính quyền Bush cũng đã trở thành cuộc chiến hao tiền, tốn của nhất trong lịch sử nước Mỹ, được xem là một “hố đen” hút những khoản ngân sách khổng lồ của nước Mỹ.
Theo Ủy ban Kinh tế hỗn hợp của Quốc hội Mỹ, tổng chi phí chiến tranh của Mỹ ở Iraq và Afghanistan lên đến 4,5 nghìn tỷ USD.
Trong giai đoạn này, mức thâm hụt về tài khoản vãng lai chiếm 6% GDP. Điều này đã gây sức ép lên đồng USD, thúc đẩy lạm phát.
Đến cuối năm 2011, Mỹ đã phải bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế để thoát khỏi khủng hoảng, dẫn tới hệ lụy là thâm hụt ngân sách đã tăng đến 1.650 tỷ USD, nợ công đạt mức trần 14.300 tỷ USD, tính trung bình mỗi người dân Mỹ mắc nợ tới hơn 30.000 USD.
Lính Mỹ tác chiến tại Iraq |
Những năm sau đó, Chính quyền Obama đã phải nhiều lần đàm phán trần nợ mới để có tiền duy trì sự tồn tại, trong khi nền kinh tế vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
Do ưu tiên cho cuộc chiến chống khủng bố, kinh tế Mỹ phát triển chậm lại và đến giai đoạn cuối nhiệm kỳ hai của ông Bush đã lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính, được cựu Giám đốc FED Greenspan đánh giá là “thảm khốc nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai”, còn các nhà kinh tế Mỹ thừa nhận đây là cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng và tồi tệ nhất kể từ cuộc “Đại suy thoái” năm 1930.
Chi phí dành cho cuộc chiến chống khủng bố lấy từ nguồn vay ngoài ngân sách nhà nước, nên những thế hệ mai sau của Mỹ sẽ phải “gồng mình” trả nợ.
Chia rẽ nội bộ
Kể từ khi Chính quyền Bush tiến hành cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, mâu thuẫn và bất đồng giữa đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ không ngừng gia tăng.
Sau khi Tổng thống Bush đọc Thông điệp Liên bang năm 2008, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Barack Obama (sau là Tổng thống) nói: “Đêm nay, người Mỹ đã nghe một Thông điệp Liên bang không phản ánh một nước Mỹ mà chúng ta đang chứng kiến và không đề cập đến những thách thức mà chúng ta đang đối mặt”.
Ông Obama và ông Bush trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2012 |
Tổn thất nghiêm trọng về sinh mạng và tài chính cũng như những sai lầm, yếu kém và bế tắc trong chính sách hậu chiến tại Iraq đã gây tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội Mỹ.
Trong thời gian dài xảy ra xung đột đẫm máu ở Iraq, đông đảo dân chúng Mỹ liên tục tập trung biểu tình trước Nhà Trắng yêu cầu Mỹ chấm dứt “cuộc xâm lược thực dân” tại Iraq.
Theo một thăm dò dư luận tháng 9/2008, 2/3 người Mỹ bất mãn với ông Bush và 78% nhận định nước Mỹ đã đi chệch hướng.
Tổng thống Bush bị dư luận Mỹ xếp vào danh sách những vị Tổng thống Mỹ có uy tín thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ (cùng với Harry Truman và Richard Nixon).
Từ khi ông Obama lên làm Tổng thống, trong chính quyền và xã hội Mỹ vẫn tiếp tục bị chia rẽ nặng nề. Trong Thông điệp Liên bang năm 2011, ông Obama cảnh báo: “Nước Mỹ không thể tiến lên để đối phó với những thách thức còn lớn hơn cả các vấn đề đảng phái và chính trị, nếu không có sự đoàn kết và chia sẻ trách nhiệm từ chính trong nội bộ Mỹ”. Cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng đến mức làm lu mờ sự phấn khởi về cái chết của Bin Laden.
Nước Mỹ không an toàn hơn trước chủ nghĩa khủng bố
Kể từ năm 2001, Chính quyền của Tổng thống Bush tiến hành hàng loạt biện pháp chống khủng bố, trong đó có việc thành lập Bộ An ninh nội địa (DHS) nhằm bảo đảm an toàn cho nước Mỹ. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tăng đội ngũ chuyên gia phân tích tình báo lên gấp 2 lần, với khoảng 2.000 người.
Các biện pháp an ninh được siết chặt. Tuy nhiên, các nỗ lực của Chính quyền Mỹ vẫn không làm cho nước này an toàn hơn.
Nỗ lực của chính quyền Mỹ vẫn không làm cho nước này an toàn hơn |
Trong suốt 10 năm và cho đến nay, nước Mỹ vẫn thường xuyên phải đối mặt với những nguy cơ khủng bố. Vẫn có đến 2/3 người dân thành phố New York thực sự lo ngại việc sẽ lại xảy ra một vụ tiến công tương tự ở thành phố này; cứ 4 người trên toàn nước Mỹ được hỏi thì có 3 người nói rằng cuộc sống của họ vẫn chưa trở lại bình thường sau sự kiện 11/9/2001.
Tháng 6/2008, DHS cảnh báo, có khoảng 7.000 khu vực tại Mỹ, từ các nhà máy hóa chất đến các trường đại học, bị liệt vào danh sách “các địa điểm có nguy cơ đặc biệt cao bị khủng bố tấn công”. FBI thì cảnh báo “những kẻ khủng bố vẫn đang có mặt ngay trong lòng nước Mỹ”.
Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng đưa ra dự báo về một thế hệ những phần tử Hồi giáo cực đoan trong lãnh thổ Mỹ sẽ gia tăng thêm số lượng trong vòng 5 năm tới.
CIA cũng tiên đoán trước về “một làn sóng những tên khủng bố Hồi giáo trẻ, có cá tính, đang háo hức tiến hành các hành vi tội ác nhằm vào Mỹ”.
Theo CIA, ngân quỹ của các nhóm và thành viên khủng bố hoạt động trên đất Mỹ được hình thành từ ngay chính các dự án mang tính chất từ thiện cũng như các hoạt động kiếm tiền do phạm tội mà có, như rửa tiền, buôn lậu và buôn ma túy, các hành vi lừa lọc và tống tiền…
Các tay súng của nhóm khủng bố Al-Qaeda |
Tháng 7/2011, Ủy ban Ngăn ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và chống khủng bố của Mỹ cảnh báo “nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ một cuộc tấn công khủng bố bằng vũ khí sinh học hoặc vũ khí hạt nhân trong vòng 5 năm tới”.
Chủ tịch Ủy ban, ông Bob Graham nhận định, “ranh giới an toàn của nước Mỹ đang bị thu hẹp lại, những nhóm khủng bố như al-Qaeda đã tái cơ cấu lại để trở thành một tổ chức linh lợi hơn và mang tính toàn cầu hơn”.
Tạp chí US Foreign Policy đã tham vấn 116 chuyên gia danh tiếng nhất thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ về cuộc chiến chống khủng bố (trong đó có các cựu ngoại trưởng, cựu giám đốc CIA, các nhà phân tích chính trị) với kết quả là: 84% trong số những nhân vật này đánh giá nước Mỹ thất bại trong cuộc chiến chống khủng bố; 86% khẳng định thế giới ngày nay nguy hiểm hơn trước; hơn 80% khẳng định sẽ có một cuộc tiến công mới tầm cỡ nhằm vào Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ trong vòng 5 năm tới.
Với sự xuất hiện và phát triển nhanh như nấm độc của lực lượng IS, những lời “tiên đoán” của chính giới Mỹ đã trở thành hiện thực.
Suy yếu
Hơn mười năm qua, thế “đơn cực” của Mỹ đã bị suy yếu. Một loạt nước đã trỗi dậy (nổi bật là nhóm BRICS), Mỹ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh quyết liệt về lợi ích chiến lược với các nước lớn và các trung tâm quyền lực tại các khu vực “lợi ích sống còn”, thậm chí ngay tại “sân sau” là khu vực Mỹ La-tinh của Mỹ.
|
Mỹ đã trở thành nạn nhân của chính tham vọng của mình. Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Brzezinski thừa nhận, đó không phải là kết quả của quá trình tìm kiếm các kẻ thù bên ngoài - chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Trung Quốc, Nga hay các nước “trục ma quỷ” - mà là kết quả của các sai lầm chiến lược (của Mỹ).
Vụ trưởng Vụ Hoạch định Chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ Richard Heart đánh giá: “Mỹ vẫn sẽ là một tổng thể quyền lực đơn lẻ lớn nhất trong một thời gian dài…
Nhưng thực tế sức mạnh của Mỹ không che giấu được sự suy yếu tương đối trong địa vị của Mỹ trên thế giới, và cùng với sự suy yếu tương đối về thế lực này là sự suy yếu tuyệt đối về ảnh hưởng”.
Phó Tổng thống Mỹ, ông Joseph Biden thừa nhận, “khả năng của Mỹ làm cảnh sát thế giới đã giảm đi so với 25 năm trước đây khi còn hai siêu cường”.
Một số chính trị gia Mỹ cảnh báo: “Một thế giới không có phương Tây đang nổi lên, do các nước đang trỗi dậy đang xây dựng một hệ thống chính trị quốc tế khác với mục tiêu cuối cùng là làm cho quyền lực của phương Tây, đặc biệt là của Mỹ ngày càng trở nên vô dụng”.
Huỷ hoại môi trường an ninh thế giới
Mười năm Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, hai quốc gia Iraq và Afghanistan đã bị nhấn chìm trong chiến tranh, bạo lực đẫm máu, chết chóc và đói nghèo bệnh tật. Pakistan - đồng minh chống khủng bố của Mỹ cũng hứng chịu thảm họa này.
Theo thống kê, tổng số người chết của các bên tại Iraq là 151.471, tại Afghanistan là 33.877 và tại Pakistan là 39.127, trong đó: lực lượng an ninh Iraq 9.922, lực lượng an ninh Afghanistan 8.756, lực lượng an ninh Pakistan 3.520, quân đội các nước đồng minh 1.192, dân thường Iraq 125.000, dân thường Afghanistan 11.700, dân thường Pakistan và phiến quân 35.600, phiến quân Afghanistan 10.000, quân đội Iraq chết trong thời gian Mỹ xâm chiếm 10.000.
Binh lính Mỹ ở chiến trường Afghanistan |
Những năm cầm quyền của ông Obama là thời gian Mỹ leo thang chiến tranh tại Afghanistan với “chiến lược mới”, nhưng theo báo cáo của LHQ, “nửa đầu năm 2011 là thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc xung đột kéo dài 10 năm ở Afghanistan”.
Học thuyết “Đánh đòn phủ đầu” phục vụ cuộc chiến chống khủng bố của Chính quyền Bush đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, đe dọa môi trường hoà bình, an ninh quốc tế và độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước. Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) đã ra tuyên bố phản đối âm mưu mở “cuộc thập tự chinh mới chống Hồi giáo” của Mỹ.
Trong một cuộc thăm dò ở 47 quốc gia, sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc chiến của Mỹ chống khủng bố liên tục giảm, Mỹ ngày càng bị quy trách nhiệm huỷ hoại môi trường an ninh thế giới, làm phức tạp thêm tình hình, xu thế chống Mỹ ngày càng tăng ở các quốc gia Hồi giáo và cả các quốc gia được Mỹ coi là đồng minh.
Cựu Tổng thống Mỹ Carter đã mô tả ông Bush là vị Tổng thống “tệ hại nhất trong lịch sử Mỹ” về chính sách ngoại giao.
Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Brzezinski đánh giá: “Mười lăm năm sau khi đăng quang là nhà lãnh đạo toàn cầu, Mỹ đã trở thành một nền dân chủ cô độc đáng sợ trong một thế giới thù địch về chính trị”.
Video: Ông Obama thề tiêu diệt nhà nước Hồi giáo IS
Do tính chất nguy hiểm, tàn bạo của lực lượng Nhà nước Hồi giáo, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ lần này bước đầu có được sự ủng hộ nhất định của một số đồng minh, đối tác của Mỹ.
Tuy nhiên, ẩn ý cuối cùng để Mỹ khai mào một cuộc chiến mới - cách xa nước Mỹ hàng nghìn dặm- sau một cuộc chiến kéo dài hơn 10 năm vừa tạm dừng thì vẫn không thay đổi, đó là thực hiện chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ.
Cũng không thay đổi, đó là sự không chính danh và tính không minh bạch của cuộc chiến. Thế giới Hồi giáo vẫn nuôi sự thù hằn đối với nước Mỹ và thói cường quyền của Mỹ.
Chính vì vậy, bất chấp việc Chính quyền Obama đã rút ra được những bài học xương máu từ cuộc chiến chống khủng bố lần thứ nhất, cuộc phiêu lưu lần này của Mỹ vẫn chứa những rủi ro còn lớn hơn cho chính nước Mỹ.
Đăng Song
Bình luận