Hôm 6/12, Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Không quân Mỹ (AFSOC) cho biết: “Thông tin điều tra sơ bộ cho thấy có khả năng trục trặc về thiết bị đã gây ra sự cố, nhưng nguyên nhân cơ bản của sự cố này vẫn chưa được xác định vào thời điểm này”.
“Việc dừng bay sẽ cung cấp thời gian và không gian cho một cuộc điều tra kỹ lưỡng nhằm xác định các yếu tố về nguyên nhân và đưa ra khuyến nghị đảm bảo phi đội CV-22 Osprey của không quân quay trở lại hoạt động bay”, AFSOC cho biết thêm.
Tám quân nhân Mỹ có mặt trên chiếc máy bay cánh quạt nghiêng do Boeing và Bell Helicopters phát triển vào thời điểm CV-22 Osprey bị rơi. May bay rơi khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện định kỳ ngoài khơi đảo Yakushima, cách thủ đô Tokyo khoảng 1.040 km về phía Tây Nam.
Sau vụ tai nạn, đơn vị quân đội Mỹ sở hữu máy bay V-22 Osprey đã tạm dừng hoạt động bay. Tuy nhiên, quân đội Mỹ cho biết các máy bay khác sẽ tiếp tục bay sau khi trải qua quá trình kiểm tra an toàn.
Nhật Bản đã ngừng sử dụng máy bay V-22 Osprey ngay sau vụ tai nạn. Tokyo bày tỏ quan ngại về các chuyến bay của V-22 Osprey. Việc triển khai V-22 Osprey tại Nhật Bản gây tranh cãi, trong đó những người chỉ trích sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các hòn đảo phía tây nam nước này cho rằng loại máy bay này dễ xảy ra tai nạn.
Vào tháng 8, 3 lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng khi một chiếc Osprey bị rơi trong cuộc tập trận định kỳ ở Australia. Trước đó, 5 lính thủy quân lục chiến cũng thiệt mạng vào tháng 6/2022 trong vụ tai nạn Osprey ở California
Ngoài ra, nhiều vụ tai nạn liên quan đến máy bay Osprey cũng đã xảy ra tại nhiều nơi, trong đó có một vụ tai nạn vào tháng 3/2022 ở Na Uy khiến 4 người thiệt mạng và các vụ tai nạn ở Syria và Australia vào năm 2017.
Osprey là máy bay có thiết kế "lai" khi có thể bay giống như trực thăng và máy bay cánh cố định. Thủy quân lục chiến Mỹ, hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vận hành máy bay này.
Bình luận