"Đó không phải là hội nghị thượng đỉnh, không phải là một cuộc đàm phán. Nó đơn giản là cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết hôm 9/7.
Cuộc gặp đầy ngẫu hứng ở Khu phi quân sự (DMZ) vào ngày 30/6 đặt ra câu hỏi liệu đây có được coi là hội nghị thượng đỉnh giống như các cuộc gặp gỡ trước đó ở Singapore vào tháng 6/2018 và Việt Nam vào tháng 2/2019.
Cuộc gặp là tiền đề để nối lại các cuộc đàm phán về việc dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, sau khi các cuộc đàm phán bị hủy bỏ tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai ở Hà Nội. Mỹ nói rằng một hội nghị thượng đỉnh thứ ba có thể xảy ra nếu có tiến triển trong các cuộc đàm phán cấp độ làm việc - dự kiến diễn ra giữa tháng Bảy này.
Chính quyền ông Trump đã bác bỏ một báo cáo của New York Times cho biết đang có ý tưởng hình thành giữa các quan chức Mỹ để tìm cách đàm phán tiến tới Triều Tiên đóng băng hạt nhân, thay vì phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tức là ngầm chấp nhận họ là một quốc gia hạt nhân.
"Đóng băng, sẽ không bao giờ là cách giải quyết một quá trình. Đó sẽ không bao giờ là kết thúc của một quá trình", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, Morgan Ortagus phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ.
"Đây là thứ mà chúng tôi chắc chắn mong được thấy ngay từ đầu. Nhưng tôi không nghĩ rằng chính quyền từng thể hiện đóng băng là mục tiêu cuối cùng. Đó là mục tiêu ban đầu", bà Ortagus nói thêm.
Triều Tiên đã đóng băng các thử nghiệm bom hạt nhân và tên lửa từ năm 2017, nhưng các quan chức Mỹ tin rằng họ đã mở rộng kho vũ khí của mình bằng cách tiếp tục sản xuất nhiên liệu bom và tên lửa. Mỹ cũng hy vọng quá trình này bị đóng băng.
Bình luận