Đợt triển khai bất thường số lượng lớn chiến đấu cơ hiện đại này được các chuyên gia nhận định là nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ tới đối thủ của Mỹ ở Thái Bình Dương, cụ thể là Trung Quốc.
Đợt triển khai F-22 lớn chưa từng có
Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii trong tuần này cho biết, khoảng 25 chiếc F-22 Raptors thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Hawaii và thuộc Căn cứ liên hợp Elmendorf-Richardson ở Alaska, sẽ bay tới các đảo Guam và Tinian trong tháng này để tham gia cuộc tập trận mang tên Pacific Iron 2021.
Phát biểu với CNN, chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương, tướng Ken Wilsbach cho biết: “Chưa bao giờ có nhiều máy bay Raptors được triển khai cùng lúc như vậy trong khu vực hoạt động của Lực lượng Không quân Thái Bình Dương”.
F-22 là một trong số những máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 tiên tiến nhất thế giới, tích hợp các công nghệ tàng hình, kết nối hệ thống cảm biến trên máy bay và hệ thống thông tin bên ngoài để cung cấp cho phi công cái nhìn chi tiết về không gian chiến đấu.
Ông Carl O.Schuster, cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng, việc Mỹ triển khai một số lượng lớn chiến đấu cơ F-22 tham gia cuộc tập trận là nhằm gửi thông điệp trực tiếp đến Trung Quốc giữa lúc quan hệ hai bên leo thang căng thẳng liên quan đến những điểm nóng tại Thái Bình Dương như Đài Loan và Biển Đông. Theo ông, các đợt triển khai chiến đấu cơ thông thường chỉ từ 6 đến 12 chiếc.
“Lực lượng không quân Thái Bình Dương đang chứng minh rằng họ có thể triển khai cùng lúc nhiều máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đến Thái Bình Dương trong thời gian ngắn hơn nhiều so với thời gian Trung Quốc triển khai những máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hiện có trong kho vũ khí của nước này”, ông Carl O.Schuster lưu ý.
Không quân Trung Quốc chỉ có khoảng 20 đến 24 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đang hoạt động, song theo ông Schuster, tiềm lực quân sự của Bắc Kinh đang được cải thiện với tốc độ nhanh chóng. Không quân Mỹ có khoảng 180 chiếc F-22, nhưng chỉ một nửa trong số này sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bất cứ khi nào do yêu cầu bảo trì.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ triển khai 25% số lượng chiến đấu cơ F-22 tham gia cuộc tập trận Pacific Iron. Với khả năng né tránh sự phát hiện của radar, F-22 được kỳ vọng sẽ là một trong những vũ khí đầu tiên được sử dụng trong các cuộc xung đột trong tương lai, với nhiệm vụ tiêu diệt hệ thống phòng không của đối phương.
Mỹ muốn răn đe Trung Quốc?
Ông Peter Layton, cựu Tướng Không quân Hoàng gia Australia và nay là nhà nghiên cứu tại Viện châu Á Griffith cho rằng: "Mỹ đang tích cực thực hành các phương án triển khai để chuẩn bị ứng phó trong trường hợp xảy ra cuộc khủng hoảng lớn hoặc chiến tranh. Mỹ đang rất lo ngại Trung Quốc và đang phát triển thế trận cũng như huấn luyện lực lượng để có thể nhanh chóng vào vị trí”.
Trong khuôn khổ Chiến dịch Pacific Iron, 10 máy bay chiến đấu F-15 Strike Eagle từ căn cứ không quân của Mỹ ở Idaho và 2 máy bay vận tải C-130J Hercules sẽ phối hợp với các máy bay F-22 hợp thành một phi đội để thực hiện chiến dịch tác chiến linh hoạt (ACE).
Tuyên bố của Không quân Mỹ cho biết, cuộc tập trận Pacific Iron nhằm hỗ trợ Chiến lược quốc phòng quốc gia 2018 của Mỹ tập trung tăng cường khả năng sát thương, thích ứng và khả năng đối phó với các mối đe dọa của quân đội Mỹ.
ACE được thiết kể để phân tán máy bay chiến đấu của Mỹ và các phương tiện chiến đấu khác tại các sân bay nằm rải rác trong khu vực, nhằm gia tăng khả năng sống sót của chúng trước những cuộc tấn công bằng tên lửa của đối phương.
Chẳng hạn, phần lớn sức mạnh không quân của Mỹ tại Tây Thái Binh Dương tập trung tại các căn cứ quân sự lớn như Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa (Nhật Bản) hoặc Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam. Một cuộc tấn công vào các căn cứ này có thể làm tê liệt khả năng đánh trả đối phương của quân đội Mỹ nếu Mỹ không phân tán sức mạnh không quân ra khu vực xung quanh.
Trong Chiến dịch Pacific Iron, các lực lượng sẽ tập trận tại những sân bay nhỏ hơn và kém phát triển hơn như Sân bay Quốc tế Tinian ở Bắc Marianas, Sân bay Quốc tế Won Pat trên đảo Guam hoặc sân bay Northwest Field xa xôi tách biệt với các đường băng chính của Căn cứ Không quân Andersen. Bài học kinh nghiệm trong cuộc tập trận có thể được áp dụng cho hoạt động tại những sân bay nhỏ hơn trên các hòn đảo xung quanh Tây Thái Bình Dương.
Việc dàn trải máy bay chiến đấu sẽ làm gia tăng số lượng mục tiêu mà tên lửa của đối phương cần phải tiêu diệt, từ đó giúp lực lượng không quân Mỹ có cơ hội tốt hơn để tấn công đáp trả.
Một báo cáo năm 2019 của tổ chức tư vấn RAND Corp do quân đội Mỹ tài trợ đã giải thích rõ cách thức sử dụng chiến lược này để đối phó với năng lực quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Báo cáo nêu rõ: “Quân đội Trung Quốc sở hữu ngày càng sở hữu nhiều tên lửa hành trình chính xác và tên lửa đạn đạo tầm xa tinh vi, có thể đe dọa nhiều mục tiêu quan trọng tại các căn cứ không quân”. Báo cáo cho biết thêm: “Việc bố trí máy bay tại nhiều địa điểm khác nhau sẽ gia tăng khả năng sống sót và khiến đối phương phải tiêu hao nhiều tên lửa”.
Ông Carl O.Schuster nhận định: “Bằng cách chứng minh khả năng tác chiến linh hoạt của Lực lượng không quân, Mỹ muốn gửi tín hiệu răn đe mạnh mẽ tới Trung Quốc và trấn an các đồng minh cùng đối tác trong khu vực. Trung Quốc chắc chắn sẽ theo dõi cuộc tập trận này”.
Nhà phân tích Peter Layton nhận định: “F-22 là một trong những máy bay chiến đấu khá phức tạp, đòi hỏi phải sử dụng nhiều kỹ năng khi triển khai cho nhiệm vụ chiến đấu. Nếu bạn có thể vận hành tốt chiến đấu cơ này thì việc điều khiển bất cứ máy bay chiến thuật nào khác của Mỹ sẽ rất đơn giản”.
Theo nhà phân tích này, cuộc tập trận Pacific Iron nếu thành công sẽ giá trị răn đe đối với Trung Quốc. “Mặc dù đây là một cuộc tập trận nhưng các kỹ thuật, quy trình và thủ tục sẽ đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động của không quân Mỹ tại Nhật Bản cũng như nhiều nơi khác. Đối với các nhà hoạch địch chính sach quân sự Trung Quốc, cuộc tập trận sẽ khiến họ thấy rằng F-22 có thể được triển khai đến bất cứ nơi đâu xung quanh lãnh thổ Trung Quốc”.
Bình luận