• Zalo

Mỹ đau đầu đối phó chiến lược 'gián điệp sinh viên' của Trung Quốc

Thế giớiChủ Nhật, 03/02/2019 11:00:00 +07:00Google News

Trung Quốc đang lợi dụng du học sinh người Hoa để tiến hành hoạt động gián điệp, đánh cắp bí mật kinh doanh và thông tin mật từ các công ty và cơ quan chính phủ Mỹ.

Tháng 8/2015, một sinh viên ngành kỹ thuật điện người Trung Quốc tại Viện Công nghệ Illinois gửi thư điện tử tới hòm thư của một công dân Trung Quốc khác với tiêu đề "Câu hỏi thi giữa kỳ".

Hơn 2 năm sau, bức thư này trở thành vật chứng điều tra của FBI trong vụ việc một người bị nghi là nhân viên tình báo Trung Quốc âm mưu đánh cắp thông tin kỹ thuật từ một nhà thầu quân sự quốc phòng.

Gián điệp dưới danh nghĩa sinh viên

Theo các điều tra viên, thư điện tử được viết bởi một người tên Ji Chaoqun. Các điều tra viên cho biết thư điện tử không có nội dung nào liên quan tới cuộc thi giữa kỳ ngành kỹ thuật điện.

Ji

Ji Chaoqun (nam) chụp cùng các bạn học tại Viện Công nghệ Illinois. (Ảnh: Fox News)

Thay vào đó, dưới sự chỉ đạo của một nhân viên tình báo Trung Quốc cấp cao, Ji đính kèm thư điện tử báo cáo thông tin cá nhân của 8 cá nhân cư trú trên lãnh thổ Mỹ. Đây là những người mà Bắc Kinh coi là mục tiêu tuyển mộ tiềm năng để trở thành gián điệp trong tương lai.

8 người trong danh sách Ji gửi về Trung Quốc đều là công dân Mỹ gốc gác từ Trung Quốc đại lục hoặc Đài Loan, tất cả làm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong số này, 7 người làm việc cho cho các nhà thầu quốc phòng của chính phủ Mỹ. 

Theo cáo trạng, 7 người này là mục tiêu Bắc Kinh sử dụng để thực hiện một hình thức tấn công gián điệp mới nhằm tiến hành cuộc chiến chống lại Washington về mặt thông tin và ảnh hưởng toàn cầu.

Tháng 9/2018, Ji bị nhà chức trách Mỹ bắt giữ với cáo buộc làm gián điệp bất hợp pháp dưới sự chỉ đạo từ nhân viên tình báo cấp cao của một đơn vị thuộc Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc. Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng đây là cơ quan gián điệp hàng đầu của quốc gia Đông Á này.

Ji bị chính thức xét xử trước bồi thẩm đoàn hôm 24/1 vừa qua tại tòa án liên bang ở Chicago. Theo phát ngôn viên của cơ quan công tố Mỹ, Ji không thừa nhận hành vi tội phạm. Người này sẽ tiếp tục bị giam giữ cho tới khi hầu tòa lần 2 vào ngày 26/2 tới.

Trong khi Ji vẫn chưa chính thức bị tuyên án, các chuyên gia tình báo Mỹ nhận định vụ việc của cựu sinh viên này càng cho thấy tình trạng Trung Quốc sử dụng các cá nhân từ mọi tầng lớp, mọi hoàn cảnh xuất thân, với tần suất ngày càng tăng, nhằm xâm nhập qua hệ thống an ninh và bảo mật của Mỹ.

Để tiếp cận với các bí mật kinh doanh và công nghệ, Bắc Kinh hiện dựa vào giới khoa học gia, doanh nhân và đặc biệt là sinh viên Trung Quốc xa xứ, mà Ji là ví dụ tiêu biểu. Thông qua những đối tượng này, Trung Quốc có thể truy cập vào mọi dữ liệu tại các trường đại học và doanh nghiệp Mỹ nằm trong diện quan tâm của Bắc Kinh.

Mặc dù chưa có thống kê chính xác có bao nhiêu trong số 350.000 sinh viên gốc Hoa này nằm dưới tầm ngắm của lực lượng chấp pháp Mỹ, các quan chức nghỉ hưu và đương nhiệm trong giới tình báo Mỹ nhận định đại đa số các sinh viên này bị ràng buộc với chính quyền Bắc Kinh theo phương thức nào đó, dù có thể đa số họ ban đầu không đến Mỹ với mục đích làm gián điệp.

Theo CNN, các chuyên gia và cựu quan chức tình báo Mỹ nhận định việc sử dụng các du học sinh là một phần trong nỗ lực lâu dài của Trung Quốc nhằm hạ bệ ngành công nghiệp và ăn cắp các bí mật giá trị nhất của nước Mỹ. Mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là triệt tiêu tầm ảnh hưởng của Washington, từ đó giúp Trung Quốc thế chân Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

"Chúng tôi đánh giá cơ quan tình báo Trung Quốc sẽ khai thác sự cởi mở của xã hội Mỹ, đặc biệt trong giới học thuật và cộng đồng khoa học, bằng cách sử dụng nhiều biện pháp khác nhau", diễn đàn an ninh Đánh giá đe dọa toàn cầu đưa ra nhận định hôm 29/1.

Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc.

"Không gì có thể so sánh được với mức độ và phạm vi các mối đe dọa từ Trung Quốc mà Mỹ đang phải đối mặt, khi họ chủ động thay thế Mỹ trên phạm vi toàn cầu", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nhận định, nhấn mạnh tới những biện pháp gián điệp phi truyền thống mà Trung Quốc đang tiến hành.

Những đặc vụ xung kích

Trong hơn một thập kỷ, lực lượng chấp pháp và tình báo Mỹ đã gia tăng cảnh báo nội bộ về việc các trường đại học có thể trở thành các mục tiêu dễ bị tấn công bởi cơ quan tình báo nước ngoài, bằng phương thức sử dụng sinh viên và nhân viên truy cập các công nghệ đang phát triển.

Thế nhưng, trong vài tháng qua, các quan chức tình báo cấp cao cho thấy mối quan tâm cấp bách hơn nữa trong việc giải quyết mối đe dọa trên và tìm cách nâng cao nhận thức của các trường đại học, bằng cách nêu bật mối đe dọa trong các phiên điều trần tại quốc hội cũng như tại các diễn đàn an ninh.

Dù giới chức Mỹ cho biết họ tin rằng phần lớn sinh viên Trung Quốc tới nước này với mục đích hợp pháp, Washington vẫn thừa nhận chính quyền Mỹ hiện phải vật lộn đối phó với các âm mưu gián điệp do các cơ quan tình báo nước ngoài giật dây bằng cách khai thác lỗ hổng an ninh trong các cơ sở giáo dục.

maxresdefault_1

Ông William Evanina phát biểu tại một diễn đàn an ninh tháng 4/2018. (Ảnh: BBC)

Joe Augustyn, cựu điệp viên CIA vừa nghỉ hưu, cho biết cơ quan tình báo Trung Quốc đã không còn sử dụng các điệp viên được đào tạo bài bản để xâm nhập các trường học và doanh nghiệp Mỹ. Thay vào đó, Bắc Kinh đã chuyển dần sang lợi dụng chính các sinh viên người Hoa như các "đặc vụ xung kích".

Hình thức hoạt động này giúp tách biệt các "đặc vụ sinh viên" với chính quyền Bắc Kinh ở một mức độ nhất định, đảm bảo Trung Quốc có thể chối bỏ trách nhiệm khi các phi vụ gián điệp bị phanh phui.

"Chúng ta cho phép 350.000, thậm chí nhiều hơn, sinh viên Trung Quốc sống tại Mỹ mỗi năm. Đó là con số lớn. 99,9% trong số họ đến đây hợp pháp, có những nghiên cứu tuyệt vời, đóng góp lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Nhưng đây cũng là một công cụ chính phủ Trung Quốc sử dụng để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp tại Mỹ", William Evanina, giám đốc Trung tâm Phản gián và an ninh quốc gia Mỹ, phát biểu hồi tháng 4/2018.

Bên cạnh các vụ xâm nhập mạng và đầu tư chiến lược vào các công ty Mỹ, Trung Quốc cũng thâm nhập vào các mạng lưới sinh viên người Hoa để lôi kéo những người có tiềm năng nhất.

"Trong lĩnh vực công nghệ, chúng ta đang đào tạo các kỹ sư và nhà khoa học cho họ, giúp họ không phải làm việc cực khổ (như chúng ta từng phải làm) để đạt được những khả năng có thể thách thức chúng ta", Dan Coats, quan chức kỳ cựu tại Văn phong giám độc tình báo quốc gia Mỹ, nhận xét.

Video: Giám đốc tài chính Huawei sẵn sàng nộp 11,3 triệu USD để được tại ngoại

"Họ không chỉ đến để do thám"

Giải quyết triệt để vấn đề gián điệp sinh viên là một thách thức không đơn giản đối với giới chức Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh sinh viên Trung Quốc đến nước này với số lượng quá lớn.

"Họ không chỉ đến đây để do thám. Họ đến đây để học hành, và phần lớn là hợp pháp. Tuy nhiên tôi không có chút mảy may nghi ngờ nào về việc tất cả bọn họ đều đóng vai trò nào đó đối với chính phủ Trung Quốc", ông Augustyn nhận xét.

Trong trường hợp của Ji, người này hạ cánh xuống Chicago tháng 8/2013, với mục đích ban đầu là theo học tại Viện Công nghệ Illinois. Thực tế, Ji cũng đã hoàn thành chương trình học và được cấp bằng thạc sĩ tại ngôi trường này.

Theo cáo trạng, tháng 12/2013, một sĩ quan tình báo Trung Quốc tiếp cận Ji, dùng danh tính giả, tự xưng là giáo sư tại Đại học Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh. Sau thời gian tiếp xúc, Ji cuối cùng nhận ra người này cùng các cộng sự thực sự đến từ đâu và làm công việc gì.

Mặc dù vậy, Ji cuối cùng vẫn làm theo yêu cầu của đặc vụ Trung Quốc khi chuyển giao cho Bắc Kinh danh sách các cá nhân, làm việc trong ngành công nghệ và vũ trụ Mỹ, có thể bị gây sức ép hoặc lôi kéo để làm gián điệp cho Trung Quốc. 

Các báo cáo cho biết FBI đã tìm thấy 36 tin nhắn trên tài khoản iCloud là bằng chứng cho các cuộc giao dịch giữa Ji và đặc vụ Trung Quốc trong thời gian từ tháng 12/2013 đến tháng 7/2015. Sau khi Ji tốt nghiệp năm 2016, Ji ghi danh vào quân đội Mỹ theo một chương trình cho phép tuyển dụng người nước ngoài có kỹ năng được coi là "thiết yếu với lợi ích quốc gia".

Trong phần phỏng vấn chiêu mộ và kiểm tra an ninh, khi được hỏi đã từng có liên hệ với cơ quan tình báo nước ngoài hay chưa, Ji đã nói dối là "chưa từng".

Một bài báo của Washington Post liên hệ vụ bắt giữ Ji với vụ truy tố đặc vụ Trung Quốc Xu Yanjun, người bị bắt tại Bỉ tháng 10/2018. Người này bị cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại từ các công ty hàng không vũ trụ Mỹ nhưng từ chối nhận tội.

Sau khi Ji bị bắt, Bắc Kinh từ chối bình luận về vụ việc. Tuy nhiên, tháng 9/2018, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố không nắm được thông tin về trường hợp của Ji.

tq3 3

Đại diện Bộ Tư pháp Mỹ thông báo về cáo buộc chống lại công dân Trung Quốc Xu Yanjun. (Ảnh: CNBC)

Cuộc chiến phức tạp chống gián điệp sinh viên

Vấn đề gián điệp sinh viên Trung Quốc đặt ra thách thức vô cùng phức tạp với giới chức Mỹ, bởi chương trình trao đổi sinh viên với Trung Quốc mang lại nhiều lợi ích cho Washington.

"Sinh viên Trung Quốc giúp làm đa dạng môi trường học đường tại Mỹ, họ đóng góp tích cực vào các lớp học, các dự án nghiên cứu tại các trường đại học", nghiên cứu từ Viện Hoover cho thấy.

Lực lượng chấp pháp và các cơ quan tình báo nước Mỹ cũng gặp khó khăn trong nhiệm vụ đảm bảo cân bằng giữa duy trì môi trường học thuật tự do và chống lại các mối đe dọa tới an ninh quốc gia.

 
Với Internet, di chuyển xuyên quốc gia và công nghệ thanh toán mở rộng, các đối thủ có nhiều lựa chọn và phương thức để khai thác các trường học tại Mỹ, vấn nạn này sẽ còn gia tăng trong tương lai

E.W. Priestap, trợ lý giám đốc bộ phận phản gián của FBI

Mặt khác, trong những năm qua, Bắc Kinh đẩy mạnh tuyên truyền cái gọi là chủ nghĩa dân tộc và lòng trung thành của công dân, lợi dụng và ép buộc họ tiếp tay cho các hoạt động gián điệp.

Để đối phó với tình trạng gián điệp ngày càng tồi tệ, Bộ Ngoại giao Mỹ đang cân nhắc siết chặt kiểm soát với những người được cấp hộ chiếu sinh viên quốc tế như trường hợp của Ji. Tuy nhiên, chi tiết của kế hoạch này chưa được công bố.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng nhiều lần khẳng định bất cứ thỏa thuận thương mại nào đạt được giữa hai nước cũng phải giải quyết tình trạng Bắc Kinh tiến hành các hoạt động gián điệp nhằm ăn cắp bí mật chính phủ và tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ.

Trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Argentina tháng 12/2018, các nhà đàm phán Mỹ đã công bố báo cáo dài 50 trang cho thấy Bắc Kinh vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động gián điệp thương mại điện tử, đánh cắp hàng nghìn tỉ USD tài sản trí tuệ của Mỹ.

Hôm 22/1, Văn phòng giám đốc tình báo quốc gia Mỹ đã cảnh báo tới các công ty công nghệ và hàng không được cho là mục tiêu tấn công của gián điệp Trung Quốc. 

Không dừng lại ở các cảnh báo, nhà chức trách Mỹ đã đẩy mạnh các vụ bắt giữ thời gian qua nhắm vào các cá nhân có liên quan tới hoạt động gián điệp của Trung Quốc. 

Mới đây nhất, Mỹ truy tố 2 người bị cáo buộc là đặc vụ của cơ quan tình báo Trung Quốc với cáo buộc tấn công và đánh cắp bí mật công nghệ từ các tập đoàn tư nhân của Mỹ. 

Các quan chức Mỹ nhận định giải quyết vấn đề gián điệp sinh viên Trung Quốc đòi hỏi cách tiếp cận tỉ mỉ, công phu thay vì chỉ đơn giản với những sự trấn áp mạnh tay.

"Với Internet, di chuyển xuyên quốc gia và công nghệ thanh toán mở rộng, các đối thủ có nhiều lựa chọn và phương thức để khai thác các trường học tại Mỹ, vấn nạn này sẽ còn gia tăng trong tương lai", E.W. Priestap, trợ lý giám đốc bộ phận phản gián của FBI, nhận xét.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn