Theo RT, Washington thông báo sẽ áp đặt trở lại tất cả các lệnh trừng phạt Iran từng được gỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Các lệnh trừng phạt này sẽ khiến 700 người bị đưa vào danh sách đen, bao gồm cả những cái tên cũ và mới, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt cũng nhắm đến hoạt động thanh toán bằng cơ chế đặc biệt mà EU tạo ra để tránh hình phạt từ Washington và tiếp tục mua dầu Iran.
Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin đe dọa các lệnh trừng phạt còn có thể chống lại dịch vụ giao dịch quốc tế của SWIFT (Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế). “SWIFT cũng không khác gì những đơn vị khác. Chúng tôi đã khuyến cáo SWIFT nên ngừng kết nối với bất cứ tổ chức tài chính Iran nào ngay khi họ có khả năng công nghệ để tránh bị xử phạt.” – ông Mnuchin trả lời phóng viên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận các thông tin trước đó về 8 quốc gia sẽ được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt tái áp đặt, nhưng ông từ chối cung cấp tên cụ thể và nói tổ chức EU không nằm trong số này. Nhiều dự đoán cho rằng các nước được miễn trừ có thể bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, ông Pompeo cũng tiết lộ danh sách 12 yêu cầu của Mỹ mà Iran cần hoàn thành nếu muốn các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ. Những yêu cầu này bao gồm dừng phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo, kết thúc “hỗ trợ cho khủng bố” từ Tehran và rút khỏi xung đột ở Syria.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là khiến Iran từ bỏ các hoạt động phi pháp của họ vĩnh viễn và cư xử như một nước bình thường.” – Ngoại trưởng Mỹ cho biết, nói thông tin chi tiết sẽ được tiết lộ ngày 5/11 khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực.
Trong khi đó, Tehran nói họ có đủ khả năng kiểm soát nền kinh tế dù đứng trước áp lực. “Các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ chỉ có hiệu ứng tâm lý” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi nói trên truyền hình quốc gia, cho rằng Mỹ sẽ không đạt được mục tiêu chính trị bằng những lệnh trừng phạt này.
Theo RT, đây là loạt trừng phạt thứ hai sẽ được tái áp dụng sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được Iran và 6 nước trên thế giới ký kết năm 2015. Thỏa thuận này tác động đến các lĩnh vực vận chuyển, tài chính và năng lượng của Iran.
Từ khi rút khỏi thỏa thuận, Mỹ theo đuổi chính sách “áp lực tối đa” đối với Iran, khiến các nước châu Âu ký kết thoả thuận bày tỏ thất vọng. Nhiều nước châu Âu từng ca ngợi thỏa thuận thời cựu Tổng thống Mỹ Obama này và đã chứng minh hiệu quả của nó, theo RT.
EU đang làm việc để tạo ra những kênh thanh toán đặc biệt, nhằm tiếp tục nhập dầu Iran hợp pháp. Những kênh này được dự kiến sẵn sàng khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.
Bình luận