• Zalo

Mỹ công bố ba trụ cột trong chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương

Thế giớiThứ Ba, 20/11/2018 20:00:00 +07:00Google News

Mỹ thúc đẩy hỗ trợ, hợp tác về kinh tế, quản trị và an ninh với khu vực bằng các sáng kiến và thỏa thuận giá trị lớn.

"Cách đây một năm tại Việt Nam, Tổng thống Trump nêu lên tầm nhìn của nước Mỹ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tuần này, Phó Tổng thống Mike Pence tái khẳng định cam kết vững chắc và lâu dài của Mỹ đối với khu vực và nhấn mạnh việc mở rộng hợp tác với các đối tác của Mỹ", Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/11 ra thông cáo, nhắc đến chuyến công du châu Á để dự hội nghị của ASEAN và APEC của ông Pence trong tuần qua.

Mỹ, nước cung cấp khoản hỗ trợ trị giá trên 1,8 tỷ USD cho khu vực trong năm nay, cho biết cách tiếp cận của họ với Ấn Độ - Thái Bình Dương tập trung vào ba lĩnh vực chủ chốt: Kinh tế, quản trị, và an ninh.

Để tăng cường thịnh vượng chung, Mỹ công bố nhiều sáng kiến và thỏa thuận đối tác mới trong chuyến công du của ông Pence như Đạo luật khai thác hiệu quả hơn hoạt động đầu tư phát triển (BUILD) - thiết lập một Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ mới và tăng gấp đôi nguồn tài chính phát triển của Mỹ lên 60 tỷ USD.

000-1AX059-5896-1542706419

 Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại APEC ở Papua New Guinea ngày 17/11. 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN lần thứ 6, Phó Tổng thống Mỹ công bố thỏa thuận Đối tác phát triển các thành phố thông minh mới giữa Mỹ và ASEAN, với mục tiêu hỗ trợ chính quyền các thành phố thúc đẩy việc chuyển đổi sang kỹ thuật số các hệ thống đô thị. Khoản đầu tư ban đầu của Mỹ cho chương trình này là 10 triệu USD.

Washington còn công bố chương trình Hỗ trợ Tăng trưởng Kinh tế tại châu Á do Mỹ bảo trợ (US-SEGA) dài 5 năm với khoản ngân sách đầu tư ban đầu 9 triệu USD từ Mỹ, với mục tiêu tăng cường năng lực cho các nền kinh tế APEC trong việc xây dựng các chính sách thương mại và đầu tư chất lượng cao.

Quản trị tốt cũng là trụ cột cốt lõi trong tầm nhìn của Mỹ. Washington cam kết hợp tác với các quốc gia để tạo điều kiện cần thiết nhằm mở cửa cho nguồn đầu tư tư nhân lớn hơn, chống tham nhũng và đảm bảo quyền tự quyết, không chịu sự cưỡng ép của nước ngoài. Họ cũng tiếp tục thúc đẩy minh bạch hóa, pháp quyền, bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực này trong giai đoạn hai năm qua lên tới hơn 400 triệu USD.

Ngày 17/11, ông Pence công bố về Sáng kiến Minh bạch Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy quản trị tốt, công bằng và mang tính đáp ứng cao thông qua những nỗ lực chống tham nhũng. Đồng thời, Mỹ cũng khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ của xã hội dân sự, các hành vi vay mượn có trách nhiệm, mua sắm đấu thầu và trao thầu trung thực, cũng như cải cách ngành tư pháp và luật pháp.

Đẩy mạnh hợp tác an ninh trong khu vực nhằm đối đầu với những mối đe dọa chung và bảo vệ chủ quyền là trụ cột cuối cùng mà Mỹ nhấn mạnh. Trong chuyến công du của ông Pence, Mỹ và Nhật công bố chuyển giao 10 máy bay F-35A trong năm 2018 trị giá 1,38 tỷ USD. Thêm 6 chiếc khác sẽ được chuyển giao năm 2019.

Mỹ năm nay cung cấp hơn nửa tỷ USD hỗ trợ an ninh cho các quốc gia khu vực Ấn Độ  - Thái Bình Dương, nhiều hơn gấp đôi so với năm ngoái. Mỹ cũng đang mở rộng hợp tác an ninh trên biển trong khu vực Ấn Độ Dương, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai, cũng như xây dựng các chương trình gìn giữ hòa bình cho các quốc đảo Thái Bình Dương.

Chúng tôi cam kết "tiếp tục hợp tác với bất kỳ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, nhằm thúc đẩy tầm nhìn này cho thế hệ hiện nay và tương lai", tuyên bố của Mỹ nhấn mạnh.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn