"Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ sẽ bố trí hệ thống tên lửa Patriot - do các quân nhân Mỹ điều khiển, tới Slovakia. Thời gian triển khai của chúng vẫn chưa được ấn định. Chúng tôi tiếp tục tham vấn chính phủ Slovakia về các giải pháp phòng không lâu dài hơn", Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói.
Thông tin này được đưa ra sau khi Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cho biết nước này đã chuyển giao hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất cho Ukraine.
Thủ tướng Slovakia Eduard Heger nhấn mạnh việc "tặng" hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 duy nhất của nước này cho Ukraine không đồng nghĩa tham gia vào cuộc chiến chống Nga.
Hôm 8/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảm ơn Slovakia về quyết định này, đồng thời lưu ý rằng Washington đã gửi hệ thống Patriot thay thế, "đảm bảo an ninh tiếp tục của Slovakia".
“Tôi muốn cảm ơn chính phủ Slovakia đã cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine, điều mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đích thân nêu ra với tôi", ông Biden nói.
Tháng trước, hệ thống tên lửa phòng không Patriot, do các binh sỹ Đức và Hà Lan vận hành, cũng đã được triển khai tại sân bay Sliac ở miền Trung Slovakia nhằm góp phần củng cố năng lực phòng thủ ở sườn phía Đông của NATO.
Động thái này là một phần trong các hoạt động của nhóm chiến đấu mới vừa được NATO thành lập, bố trí ở Slovakia. NATO đã lập 4 nhóm tác chiến ở Ba Lan và các nước Baltic trong khuôn khổ triển khai chiến lược tăng cường hiện diện phía trước. Các nhóm chiến đấu mới đang được bố trí đến Slovakia, Romania, Bulgaria và Hungary.
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot có thể được sử dụng để đánh chặn máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tốc độ cao ở độ cao đến 20km và từ khoảng cách 60km.
Đến nay, Mỹ đã vận chuyển hàng chục tỷ USD vũ khí và các khoản viện trợ quân sự khác cho Ukraine. Một số đồng minh châu Âu cũng đã tham gia gửi viện trợ quân sự cho Kiev. Hiện Mỹ có 102.000 quân ở châu Âu, gần gấp đôi con số vào thời điểm đầu năm nay.
Bình luận