Hôm 9/2, Reuters dẫn nguồn quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ xem xét hành động đáp trả các thực thể có liên hệ với quân đội Trung Quốc, hỗ trợ cho khinh khí cầu do thám nước này bay vào không phận Mỹ vào tuần trước.
Theo quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington tin rằng nhà sản xuất khinh khí cầu Trung Quốc bị quân đội Mỹ bắn rơi cuối tuần trước ngoài khơi Bờ Đông nước Mỹ có "mối quan hệ trực tiếp" với quân đội Trung Quốc.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho rằng Washington sẽ xem xét hành động, nhưng chính phủ Mỹ chưa nêu rõ biện pháp đáp trả.
Bà Jean-Pierre nói Mỹ cũng sẽ "vạch trần và giải quyết" hoạt động do thám lớn hơn của Trung Quốc, đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác.
Wall Street Journal dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khí cầu Trung Quốc bay qua Mỹ được trang bị ăng-ten có khả năng thu thập thông tin liên lạc.
Hôm 9/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh rằng đây là khí cầu dân dụng Trung Quốc trôi vào không phận Mỹ do sự cố bất khả kháng.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc “không chấp nhận” đề nghị của phía Mỹ về cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước vì cách làm “sai lầm nghiêm trọng” của Washington.
Theo Bắc Kinh, Washington “vô trách nhiệm và sai lầm nghiêm trọng”, do vậy Trung Quốc không chấp nhận đề nghị của Mỹ về điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước.
Trước đó, giới chức Mỹ hôm 6/2 cho biết, nước này đang thu nhặt các mảnh vỡ từ khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi ở Đại Tây Dương để các chuyên gia tình báo phân tích và không có kế hoạch trả lại phần còn lại cho Bắc Kinh.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi vụ việc là một động thái khiêu khích của Trung Quốc. Sự xuất hiện của khinh khí cầu do thám khiến Ngoại trưởng Antony Blinken hủy chuyến thăm dự kiến tới Bắc Kinh.
Khinh khí cầu Trung Quốc bị tên lửa Mỹ bắn hạ.
Khinh khí cầu bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Nam Carolina hôm 5/2, một tuần sau khi đi vào không phận Mỹ. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden được thông báo về hành trình của khí cầu vào 31/1. Tổng thống tuyên bố ban đầu ông ra lệnh bắn hạ quả khí cầu trên đất liền, nhưng Lầu Năm Góc từ chối do lo ngại về an toàn, nên việc bắn hạ khí cầu đã lùi lại.
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Washington rằng đây là khí cầu do thám. Bắc Kinh thay vào đó cho biết đây là “khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng”. Hôm 6/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng việc Mỹ quyết định bắn hạ khinh khí cầu của nước này "tác động nghiêm trọng và gây tổn hại" đến quan song phương.
Theo các báo cáo truyền thông Mỹ, một số khinh khí cầu đã bay qua Mỹ trước đây. Trong đó, một khinh khí cầu rơi ngoài khơi Hawaii bốn tháng trước, trong khi một khinh khí cầu khác đi qua Florida và Texas dưới thời tổng thống Donald Trump.
Bình luận