Sau cuộc họp kéo dài khoảng một giờ đồng hồ với Tổng thống Joe Biden để thảo luận về trần nợ, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nói rằng cuộc nói chuyện mới nhất “hiệu quả”, nhưng hai bên vẫn chưa có thỏa thuận về cách giải quyết.
“Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận hữu ích. Chúng tôi chưa có thỏa thuận", ông McCarthy nói với các phóng viên sau cuộc họp tại Phòng Bầu dục.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết ông tin rằng không khí của cuộc họp “tốt hơn những lần thảo luận trước đây”, song nhấn mạnh vẫn có những khác biệt mà hai bên phải vượt qua.
Cuộc họp hôm 22/5 diễn ra sau một vài ngày đàm phán, vốn chứng kiến sự lạc quan của cả ông Biden và ông McCarthy vào cuối tuần trước. Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Hạ viện cũng đã điện đàm hôm 21/5 khi ông Biden đang trên đường trở về từ Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản.
Trước cuộc họp hôm 22/5, ông McCarthy nói rằng ông tin có thể đạt được một thỏa thuận kịp thời để tránh vỡ nợ.
Nhà Trắng và ông McCarthy đều thừa nhận, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải có sự đồng ý của lưỡng đảng. Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện, trong khi đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong một bức thư gửi các nhà lãnh đạo quốc hội hôm 22/5 cảnh báo, “rất có khả năng” Mỹ sẽ không thể thanh toán tất cả các khoản nợ của mình nếu các nhà lập pháp không hành động vào đầu tháng 6.
Nhiều cảnh báo đã được đưa ra, nếu Mỹ vỡ nợ, hoặc thậm chí tiến gần đến vỡ nợ, điều đó sẽ gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng và có khả năng gây ra suy thoái kinh tế.
Mỹ hồi tháng 1 chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD do quốc hội thiết lập. Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nước này có thể vỡ nợ vào ngày 1/6, gây ra sự gián đoạn của nền kinh tế lớn nhất thế giới và có thể ảnh hưởng tới toàn cầu.
Đảng Cộng hòa yêu cầu Chính phủ Mỹ cắt giảm mạnh ngân sách như điều kiện để nâng giới hạn nợ. Nhà Trắng đang tìm cách giảm bớt những yêu cầu đó, đồng thời lập luận rằng vấn đề trần nợ đang bị vũ khí hóa vì lợi ích chính trị.
Bình luận