Anh Nguyễn Thanh Tùng, một khách hàng chờ bay đi xuất khẩu lao động vào chiều qua, chỉ ăn một bát mỳ tôm chống đói cũng tốn 45.000 đồng. Anh Nam, một hành khách khác đến sân bay Nội Bài vào thứ năm vừa rồi than thở: "Đồng ý là ở sân bay thì phải đắt, nhưng gần 200.000 đồng cho một bát phở thêm chai nước suối thì thật quá".
Khảo sát của phóng viên tại sân bay quốc tế này cho thấy không chỉ bún phở, các loại đồ uống, hoa quả ở đây cũng có giá cao gấp đôi đến gấp 6 lần so với ở ngoài. Chẳng hạn một chai nước 350ml ở siêu thị niêm yết chưa đến 4.000 đồng, thì vào đến sân bay Nội Bài giá đội lên từ 15.000 đến 25.000 đồng tùy cửa hàng.
Táo ta loại nhỏ, ở chợ khách hàng có thể mua ở mức 20.000 đồng mỗi kg, thì tại đây họ phải trả gần 85.000 đồng cho túi đóng sẵn một cân rưỡi. Bim bim, một trong những mặt hàng bán chạy ở sân bay, có giá 5.000 đồng một gói ở bên ngoài, vào đây đội lên gấp 4 lần.
Quan sát tại các quầy hàng, giá cả tại các quầy hàng do tư nhân quản lý có giá cao hơn khoảng 20 đến 40% so với khu vực quầy hàng của các công ty có vốn Nhà nước. Ví dụ tại quầy hàng của Xí nghiệp Thương mại hàng không Nội Bài trong khu vực ga nội địa, giá một cốc cam đá là 35.000 đồng. Nhưng khi ra quầy hàng do tư nhân quản lý, cũng cốc cam tương tự giá đội lên 80.000 đồng. Trà đá tại các cửa hàng trên lệch nhau trên 10.000 đồng, nơi bán 20.000 đồng, nơi 30.000 đến 35.000 đồng một cốc.
Khách quốc tế đang chọn mua hàng tại sân bay Nội Bài. Ảnh: AQ |
Bên cạnh giá cao, nhiều khách hàng phàn nàn rằng chất lượng dịch vụ không tương xứng. Anh Joe, một hành khách người Thái Lan có mặt ở sân bay Nội Bài chiều qua cho biết anh rất bực vì gọi nhân viên ra lau bàn cho sạch nhưng không được đáp ứng.
"Tôi nói mãi cuối cùng họ cũng phải lau, nhưng chỉ lấy tờ giấy ăn lau qua loa, thế thì làm sao mà sạch được", anh Joe nói.
Sau khi dùng một bát mỳ tôm giá 40.000 đồng, anh nhận xét dịch vụ ăn uống, hàng hóa ở sân bay Nội Bài kém xa sân bay Bangkok ở Thái Lan.
"Ở sân bay Thái Lan có rất nhiều cửa hàng, nhiều loại hàng hóa để lựa chọn. Giá cả tất nhiên cũng đắt hơn ở ngoài, nhưng dịch vụ kèm theo cũng rất tốt", anh Joe nói.
Hiện nay, có hai loại hình doanh nghiệp đang kinh doanh ở sân bay Nội Bài là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước và tư nhân. Bên cạnh hai đơn vị của Nhà nước là Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Nội Bài (Nasco) và Trung tâm khai thác Nội Bài, nhiều doanh nghiệp tư nhân khác như Lucky, Ngọc Sương cũng đang sở hữu nhiều quán ăn, quầy hàng tại sân bay.
"Ngoài ra nhiều cá nhân cũng được mở quầy hàng, người ít thì sở hữu một quầy, có người vài ba quầy, số lượng này nhiều vô kể", ông cho biết.
Đại diện các nhà kinh doanh giải thích giá cả hàng hóa đắt là do chi phí thuê mặt bằng tại sân bay cao ngang ngửa giá thuê văn phòng hạng A.
Ông Đặng Xuân Cử, Tổng Giám đốc Nasco cho biết công ty ông phải trả phí thuê mặt bằng 40 USD mỗi mét vuông một tháng. Trong sân bay, nhiều vị trí "đắc địa" khác có giá thuê còn cao hơn thế từ 20 đến 30%.
Ngoài ra, cũng như những đơn vị khác kinh doanh tại sân bay, doanh nghiệp Nasco phải đóng phí 1% trên doanh thu mỗi năm cho nhà quản lý cảng. "Do nhiều loại chi phí đội lên, cộng thêm quỹ lương để trả cho đội ngũ công nhân viên, nên chúng tôi phải tăng giá hàng hóa để bù đắp", ông Cử cho hay.
Còn chị Nguyễn Thị Hiền, tổ trưởng quầy hàng AU02 của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Nội Bài cho rằng tình trạng cho tư nhân vào đấu thầu bán hàng tràn lan cũng là lý do khiến mặt bằng giá cả bị đội lên.
"Như công ty chúng tôi có 51% vốn sở hữu của Nhà nước, muốn xin tăng giá 1.000, 2.000 đồng cũng phải đăng ký. Còn tư nhân họ muốn bán giá bao nhiêu thì bán", chị Hiền nói.
Về phía các nhà kinh doanh tư nhân, người bán khẳng định giá của họ không cao hơn là bao. Anh Bùi Đình Huy, quản lý của nhà hàng Ngọc Sương, tầng 4 cho biết nếu so với giá cả mặt bằng chung ở Hà Nội, giá các món ăn tại đây chỉ cao hơn khoảng 5%. Tuy nhiên, trong bảng thực đơn của nhà hàng này, giá một bát mỳ tôm bò là 79.000 đồng, cao hơn nhiều so với các quầy khác trong sân bay. Phở gà cũng treo giá 52.000 đồng mỗi bát.
Đại diện một đơn vị quản lý Nhà nước cho biết vấn đề giá cả đắt đỏ, kinh doanh manh mún ở sân bay Nội Bài đã được đặt ra từ lâu. Trước đây sân bay Nội Bài được thiết kế với năng lực phục vụ 5 triệu khách, nhưng nay thực tế mỗi năm có hơn 10 triệu lượt khách qua lại cảng hàng không này. Sân bay đã nhỏ hẹp, lại có quá nhiều nhà cung cấp được cấp phép kinh doanh, khiến khu vực dịch vụ ngày càng to ra trong khi diện tích công cộng cho khách càng co hẹp, đại diện trên nhận xét.
Còn đại diện một doanh nghiệp tại đây cho biết sau khi đi nhiều nước trên thế giới, ông chưa thấy cảng hàng không nào lại cho phép bán hàng tràn lan như ở sân bay Nội Bài. "Đến Nội Bài, tôi cảm giác như vào một cái chợ chứ không phải là một nơi để khách nghỉ chân trong khi chờ chuyến bay", ông này nói.
2012 là một năm kinh doanh khó khăn với tất cả các nhà bán lẻ tại sân bay Nội Bài. "Chưa khi nào tôi thấy khách tiết kiệm như bây giờ. Vài ba năm trước, không khí ở các quầy hàng khi nào cũng rất nhộn nhịp, khách tha hồ chọn lựa túi xách, quà lưu niệm trước khi lên máy bay. Còn bây giờ, khách ít hơn rất nhiều và chi tiêu cũng hạn chế", chị Oanh, đại diện một quầy hàng bán đồ lưu niệm tại sân bay Nội Bài cho biết.
"Ảm đạm" cũng là cảm nhận chung của các nhà kinh doanh khác. Đại diện của Nasco, ông Đặng Xuân Cử cho biết năm vừa rồi, công ty ông phải cật lực mở rộng thêm nhiều quầy hàng, tập trung cho nhiều mảng dịch vụ khác như chuyển phát nhanh để bù đắp cho sự sụt giảm ở mảng bán lẻ tại sân bay. "Nhờ đó, doanh thu năm 2012 không bị sụt giảm, vẫn tăng nhẹ lên 630 tỷ đồng. Nhưng tình hình kinh doanh năm 2013 tới dự kiến sẽ rất chật vật", ông Cử cho hay.
Theo VnExpress
Bình luận