Các quan chức Lầu Năm Góc giấu tên nói với Politico rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét gửi thêm 4 hệ thống HIMARS khác cho Ukraine, nằm trong gói viện trợ sắp tới.
Cũng theo nguồn tin của Politico, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra và "dựa trên nhu cầu tác chiến của Ukraine".
Số vũ khí này có thể sẽ được tài trợ từ khoản hỗ trợ an ninh trị giá 1 tỷ USD vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hôm 15/6. Ông Biden đã nói rằng gói hỗ trợ an ninh này sẽ hướng tới “các loại vũ khí bổ sung cho pháo binh và lực lượng phòng thủ bờ biển, cũng như đạn dược cho các hệ thống pháo binh và tên lửa tiên tiến mà Ukraine cần để hỗ trợ hoạt động phòng thủ”.
Gói hỗ trợ an ninh 1 tỷ USD được ông Biden công bố chưa đầy một tháng sau khi ông ký dự luật chi 40 tỷ USD để tài trợ cho Ukraine về kinh tế và quân sự, bên cạnh một gói chi tiêu 13,6 tỷ USD được quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 3.
Ngoài Mỹ, Anh cũng cung cấp cho Ukraine 3 hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 (do Mỹ sản xuất) có thiết kế tương tự như HIMARS. Đức thông báo trong tuần này rằng họ cũng gửi 3 hệ thống M270 cho Ukraine, giảm so với cam kết ban đầu là 4 chiếc do thiếu đạn dược.
Trước đó, vào đầu tháng 6, Mỹ thông báo sẽ gửi cho Ukraine 4 hệ thống HIMARS (mỗi hệ thống có thể mang theo 6 đạn rocket). Trong đó, Washington cho hay, họ sẽ cung cấp kèm HIMARS đạn rocket dẫn đường GMLRS, có tầm bắn từ 32km đến 60km.
Hệ thống HIMARS cũng có thể triển khai tên lửa chiến thuật ATACMS với tầm bắn lên tới 300 km, nhưng Mỹ vẫn chưa cung cấp cho Ukraine loại đạn tên lửa này.
Kiev kêu gọi các bên cung cấp hệ thống vũ khí nhiều hơn nữa. Nghị sĩ Ukraine Alexandra Ustinova nói với Politico: “Chúng tôi đã yêu cầu tăng gấp 10 lần số bệ phóng HIMARS. Bốn đơn vị HIMARS chẳng là gì cả".
Mikhail Podoliak, trợ lý của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hồi đầu tuần kêu gọi phương Tây cung cấp thêm 1.000 khẩu pháo 155mm - gần gấp 10 lần số lượng Mỹ gửi cho đến nay, 500 xe tăng và 300 hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS).
Trong khi giai đoạn hai của xung đột quân sự Ukraine kéo dài, những lo ngại được cho là đã xuất hiện ở Mỹ và phương Tây về kết thúc của cuộc chiến. CNN đưa tin một số quan chức Mỹ và châu Âu đang thúc đẩy Ukraine sớm đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga. Theo NBC News, các quan chức này đang “ngày càng lo ngại rằng quỹ đạo của cuộc chiến ở Ukraine là không thể kiểm soát được”.
Bình luận