• Zalo

Mỹ - Trung đối đáp 'chan chát’ về Huawei ngay từ ngày đầu hội nghị G-20

Thế giớiThứ Sáu, 28/06/2019 16:55:00 +07:00Google News

Các hoạt động trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh G-20 đang được thực hiện ở Osaka, cùng các cuộc họp nhóm của các nhà lãnh đạo thế giới.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu lộ rõ dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa có cuộc gặp riêng chính thức.

Trong phiên họp đầu tiên của G-20 về quản trị các sản phẩm kỹ thuật số, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói các nước không thể phát triển "đằng sau cửa đóng kín". "Quản trị dữ liệu hiệu quả không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng phân tích thu thập và luồng dữ liệu mà còn tôn trọng quyền tự quản lý cho tất cả các quốc gia", ông nói.

trump-abe-xi

 (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, phát biểu khai mạc của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh đến nhu cầu "đảm bảo khả năng phục hồi và bảo mật mạng 5G"."Điều này rất cần thiết cho sự an toàn và thịnh vượng chung của chúng ta", ông nói.

Nói chuyện với các nhà báo ngày 28/6, Tổng thống Trump nói ông không hứa với nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không tăng thuế nếu họ gặp nhau tại Nhật Bản. "Chúng tôi sẽ xem những gì sẽ xảy ra và những gì phát sinh. Đây sẽ là một ngày rất thú vị, tôi chắc chắn."

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rõ rằng thương mại là ưu tiên hàng đầu của ông tại hội nghị thượng đỉnh G-20. Ông cũng thúc đẩy thảo luận về mối quan tâm của Mỹ với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei tại các cuộc họp.

"Chúng tôi thực sự đã bán cho Huawei nhiều bộ phận", ông Trump nói trong cuộc họp với nhà lãnh đạo Ấn Độ Modi. "Vì vậy, chúng tôi sẽ thảo luận về vấn đề đó và cả cách Ấn Độ thích nghi. Và chúng tôi sẽ thảo luận về Huawei."

Trung Quốc hôm 28/6 cho rằng chủ nghĩa bảo hộ và "bắt nạt" đang đe dọa trật tự thế giới. Ông Tập  Cận Bình gặp ba đối tác châu Phi trong cuộc họp được tường thuật là: "Tất cả các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và các hành vi bắt nạt đang gia tăng, đặt ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với toàn cầu hóa kinh tế và trật tự quốc tế, và những thách thức nghiêm trọng đối với môi trường bên ngoài của các nước đang phát triển", theo quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dai Bing.

Ông Dai cho biết cuộc họp có sự tham gia của ông Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, và Tổng thống Senegal Macky Sall. Mặc dù nhắc đến bốn nhà lãnh đạo, Trung Quốc đã sử dụng những từ ngữ mà Bắc Kinh thường sử dụng để chỉ trích chính quyền ông Trump, cho thấy ông Tập Cận Bình có thể có một đường lối kiên quyết trong cuộc họp vào 29/6 với Tổng thống Mỹ.

Video: Người Việt lo lắng khi sử dụng điện thoại Huawei

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cáo buộc các nước phát triển có hành vi bảo hộ là phá hủy hệ thống thương mại toàn cầu. "Tất cả điều này đang phá hủy trật tự thương mại toàn cầu", ông Tập Cận Bình nói, không nêu tên Mỹ nhưng dường như được nhắm vào Tổng thống Mỹ. "Điều này cũng tác động đến lợi ích chung của các nước chúng ta, làm lu mờ hòa bình và ổn định trên toàn thế giới", nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định.

Mọi con mắt sẽ tập trung vào việc hai nhà lãnh đạo có thể đồng ý một thỏa thuận đình chiến thương mại trong tranh chấp đang gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới hay không. 

Chính quyền Tổng thống Trump đã cấm sử dụng thiết bị công nghệ từ Huawei trong các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, dù Bắc Kinh phản đối. Washington cũng thúc ép các đồng minh tránh xa Huawei trong việc phát triển mạng không dây thế hệ thứ năm, hay 5G, vì lý do an ninh, và cũng cho rằng đây có thể là một yếu tố trong thỏa thuận thương mại với ông Tập Cận Bình.

Trước khi đến Nhật Bản, ông Trump đã nói rằng Trung Quốc rất mong muốn một thỏa thuận đình chiến thương mại vì nền kinh tế của họ đang "trượt dốc" và đe dọa mức thuế lên 325 tỷ USD bổ sung ngoài 200 tỷ USD mà Washington đã áp đặt.

Những nỗ lực của hai bên để đạt được thỏa thuận thương mại đã sụp đổ vào tháng Năm, khiến cuộc gặp tại Osaka mang "trọng trách" nặng nề. Các chuyên gia tin rằng có rất ít cơ hội xuất hiện thỏa thuận đầy đủ tại G20, nói rằng hy vọng tốt nhất là một thỏa thuận đình chiến thương mại để Washington tránh áp đặt thuế quan mới làm xung đột gia tăng.

Nhưng ngay cả một thỏa thuận đình chiến thương mại cũng không được đảm bảo, khi tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 27/6 rằng Bắc Kinh sẽ không đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào trừ khi Washington dỡ bỏ lệnh cấm đối với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei, dù Mỹ sau đó đã phủ nhận thông tin này.

Cổ phiếu châu Á trồi sụt do lo ngại cuộc gặp Trump-Tập khó có khả năng làm giảm căng thẳng thương mại. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker nói: "Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ rất khó khăn, điều này góp phần làm chậm lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu".

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn